Du lịch cựa mình sau kỳ 'ngủ đông'

Du lịch cựa mình sau kỳ 'ngủ đông'
TPO - Sau một thời khá dài bất động vì dịch COVID-19, hoạt động du lịch trong nước đang cựa mình bằng việc các doanh nghiệp lữ hành tái khởi động các tour du lịch và chính quyền nhiều địa phương đang nỗ lực thực hiện các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch trên diện rộng.

Tái khởi động tour

Những ngày đầu tháng 10, Công ty Dịch vụ lữ lành Cuộc sống Việt (Vietlife Travel) khởi hành đưa 4 đoàn khách khách từ Tiền Giang, Sóc Trăng, Bình Thuận và TPHCM với tổng số 200 người đi tham quan Đài Lạt theo tour 4 ngày 3 đêm. Bà Trần Thị Nữ Vương - Phó phòng Kinh doanh Vietlife Travel cho biết, từ ngày 29/9 đến hết tháng 11/2020, mỗi tuần công ty đều khởi hành đưa 4 đoàn với 200 khách từ TPHCM đi tham quan Đà Lạt; đồng thời đưa các đoàn đi tham quan Phú Quốc, Vũng Tàu, Phan Thiết và các tỉnh khu vực phía Bắc. Bà cũng cho biết, hiện tại có nhiều đoàn khách khác cũng đang đặt tour đi trong hai  tháng cuối năm.

Theo bà Nữ Vương, năm nay do tình hình dịch COVID-19, các tour dịp hè đã phải hủy hoặc dời lại cuối năm. Vì vậy, ngay khi dịch lắng xuống, Công ty đã khởi động các tour đưa khách đi tham quan theo yêu cầu đặt trước. Bên cạnh đó có nhiều tour mới hình thành. Khách ở phía Nam thường chọn các tuyến đi gần và điểm đến là những nơi an toàn, không có dịch. Vì vậy, ở một số nơi gần TPHCM như Vũng Tàu, Hồ Tràm…các khách sạn luôn hết phòng vào những ngày cuối tuần.          

Du lịch cựa mình sau kỳ 'ngủ đông' ảnh 1Trong các ngày 6-9/10, các đoàn khách du lịch của Công ty Vietlife Travel giao lưu múa hát cồng chiêng với đồng bảo thiểu số bản địa tại núi Langbiang (Lạc Dương Lâm Đồng)- Ảnh: VLT

Nhiều công ty du lịch lữ hành tại TPHCM cũng đã tái khởi động các tour du lịch trong nước sau khi dịch lắng xuống. Bà Đoàn Thanh Trà - Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, trong tháng 9 vừa qua Công ty đã phục vụ 4.309 khách đoàn từ các cơ quan, doanh nghiệp tham gia các tour tham quan, hội thảo, teambuilding trên cả nước. Trong tháng 10 này, Công ty tiếp tục đưa nhiều đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) đi tham quan, mỗi đoàn cố số lượng từ 200 đến 800 khách. Điểm đến là Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu. “Đây là tín hiệu lạc quan, đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch Việt Nam”- bà Thanh Trà nói, đồng thời cho biết, dự kiến, trong tháng 10 và 11, Lữ hành Saigontourist sẽ tiếp tục phục vụ trên 16.000 khách thuộc đối tượng khách đoàn.

Ông Nguyễn Minh Mẫn -Trưởng phòng Marketing, Công ty Du lịch TST cho biết, trong tháng 9 đã khởi động nhiều tour với khoảng 1.000 khách và tháng 10 này tăng lên 1.500 khách. Ngoài các tỉnh phía Nam, nhiều đoàn khách đã đặt tour đi các tỉnh thành khu vực phía Bắc. 

Du lịch cựa mình sau kỳ 'ngủ đông' ảnh 2 Khách du lịch kết hợp teambuiding của Công ty Du lịch Festival tham quan tại Vũng Tàu. (Ảnh: FTV)

Cạnh tranh gay gắt

Theo các công ty lữ hành, do miếng bánh thị phần du lịch bị thu hẹp nên mức độ cạnh tranh đang rất cao. Ông Đỗ Thanh Thủy- Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Du Lịch Festival cho hay, giá cả dịch vụ hiện đã giảm khá sâu. Chẳng hạn, phòng khách sạn 4 sao tại Phan Thiết trước đây giá 1,3 triệu đồng/phòng/ngày đêm, nay còn 1 triệu đồng. Từ đó kéo theo giá tour cũng giảm bình quân 20-30%.

Vì vậy, các đơn vị lữ hành gần như không có lãi nhưng vẫn làm để duy trì hoạt động và chờ đợi cơ hội trong thời gian sắp tới. “Miếng bánh thị phần du lịch hiện rất nhỏ đang có sự canh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp lữ hành”- ông Thủy nói. Ông kể, có đơn vị vừa công bố sẽ tổ chức cho khoảng 40 cán bộ, nhân viên đi du lịch, lập tức đã có khoảng 10 doanh nghiệp lữ hành đến chào thầu.             

Bà Đoàn Thanh Trà cũng xác nhận, giá tour du lịch hiện tại không giảm do với thời điểm cuối đợt dịch đầu tiên, nhưng giảm đáng kể, từ 20-30% so với trước khi dịch xảy ra.

Nhiều tỉnh thành đã triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch. Ông Trịnh Hàng- Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hiện có 100 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh này cam kết tham gia kích cầu du lịch bằng hình thức giảm 30% giá niêm yết đối với cơ sở lưu trú đạt từ 3 sao trở lên. 

Cơ sở lưu trú đạt 1 và 2 sao giảm 20% giá niêm yết và các cơ sở lưu trú khác giảm 10% giá niêm yết.... Trong thời gian từ đây đến hết năm 2020, khi đi đến bất kỳ điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn và cơ sở dịch vụ tại Bà Rịa-Vũng Tàu có gắn biển nhận diện Chương trình kích cầu du lịch, du khách sẽ được ưu đãi ít nhất 10% so với giá niêm yết.

Du lịch cựa mình sau kỳ 'ngủ đông' ảnh 3 Khách tham quan tại Đà Lạt. (Ảnh: VLT).

Hưởng 4 sao, trả phí 3 sao

Mặc dù giá giảm nhưng chất lượng dịch vụ không những không giảm mà còn tăng cao. Ông Nguyễn Minh Mẫn dẫn chứng: Hiện nay giá khách sạn 4 sao đã hạ xuống tương đương giá khách sạn 3 sao. Do đó, khách chỉ trả chi phí của khách sạn 3 sao nhưng được hưởng chất lượng của 4 sao. Do không có khách nước ngoài nên khách trong nước có nhiều cơ hội được sử dụng dịch vụ của khách sạn 4 sao hơn. Ông Mẫn cũng cho biết, chế độ bảo hiểm cho khách luôn được đảm bảo đúng yêu cầu theo quy định và theo nguyên tắc mức bảo hiểm cho du khách phải ngang bằng hoặc tốt hơn chứ không thấp hơn so với trước dịch.

Bà Nữ Vương cho biết, mức bảo hiểm công ty mua cho khách với mức từ 50 triệu đồng/người/tour trở lên, có những khi lên đến 200 triệu đồng, tùy thuộc vào yêu cầu của khách. Ngoài ra, khách được chăm sóc kỹ nhằm đảm bảo về an toàn phòng chống dịch. Từ quá trình lưu chuyển trên xe đến các nơi ăn, nghỉ, các điểm tham quan đều phải thực hiện nghiêm việc kiểm soát dịch bệnh theo yêu cầu của chính quyền.

Vừa cùng đoàn cán bộ, nhân viên trong công ty đi du lịch Đà Lạt về, ông Nguyễn Hoàng Tiến (Vũng Tàu) chia sẻ, lúc đầu mọi người có phần ngần ngại về vấn đề dịch bệnh nhưng quá trình đi, thấy đơn vị tổ chức tour cũng như các khách sạn, nhà hàng, điểm đến tham quan…thực hiện rất tốt việc phòng chống dịch nên mọi người cảm thấy an tâm. Việc mua bảo hiểm cũng được đơn vị cung cấp tour thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và trong quá trình đi không xảy ra sự cố gì.    

Du lịch có cơ hội khởi sắc

Về triển vọng của hoạt động du lịch lữ hành, bà Trà đánh giá: “Nếu việc kiểm soát dịch như ở Việt Nam tiếp tục hiệu quả như thời gian vừa qua thì hy vọng hoạt động du lịch lữ hành trong nước sẽ nhanh chóng phục hồi và thời điểm có thể phát triển mạnh là vào dịp cuối năm, nhất là dịp Noel và Tết dương lịch.    

  Du lịch cựa mình sau kỳ 'ngủ đông' ảnh 4
Khách du lịch của Công ty Vietlife Travel giao lưu múa hát cồng chiêng với đồng bảo thiểu số bản địa tại núi Langbiang (Lạc Dương Lâm Đồng) (Ảnh: VLT)
Hội đồng Tư vấn du lịch Quốc gia (TAB) đánh giá, Hà Nội và TPHCM là thị trường nguồn lớn nhất tại Việt Nam. Du khách ở hai thành phố này chiếm đến khoảng 60%-70% lượng khách đi du lịch nội địa. Kết quả khảo sát do TAB thực hiện cho thấy, trong thời điểm sau đợt dịch COVID-19 lần 2, phần lớn khách du lịch được hỏi đã cho ý kiến mong muốn đi du lịch dài hơn so với khảo sát sau đợt dịch đầu tiên.
Trong đó có tới 60%-70% người được hỏi đã sẵn sàng đi du lịch bằng đường hàng không và đặc biệt, nhiều khách từ Hà Nội và TPHCM sẵn sàng du lịch từ nay tới cuối năm. Điều đó cho thấy tín hiệu đáng mừng là du khách Việt Nam đã bớt lo sau bùng phát Covid-19 lần hai và du lịch có nhiều cơ hội khởi sắc.  

Bà Võ Thị Ngọc Thuý- Phó giám đốc sở Du lịch TPHCM cho biết, dịch COVID-19 đã khiến 95% doanh nghiệp du lịch tại TPHCM phải dừng hoạt động. Tính tới đầu tháng 10 cũng mới chỉ có khoảng 45- 50% doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại. Với các hoạt động kích cầu du lịch mang tính thực tiễn và nắm bắt đúng nhu cầu du khách, Du lịch TP dự kiến từ nay tới cuối năm sẽ đón 15 triệu lượt khách cũng như đạt doanh thu khoảng 80 tỷ đồng.  

MỚI - NÓNG