Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Phát sinh lãi, gốc 1,8 tỷ đồng/ngày

Dù đã nhập về 13 đoàn tàu nhưng ngày hoàn thành dự án vẫn mờ mịt. Ảnh: Trọng Đảng.
Dù đã nhập về 13 đoàn tàu nhưng ngày hoàn thành dự án vẫn mờ mịt. Ảnh: Trọng Đảng.
TP - Bộ GTVT đã thông tin lại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành kỹ thuật vào tháng 8/2018 chứ không phải năm 2021. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, tiến độ dự án gần như đang dậm chân tại chỗ và vẫn mịt mù ngày khai thác thương mại. Đáng nói, do đội giá thêm 40%, mỗi ngày dự án đang phải trả lãi, gốc phát sinh 1,8 tỷ đồng.

Năm 2021 mới hoàn thành đưa dự án vào sử dụng?

Ngoài có mức đội giá khủng - tăng trên 40% so với quyết định đầu tư ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn đang giữ kỷ lục với 6 lần điều chỉnh tiến độ. Theo đó, sau khi khởi công vào tháng 10/2011, dự án có tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng vào ngày 30/6/2015. Tuy nhiên đến nay, sau 6 lần điều chỉnh tiến độ, dự án vẫn mịt mù ngày về đích. Đến tháng 3 vừa qua, Bộ GTVT bất ngờ có văn bản đề xuất với nội dung: “Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”, do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký.

Trong văn bản này, Bộ GTVT cho biết cụ thể, tháng 8/2018 là mốc dự án hoàn thành công tác xây dựng các nhà ga và hạng mục đường ray; hoàn thành công tác hoàn thiện trang trí kiến trúc khu Depot, công tác lắp đặt thiết bị và đóng điện toàn tuyến; tháng 9/2018 bắt đầu vận hành chạy thử về kỹ thuật (bao gồm cả căn chỉnh, thử tải và vận hành chở khách mô phỏng. “Tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành đưa vào khai thác thương mại”, văn bản nêu rõ.

Tiếp đến, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị: Từ những vướng mắc và dự kiến tiến độ nêu trên, để tiếp tục triển khai dự án, Bộ GTVT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2021 (trong đó: Thời gian hoàn thành giai đoạn thực hiện dự án trong Quý IV/2018 với thời gian vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc khác từ 3 - 6 tháng; Quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình xây dựng 24 tháng kể từ khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng).

Với những nội kiến nghị được nêu trên và đọc hết văn bản, chúng tôi không thấy Bộ GTVT đưa ra được mốc thời gian cụ thể nào cho việc đưa dự án vào khai thác thương mại. Do vậy, dư luận có quyền đặt nghi vấn, dự án vẫn chưa dừng lại ở 6 lần điều chỉnh tiến độ.

Thiệt hại lớn do chậm tiến độ

Theo hợp đồng EPC với Tổng thầu Trung Quốc, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD (trong đó, vay ODA của Chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD) đến nay đã tăng lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỷ đồng, tăng thêm trên 40%). Căn cứ vào hợp đồng EPC và tiến độ giải ngân của dự án, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, do hợp đồng vay vốn để thực hiện dự án chỉ triển khai trong vòng 48 tháng và đến nay đã giải ngân xong tổng mức đầu tư trên. Từ thực tế này, bên cho vay vốn có đủ cơ sở để tính lãi suất. Như vậy, từ 419 triệu USD đã vay ODA Trung Quốc với lãi vay thương mại ưu đãi trung bình 3%/năm, chúng tôi tạm tính, mỗi năm phía Việt Nam phải trả khoảng 240 tỷ đồng tiền lãi (tương đương 600 triệu đồng/ngày). Còn với khoản lãi vay tăng thêm do dự án bị đội giá là 250 triệu USD, theo văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ GTVT vừa qua, với khoản này Việt Nam phải trả nợ trong vòng 9 năm cho ngân hàng China EximBank (Trung Quốc), thời gian bắt đầu tính từ tháng 1/2016 đến 15/11/2025.

Theo đó, số tiền mỗi kỳ phía Việt Nam phải trả cho China EximBank là 14,4 triệu USD, trung bình một năm, phía Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay (tương đương 1,8 tỷ đồng/ngày). Nếu cộng cả 2 khoản vay, mỗi ngày phía Việt Nam đang phải trả cả lãi, gốc khoảng 2,4 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, nếu dự án hoàn thành đúng tiến độ phía Việt Nam chỉ phải trả khoảng 600 triệu đồng lãi/ngày cho khoản vay theo dự án được phê duyệt ban đầu, tuy nhiên với khoản vay hơn 250 triệu USD sau đó, do lãi suất không còn được ưu đãi nên Bộ Tài chính thông báo mỗi ngày phía Việt Nam phải trả lãi 1,8 tỷ đồng là hoàn toàn chính xác.

Có tiến độ hoàn thành tháng 6/2014, nhưng ghi nhận trên công trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngày 2/4, chúng tôi thấy, 12 ga và 2 trạm đầu, cuối tại Cát Linh, Ba La vẫn đang ngổn ngang công trường. Tại các nhà ga Thanh Xuân, Thượng Đình, Phùng Khoang… luôn trong tình trạng quây rào, hệ thống thang máy, cửa kiểm soát khách lên các ga vẫn chưa lắp đặt hoàn chỉnh.

Đánh giá về tiến độ, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) vừa cho biết, sau khi được cấp bổ sung thêm 250 triệu USD vốn tăng thêm, hiện dự án đã hoàn thành trên 95% khối lượng thi công, toàn bộ 13 đoàn tàu đã được nhập về và vận hành thử an toàn trên đường ray. Hiện Tổng thầu EPC Trung Quốc tập trung hoàn thiện là lắp đặt hệ thống thiết bị, trong đó có các hạng mục kiểm soát vé, thang máy và điện vận hành, chiếu sáng ở hai trạm đầu cuối...

Những lần dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông vỡ tiến độ:

Dự án được phê duyệt tiến độ hoàn thành vào ngày 30/6/2015.

Đến ngày 15/9/2011 Bí thư Thành ủy Hà Nội thời điểm đó là ông Phạm

Quang Nghị đã đi kiểm tra và đại diện Tổng thầu Trung Quốc hứa sẽ đưa dự án hoàn thành trước tiến độ là ngày 2/9/2014.

Đến tháng 6/2015 dự án không hoàn thành đúng tiến độ và phải điều chỉnh sang tháng 12/2015.

Thời điểm tháng 12/2015 dự án tiếp tục không hoàn thành và điều chỉnh sang tháng 9/2016.

Đến 9/2016 dự án vẫn lỡ hẹn và được điều chỉnh sang tháng 10/2017.

Cùng với tăng vốn, tháng 12/2017 dự án tiếp tục được tổng thầu đề nghị lùi sang tháng 9/2018.

Đến tháng 3 vừa qua, Bộ GTVT có văn bản đề xuất với nội dung: “Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”...

MỚI - NÓNG