Dự thảo Luật Lao động: Tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm

Nếu Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua, sẽ có nhiều thay đổi lớn trên thị trường lao động. Ảnh: ILO.
Nếu Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua, sẽ có nhiều thay đổi lớn trên thị trường lao động. Ảnh: ILO.
TP - Dự kiến, năm 2018-2019, Dự thảo Bộ luật Lao động (LĐ) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội. Theo Dự luật, sẽ có những thay đổi lớn trên thị trường LĐ nếu các điều khoản được thông qua, đặc biệt là về tổ chức đại diện người LĐ, tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, lương tối thiểu…

Người LĐ được lập các tổ chức đại diện riêng

Một trong những thay đổi lớn trong Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi là việc cho phép người LĐ được thành lập các tổ chức đại diện cho mình. Tổ chức này có thể trực thuộc hoặc nằm ngoài hệ thống công đoàn đang có hiện nay. Dù khác 2 bản dự luật lấy ý kiến năm 2016 và đầu năm 2017, Dự thảo lấy ý kiến lần 3 (hết hạn lấy ý kiến ngày 18/1/2018 vừa qua), Bộ LĐ-TB&XH (đơn vị soạn thảo) đã không công bố các chi tiết dự thảo quy định tổ chức đại diện người LĐ. Tuy nhiên, ở phần đề cương dự luật, đơn vị soạn thảo vẫn đề rõ về đại diện người LĐ (trong chương 12), với các điều khoản quy định về tổ chức đại diện người LĐ, việc thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức này (ngoài tổ chức Công đoàn đang hoạt động theo Luật công đoàn).

Theo các bản dự luật lấy ý kiến trước đó, tổ chức đại diện người LĐ tại doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở tự nguyện, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người LĐ. Tổ chức đại diện người LĐ tại doanh nghiệp gồm công đoàn cơ sở (hoạt động theo Luật Công đoàn) và các tổ chức khác của người LĐ (còn gọi là nghiệp đoàn). Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người LĐ. Các nghiệp đoàn có thể trực thuộc công đoàn, hoặc được thành lập với sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo lý giải của đơn vị soạn thảo thay đổi này phù hợp với thực tế hội nhập của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Tính tới hết tháng 5/2017, cả nước có hơn 9,7 triệu đoàn viên công đoàn, với hơn 126.500 công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, thực tế hoạt động của tổ chức công đoàn còn yếu, mang tính hình thức, chưa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn…

Tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm

Cùng với thay đổi về tổ chức đại diện người LĐ, Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi cũng đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, nâng tuổi nghỉ hưu với nữ từ 55 tuổi hiện nay lên 60 tuổi, nam từ 60 tuổi lên 62 tuổi, thời gian thực hiện từ năm 2021, với mỗi năm tăng thêm 6 tháng làm việc.

Dự luật cũng đề xuất bỏ hình thức hợp đồng thử việc, thay vào đó giai đoạn thử việc được xem là một phần của hợp đồng LĐ. Sửa đổi này nhằm ngăn chặn người sử dụng LĐ lách luật để ký các hợp đồng thử việc để giảm chi phí lương, phúc lợi, bảo hiểm xã hội… Đồng thời hướng tới hạn chế việc chủ sử dụng LĐ lợi dụng quy định hợp đồng có kỳ hạn để thải loại những LĐ lớn tuổi. Ngoài ra, quy định về lương tối thiểu vùng cũng được sửa đổi, ngoài lương tối thiểu theo tháng có thể bổ sung thêm lương tối thiểu theo tuần, theo giờ.

Đặc biệt, quy định giờ làm thêm hiện hành không quá 300 giờ/năm được đánh giá là quá ít, và thực tế nhiều doanh nghiệp đã vi phạm quy định này, do yêu cầu về các đơn hàng xuất khẩu nên số giờ tăng ca lớn hơn. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nâng số giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm, hoặc 500 giờ/năm. Tiền công tăng ca cũng được đề xuất tăng lên từ 150% tới 400% so với tiền giờ làm bình thường (tùy vào ngày làm thêm bình thường hoặc lễ, tết…).

Không thể không sửa

Trao đổi với báo chí tại Hội nghị đánh giá kết quả Bộ luật LĐ 2012 diễn ra mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Bộ luật LĐ hiện hành cần sửa đổi ngay, vì đã bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt, theo các FTA thế hệ mới Việt Nam ký với các nước, đều có điều khoản về người lao động có quyền tự do lập các tổ chức đại diện cho mình.

“Các tổ chức đại diện của người LĐ có thể nằm trong Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc độc lập nếu được cơ quan nhà nước chấp thuận. Tổ chức này cũng có quyền tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của người LĐ, đóng góp ý kiến khi xây dựng chính sách”, ông Lợi nói.

Nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân (trực tiếp tham gia xây dựng Dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi) cho biết, tới nay cả nước xảy ra hơn 6.000 cuộc đình công, nhưng chưa có cuộc nào diễn ra đúng pháp luật. Cùng đó, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra nhiều vấn đề về bảo vệ người LĐ, ngoài việc người LĐ được thành lập các tổ chức đại diện riêng, còn có quy định về tiêu chuẩn nơi làm việc, LĐ cưỡng bức, LĐ trẻ em, bình đẳng giới… Điều đó, theo ông Huân, pháp luật LĐ hiện hành đang có những bất cập cần sửa đổi cho phù hợp tình hình mới.

Trung tuần tháng 1/2018 vừa qua, Bộ Tư pháp đã họp thẩm định về hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo dự kiến của Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2019 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.