Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi?

TPO - Trái với chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, giá lợn hơi trên thị trường không giảm như kỳ vọng dưới 70.000 đồng/kg, mà còn tăng cao, giữ trên 90.000 đồng/kg trong hơn một tuần qua. Giá lợn neo cao, ai đang “ăn dày” nhất, bao giờ giá thịt lợn sẽ giảm?
Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 1

Ông Đỗ Quốc Gia, chủ trang trại lợn thịt ở Văn Giang (Hưng Yên) sau khi “tính nát óc” đã bán lứa lợn choai gần 200 con, sau khi mới vào đàn được ít ngày cho một chủ trại gần nhà. Đàn lợn 200 con trên, ông Gia phải mua lợn giống lúc 2,7 triệu đồng/con (loại 7kg), còn nay giá lên tới 3,2-3,3 triệu đồng/con, muốn mua cũng không có. Dù chỉ nuôi được một tháng, nhưng giá lợn giống lên cao, thấy có lãi khoảng 1 triệu đồng/kg nên đã bán sạch.

Theo tính toán của ông Gia, với các hộ nuôi phải mua con giống, nếu giá trung bình khoảng 3,2 triệu đồng, tiền cám hết khoảng 2,7 triệu đồng, chi phí thuốc thú y, sát trùng, điện, nước, hao hụt, công lên…nên giá thành đã lên đến 60.000-62.000 đồng/kg. “Với giá lợn hơi 70.000 đồng/kg, chúng tôi lãi khoảng 1 triệu đồng/con. Mức lãi ước mơ của người chăn nuôi”, ông Gia nói.

Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 2

Theo ông Gia, nếu cứ số lợn đó cho đến khi xuất chuồng khoảng 4,5 tháng, giá lợn hơi vẫn cứ 92.000-93.000 đồng/kg như hiện nay, ông sẽ lãi ít nhất khoảng 3 triệu đồng/con. Còn với những trang trại chủ động được con giống, đặc biệt doanh nghiệp (DN) lớn làm khép kín từ giống đến giết mổ như Công ty C.P (Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P), có thể lãi tới 4-5 triệu đồng/con lợn là bình thường. “Tuy nhiên, trong điều kiện dịch vẫn còn rình rập, giá lợn chưa biết về đâu, nên để chắc ăn, đành phải bán. Lãi lớn nên bảo lúc này các DN như C.P, Dabaco… “nhả” lợn giống ra ngoài là chuyện rất khó. Đây mới là những ông ăn dày nhất”, ông Gia nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chủ lò mổ ở Hà Nội cho biết, với giá lợn hơi khu vực Hà Nội khoảng 94.000 đồng/kg, nếu giết mổ sẽ cho ra khoảng 75 kg thịt móc hàm (tính trung bình nặng 1 tạ/con), với giá khoảng 125.000 đồng/kg. Từ khối thịt móc hàm bán lại, tiểu thương pha lóc ra các loại thịt ba chỉ, thịt nạc mông, chân giò, sườn, mỡ, xương…

“Chỉ loại thịt như ngon ba chỉ, sườn non, mới bán giá tới 170.000-180.000 đồng/kg, còn loại như xương cũng chỉ mấy chục nghìn/kg. Tính ra, họ bán được trung bình khoảng 140.000 đồng/kg, lãi được khoảng 20.000 đồng/kg. Trong khi giá thịt đắt, người tiêu dùng mua giảm, nên tiểu thương mà ế chỉ khoảng 5 kg, hết lãi”, vị này phân tích.

Cũng theo vị chủ lò mổ này, hiện Công ty C.P đang bán ra ở khu vực phía Bắc khoảng 3.000-4.000 con mỗi ngày, nhưng mua được trực tiếp giá 70.000 đồng/kg gần như là điều không tưởng, phải mua qua các cò trung gian khác với giá bằng giá thị trường, trên 90.000 đồng/kg hơi. Như vậy, nếu số lượng bán ở phía Bắc của C.P khoảng 4.000 con/ngày, mức chênh lệch giá với cam kết của Chính phủ tới 20.000 đồng/kg, thì đội cò trung gian đã ăn hơn 8 tỷ đồng/ngày.

 
Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 3
 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thực tế có một số DN chăn nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá lợn thịt. Mặt khác, lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng qua 2-5 khâu trung gian, khiến giá thịt lợn tăng khoảng 43%.

Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 4
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối giá súc, gia cầm Hà Nam cho biết, giá lợn hơi ngày 13/5 tới 95.000-96.000đồng/kg. Số lượng lợn hơi giao dịch tại chợ chỉ còn 200-300 con mỗi ngày, giảm hơn một nửa so với trước đây. Lợn từ miền Nam gần như không còn ra miền Bắc nữa, vì giá lợn tương đương như ở miền Bắc. “Tình hình này, giá lợn hơi chạm mốc 100.000 đồng/kg không còn xa”, ông Lộc nhận định.
Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 5  

Ông Nguyễn Công Bắc, chủ hệ thống trang trại hơn 1.100 con lợn nái, khoảng 6.000 đầu lợn thịt (lớn nhất nhì ở Sơn La) cho biết, giá lợn hơi ở Sơn La xuất chuồng khoảng 92.000-93.000 đồng/kg. Theo ông Bắc, việc can thiệp của Chính phủ về giá là cần thiết, nhưng thịt lợn cũng như hàng hóa khác, phải theo quy luật cung cầu. Cần tập trung tăng đàn lợn nái mới có nguồn cung cấp con giống để nông dân vào đàn. Ông Bắc cũng nhận định, giá thịt lợn từ nay đến hết năm 2020 “khó được mức bình dân" vì nguồn cung vẫn thiếu.

“Nếu tiến độ tốt nhất, từ nay hết năm 2020  có thể về 70 nghìn đồng/kg. Bây giờ tới 3 triệu/con giống, giá bán 60 nghìn đồng/kg, nông dân lại lỗ, mà lỗ thì nông dân lại không nuôi nữa. Phải tới quý 1, 2/2021, nếu tái đàn lợn nái và kiểm soát dịch tốt, lúc đó mới xuống 60.000 đồng/kg hơi”, ông Bắc nói.

Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 6
   
Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 7

Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, giá thịt lợn sau khi đi qua các khâu từ trang trại chăn nuôi đến thương lái, công ty liên kết, lò mổ và phân phối, bán lẻ, giá đã bị đội thêm 40%…

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia Vụ Thị trường trong nước cho hay, việc làm rõ thịt lợn đội giá ở khâu nào rất quan trọng. Ở địa vị người mua thịt, mức giá bán lẻ như vậy đương nhiên là đắt.

Với góc độ người chăn nuôi, số tiền tổng thu được từ bán một con lợn nặng 100kg là 9 - 9,5 triệu đồng hiện không thể coi là lãi lớn do phải bỏ tiền mua lợn giống từ 2,2 - 2,6 triệu đồng/con chưa kể mất khoảng 4,5 tháng đầu tư thức ăn, thuốc tiêm phòng, kiểm dịch, tiền điện, nước, công chăm sóc đến khi con lợn được 1 tạ. So với khâu bán lẻ, số tiền lãi từ nuôi lợn không cao.

Theo vị chuyên gia này, để đưa lợn hơi từ cổng trại ra tới thị trường phải chi phí rất nhiều khoản. Điển hình như chi phí vận chuyển trung bình 1.500 đồng/kg tùy vào khoảng cách, chi phí bốc lợn lên xe 1.000 đồng/kg, chi phí hao hụt trung bình 4.000 đồng/kg… Tổng chi phí bình quân từ trại xuất chuồng ra đến thị trường mất từ 5.000-10.000 đồng/kg.

Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 8

Về lợi nhuận, chỉ cần tính nhanh, với một con lợn 100 kg khi mổ thịt trung bình thu được khoảng 65 kg thịt (lợn siêu nạc có thể được đến 70 - 75 kg), 4 kg xương sườn non, 3-5kg xương cục, 6 kg thủ, 3 kg chân giò (chỉ tính chân trước), 10 kg lòng… Với giá bán 95 nghìn đồng/kg thịt hơi, giá thịt lợn bán lẻ tính bình quân các loại 160 nghìn đồng/kg, thủ 80 nghìn đồng/kg, chân giò 90 nghìn đồng/kg, lòng 60 nghìn đồng/kg, xương sườn và xương cục tính chung 50 nghìn đồng/kg, sau khi trừ tiền gốc phải trả, riêng phần chênh lệch đầu ra - đầu vào tính theo số lượng kg thịt, xương… thu được sau khi bán lẻ các phần trên sẽ là 1,8 - 2 triệu đồng. Đây là tính theo giá thịt bán ở chợ tại các địa phương.

Còn nếu bán ở siêu thị, giá thịt sẽ còn cộng thêm nhiều chi phí và 10% thuế VAT. Còn các chợ lẻ ở các thành phố lớn, chợ gần khu dân cư có thu nhập cao ở Hà Nội, TPHCM, giá thịt nạc vai với mức dao động 160-180.000 đồng/kg, sườn non bỏ cục có giá 180-200.000 đồng/kg, mỡ 100.000 đồng/kg… “Mức chênh lệch giá bán nguyên con lợn và thịt lợn bán lẻ vào tay các trung gian vận chuyển và tiểu thương còn cao hơn rất nhiều lần. Có thể lên tới hơn 2 triệu đồng/con lợn 100kg”, vị chuyên gia ước tính.

Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 9
Theo thông tin từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), con đường lợn thịt từ chuồng trại đến chợ, siêu thị chia làm hai khâu. Với khâu thu mua, giết mổ và bán buôn (tính cho 1 con lợn 100kg hơi, giá 73.000 đồng/kg). Dân buôn mua tại cửa chuồng hết 7,3 triệu đồng/con. Tiền vận chuyển, giết mổ và kiểm dịch hết 230.000 đồng/con. Tổng chi phí hết 7,53 triệu đồng/con. Giết mổ xong, khối lượng thịt móc hàm thu được là 75kg. Giá bán buôn lợn móc hàm cho người bán lẻ là 110.000 đồng/kg, tính ra thu được 8,25 triệu đồng/con. Trừ đi khoản chi phí 7,53 triệu đồng, khâu này dân buôn và giết mổ lãi 720.000 đồng (tương đương tăng 10% so với tiền mua lợn).

Với khâu từ mua móc hàm đến bán lẻ tại chợ. Ở khâu này, 1 con lợn móc hàm 75kg, tiểu thương mua về sẽ pha lóc thành các loại thịt. Sau khi bán hết con lợn móc hàm 75kg, dân bán lẻ thu về gần 11 triệu đồng. Trừ đi giá gốc hơn 8 triệu đồng, ở khâu này dân buôn thu gần 2,5 triệu đồng (tương đương tăng 33,3% so với tiền mua móc hàm và tăng 37,6% so với mua cửa chuồng).

Tại cuộc họp với các cơ quan quản lý hồi tháng 4 vừa qua, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P cho rằng, khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lí, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp…

Cũng theo tìm hiểu của Tiền Phong, với mô hình chăn nuôi tập trung hiện nay, nhiều hộ nuôi gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P ở các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, người nông dân sẽ phải bỏ tiền đầu tư chuồng trại, nhân công, trả tiền điện, nước, kiểm dịch sau khi nhận cám, con giống và chăm sóc, nuôi lợn theo quy trình, kỹ thuật của công ty thuê. Mỗi tạ heo hơi xuất chuồng, hộ nông dân thu được 350 đến 400 ngàn đồng.

Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 10
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, khó khăn nhất đến lúc này để tái, tăng đàn là con giống, vì rất hiếm và rất đắt. Theo ông Đăng, để hồi phục đàn lợn lên khoảng 1,8 triệu con như trước khi có dịch, Hà Nội đã hỗ trợ gần như 100% với các hộ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, để người dân có nguồn lực tái đàn.
Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 11
 

“Chúng tôi đề xuất thành phố hỗ trợ các trang trại lớn, HTX, DN đủ điều kiện nuôi lợn giống ông bà với mức 40-50% giá trị mỗi con. Nếu không có đàn giống ông bà, thì những trang trại, gia trại khi thiếu con giống, họ sẽ dùng chính lợn thịt để làm lợn nái. Khi đó giống sẽ không đảm bảo chất lượng”, ông Đăng nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó GĐ Sở NN&PTNT cho biết, giá lợn giống trên địa bàn cũng khoảng 3 triệu đồng/con, nhưng không có để mua. Ông Hùng cũng cho biết, trên địa bàn có 2 DN lớn đặt trại giống là Dabaco khoảng 3.000 nái bố mẹ, tháng 6 sẽ có lợn giống để bán và Công ty C.P có đàn giống khoảng 20.000 con. Tuy nhiên, những DN này gần như không bán giống ra ngoài

“C.P họ chỉ quay vòng trong trại của họ. Với giá này, đang lãi lớn, họ sẽ không bán. Giờ địa phương chỉ vận động, kêu gọi, san sẻ... Rất khó ép DN, vì trại của họ cũng trên địa bàn, đều do người dân Hà Nam nuôi gia công”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, phải hết năm nay, khi nguồn cung thịt lợn tăng lên, giá mới ổn định trở lại và có cơ hội giảm. “Giá lợn do thị trường điều tiết, còn Nhà nước muốn giảm giá, chỉ có cách nhập khẩu về để bán may ra hạ nhiệt”, ông Hùng nói.

Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua, các DN lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá lợn giống hiện nay cao, có nơi hơn 3 triệu đồng/con.

Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 12

Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 13

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh câu chuyện giá thịt lợn tăng cao hồi cách đây ít ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, giá thịt lợn tăng cao kéo dài ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thậm chí ảnh hưởng cả đến việc cân đối nền kinh tế.

Theo ông Hải, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã có đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp chăn nuôi có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh gian lận thương mại. Kết quả sơ bộ cho thấy, không có doanh nghiệp chăn nuôi nào được xác định là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường do có thị phần từ 30% trở lên tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, có cơ sở để xác định Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể, là doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt thị trường. Hiện Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P có thị phần lớn nhất, chiếm đến gần 20% thị phần lợn toàn quốc (19,71%), gấp hơn 15 lần thị phần của Công ty Dabaco đứng thứ ba (chiếm 1,34 %), gấp 6 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai là Công ty CJ của Hàn Quốc (chiếm 3,39%)…

“Vừa qua, khi làm việc với Đoàn kiểm tra, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P cung cấp thông tin: giá bán lợn hơi trung bình của công ty năm 2018 là 43.400 đồng/kg, năm 2019 là 45.800 đồng/kg và hai tháng đầu năm 2020 là 77.000 đồng/kg. Giai đoạn tăng mạnh nhất là giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Trong khi đó biến động chi phí đầu vào sản xuất của doanh nghiệp này không lớn”, ông Hải cho hay.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đối chiếu các chi phí cho thấy việc tăng giá bán lợn hơi của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P là chưa hợp lý.             

Mỗi công đoạn hưởng chi phí từ 10-15%. Đặc biệt, khâu bán lẻ  được hưởng mức lãi cao hơn với mức ước tính 16% chi phí kéo theo giá thịt lợn trên thị trường luôn ở mức cao.

Giá lợn neo cao, ai đang hưởng lợi? ảnh 14