Giá USD hạ nhiệt

Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại cổ phần ở TP HCM. Ảnh: Anh Tú.
Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại cổ phần ở TP HCM. Ảnh: Anh Tú.
Sau khi tăng mạnh trong nhiều ngày qua, đôla Mỹ cả trong ngân hàng và tự do đã giảm vài chục đồng chiều nay.

Tỷ giá USD/VND chiều nay đã quay đầu sụt giảm so với sáng. Lúc 15h40, sau nhiều lần điều chỉnh, Vietcombank giảm giá 15 đồng so với sáng ở chiều bán và mua, xuống sát 22.845 - 22.915 đồng một đôla. 

Trong khi đó, Eximbank cũng giảm tổng cộng 30 đồng, xuống còn 22.840 - 22.910 đồng. Các nhà băng khác cũng đưa giá mua bán về quanh mức này. 

So với ngày hôm qua, giá USD của ngân hàng hiện hạ 25 đồng. Hôm qua, đã có lúc giá USD ngân hàng tạo đỉnh mới 22.940 đồng - mức cao nhất từ đầu năm.

Cùng với sự đi lên của USD ngân hàng, trong mấy ngày đầu tuần, tỷ giá tự do cũng liên tục tăng cao. Đến cuối ngày 21/6, giá USD tự do đã lên mức 23.170 đồng.

Tuy nhiên, đến 17h chiều nay, giá đồng bạc xanh tại thị trường tự do cũng hạ nhiệt. Nhiều điểm thu đổi ngoại tệ quanh chợ Bến Thành, quận 1, chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh... báo giá mua bán 23.000 - 23.120 đồng, giảm 50 đồng so với cuối chiều 21/6.

"Nhu cầu mua USD hôm nay giảm đi đáng kể nên chúng tôi hạ giá xuống", chủ một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 cho biết. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phía Nam cũng chia sẻ, thanh khoản ngoại tệ các nhà băng hiện khá tốt. 

Lý giải về đợt tăng mạnh vừa qua, các ngân hàng cho rằng bên cạnh yếu tố tâm lý vì Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed vừa tăng lãi suất, có thể do yếu tố cung cầu chi phối. Tuy nhiên, dù tỷ giá tự do và trong ngân hàng tăng nhưng cũng chưa vượt khung được phép của Ngân hàng Nhà nước.

Cao điểm hôm qua, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố 22.622 đồng một USD. Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn - trần mà các ngân hàng được áp dụng trong khoảng 21.943 - 23.300 đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, tỷ giá vừa qua tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý, còn sau đó sẽ đảo chiều. Bởi theo đánh giá của cơ quan này, từ nay đến cuối năm, cung ngoại tệ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn thu từ xuất khẩu, kiều hối chuyển về tăng tốt, giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp... Trong khi đó, cầu ngoại tệ không có áp lực lớn, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ mua trước hạn thường xảy ra khi biến động tăng về tỷ giá không cao.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi rất sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường, kể cả việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường khi cần.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG