Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29):

Giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại các cuộc gặp song phương bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại các cuộc gặp song phương bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017
TPO - Phát biểu tại Hội nghị Liên bộ trưởng Ngoại giao Kinh tế APEC lần thứ 29 ngày 8/11/2017 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài việc hội nhập hoá kinh tế khu vực, cuộc họp sẽ đặt ra tiền đề cho các động lực phát triển mới cũng như giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực.

Đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu Bogor

Hội nghị lần thứ 29 liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì, diễn ra sáng nay, 8/1,1 tại Đà Nẵng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, năm 1994, các vị lãnh đạo của chúng ta đã dự tính và nhìn trước được triển vọng phát triển và bình ổn của khu vực qua các mục tiêu mở rộng và tự do hoá thương mại và đầu tư. Hay được chúng ta biết đến phố biến hơn dưới tên “Mục Tiêu Bogor”.

Giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực ảnh 1 Ảnh: Tường Đăng
Giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực ảnh 2  Ảnh: Tường Đăng

Sau 23 năm thực hiện mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại, đầu tư, APEC đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cả 3 trụ cột hợp tác chính là: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế, kỹ thuật tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Giao dịch thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận đã tăng 6,7 lần, với tổng giá trị khoảng 20 nghìn tỷ USD vào năm 2015; mức thuế quan trung bình đã giảm đáng kể từ 17% vào năm 1989 xuống còn 5,6% vào năm 2014, nhờ việc củng cố quan hệ thương mại, đầu tư, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ của các thỏa thuận thương mại tự do song phương và khu vực (RTAs/FTAs).

“Ngoài việc hội nhập hoá kính tế khu vực, cuộc họp của chúng tôi hôm nay sẽ đặt ra tiền đề cho các động lực phát triển mới. Nhưng chúng tôi cũng sẽ không bỏ qua yếu tố bền vững, sáng tạo và sự phát triển toàn diện. Năm nay, tôi rất vui mừng khi chứng kiến được thành quả của sự nỗ lực của chúng ta đã dẫn tới những sáng kiến trong mục tiêu rõ rệt để thúc đẩy phát triển toàn diện, nhưng không quên đi việc đảm bảo sự bình ổn cho nhân dân trong bối cảnh mới luôn luôn thay đổi của khu vực”, ông Trần Tuấn Anh nói.           

Theo ông Trần Tuấn Anh, riêng với Việt Nam, APEC có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự hội nhập sâu rộng và phát triển của nền kinh tế hơn 90 triệu dân. Hiện nay, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tới từ các các thành viên APEC; 75% tổng lượng giao dịch thương mại hàng hóa và 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có nguồn gốc từ các thành viên APEC. Hơn nữa, khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập và tu dưỡng tri thức tại các thành viên APEC. Hiện có 13 thành viên APEC là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam. 

Giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực ảnh 4  Ảnh: Tường Đăng

Theo đánh giá của các đại biểu, là một thành viên tích cực trong APEC, kể từ khi gia nhập diễn đàn này, Việt Nam đã và đang hòa vào các nỗ lực chung của APEC nhằm hoàn thành Mục tiêu Bogor. Việt Nam đã và đang kiên định chính sách mở cửa nền kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đàm phán, ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực (FTA/RTA), cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế, cải cách cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, minh bạch... Những nỗ lực này của Việt Nam đã và đang được các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao.

Với vai trò chủ nhà năm APEC 2017, Việt Nam tiếp tục xác định việc đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu Bogor vào năm 2020 là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã cùng các thành viên thúc đẩy xây dựng các chương trình làm việc từ nay đến 2020 trong các lĩnh vực thuế quan, phi thuế quan, đầu tư, dịch vụ, quy tắc xuất xứ... để giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong khu vực.

Chủ động và tích cực

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hội nghị là thông điệp mạnh mẽ khẳng định những nỗ lực kiên định của APEC nhằm hướng tới tự do hoá thương mại và đầu tư, trong bối cảnh xuất hiện một số quan điểm trái chiều, có xu hướng phản đối toàn cầu hoá và quay trở lại xu thế bảo hộ thương mại tại một số nơi trên thế giới.

Ngoài ra, trong năm 2017, Việt Nam cũng đã đề xuất một số sáng kiến về kinh tế, thương mại để trình lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 trong các lĩnh vực quan trọng như: Thương mại điện tử xuyên biên giới và Công nghiệp hỗ trợ, đồng thời cùng các thành viên APEC thúc đẩy sáng kiến nhằm cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng, tăng cường tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường kết nối APEC...

Những sáng kiến này sẽ góp phần thúc đẩy một cách tích cực luồng giao dịch thương mại và đầu tư trong khu vực, hỗ trợ cho các nỗ lực chung của các thành viên APEC hướng tới hoàn thành mục tiêu Bô-gô vào năm 2020. 

Giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực ảnh 6  Ảnh: Tường Đăng

Theo ông Trần Tuấn Anh, để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, việc chuẩn bị các văn kiện, các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam nói chung và của Bộ Công thương nói riêng đã được Bộ phối hợp với Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, các Bộ, ngành và các nền kinh tế thành viên APEC để hoàn thiện và bảo vệ, thông qua tại nhiều hội nghị cấp SOM và cấp Ủy ban Thương mại - Đầu tư APEC (CTI), đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Do APEC là tập hợp của 21 nền kinh tế thành viên nằm trên 4 lục địa khác nhau, với sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa và tập quán nên mối quan tâm về chính trị, kinh tế và lợi ích cũng khác nhau, dẫn đến quan điểm khác biệt nhau về một số nội dung quan trọng của hội nghị. Vì vậy, trước hội nghị CSOM, nhiều phiên đàm phán đã được tổ chức thâu đêm để kịp hoàn thiện các văn kiện trình lên các Bộ trưởng và các Nhà Lãnh đạo APEC phê duyệt.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng các lãnh đạo Bộ sẽ tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng của các nền kinh tế thành viên APEC chủ chốt và tháp tùng Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước tiến hành hội đàm song phương với lãnh đạo các nền kinh tế APEC nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương cũng như xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong APEC.
MỚI - NÓNG