Cháy rừng ở các tỉnh miền Trung:

Hàng trăm nhân viên ngành điện trắng đêm để chống cháy rừng

Nhân viên ngành điện tham gia chống cháy rừng
Nhân viên ngành điện tham gia chống cháy rừng
TP - Trong những đợt cháy rừng dữ dội tại các tỉnh miền Trung cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, hàng trăm nhân viên ngành điện đã cùng các lực lượng, công an, quân đội, phòng cháy chữa cháy và chính quyền, người dân địa phương đã trắng nhiều đêm để tham gia chống cháy rừng, bảo vệ an toàn các tuyến đường dây truyền tải điện.

Khoảng 10h30 ngày 8/7/2019 tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra vụ cháy rừng trên địa bàn xã Sơn Thủy và xã Sơn Châu gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho khách hàng. Vụ cháy rừng đe dọa đến đường dây 110 kV từ Thủy điện Hương Sơn - Linh Cảm; đường dây 35 kV cấp điện cho trung tâm huyện Hương Sơn và các xã: Sơn Diệm, thị trấn Phố Châu, Sơn Phú, Sơn Bằng, Sơn Trung,... Lưới điện hạ thế ở của khu vực khu dân cư nằm sát rừng cũng nằm trong diện phải cắt điện tạm thời để đảm bảo an toàn. Một số người dân sống dưới chân núi Nầm cũng đã được các lực lượng chức năng sơ tán.

Ngay thời điểm phát hiện cháy rừng, Điện lực Hương Sơn (thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh) đã huy động 20 cán bộ công nhân viên kịp thời có mặt phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, báo cáo Công ty Điện lực Hà Tĩnh để thực hiện cấp điện mạch vòng từ các huyện Đức Thọ, Vũ Quang về cho các phụ tải quan trọng, đặc biệt là ở trung tâm huyện Hương Sơn. Đến chiều ngày 8/7/2019, đám cháy cơ bản đã được khống chế và Điện lực Hương Sơn cũng đã đóng điện trở lại cho tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đến khoảng 22h đêm 8/7, đám cháy rừng ở khu vực Núi Nầm thuộc hai xã Sơn Châu và Sơn Thủy (huyện Hương Sơn) lại bị cháy trở lại và bùng phát dữ dội. Điện lực Hương Sơn lại tiếp tục huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên của Điện lực phối hợp với lực lượng chức năng phun nước khu vực xung quanh các cột điện gần bìa rừng để bảo vệ lưới điện.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Điện lực Hương Sơn cho biết, khi ngọn lửa còn cách đường dây điện hạ thế khoảng 10 m, lực lượng chức năng đã điều xe cứu hỏa tới phun nước khu vực xung quanh các cột điện. Cùng với sự hỗ trợ của rất đông người dân trong khu vực, lưới điện đã được đảm bảo an toàn.

Cũng theo ông Dũng, dưới hành lang đường dây 110 kV từ Thủy điện Hương Sơn - Linh Cảm; đường dây 35 kV cấp điện cho trung tâm huyện Hương Sơn và các xã như Sơn Diệm, thị trấn Phố Châu, Sơn Phú,..., cây cối gần như đã bị cháy hết. Đáng lo ngại nhất hiện nay là đường dây điện hạ thế. Đây là khu vực sát nhà dân nên nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao nếu cháy rừng trở lại.

Sau những nỗ lực liên tục của lực lượng chức năng chữa cháy suốt đêm, đến sáng 9/7 đám cháy đã cơ bản được khống chế. Điều đáng ghi nhận là kể từ lúc đám cháy rừng bùng phát trở lại từ đêm 8/7 nhưng toàn bộ các khách hàng và phụ tải bị ảnh hưởng bởi cháy rừng đến nay vẫn được duy trì tốt việc đảm bảo cung cấp điện.

Về mối đe dọa của cháy rừng với tuyến đường dây 500 kV, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho hay, trong quá khứ mặc dù chưa xảy ra các vụ cháy rừng diện rộng (khoảng 50-100 héc ta) khu vực đường dây đi qua, gây sự cố lưới điện truyền tải như vừa qua. Nhưng đã xảy ra nhiều sự cố cháy rừng (khoảng 2 héc ta), do dân đốt mía, nương rẫy ngoài hành lang (năm 2013 xảy ra 1 vụ, năm 2014 xảy ra 6 vụ, năm 2015 xảy ra 4 vụ) chủ yếu xảy ra tại khu vực Nam Trung bộ. Tuy nhiên, các sự cố này được EVNNPT và các đơn vị thành viên phối hợp với cơ quan chức năng và người dân kịp thời khắc phục nên không gây ảnh hưởng đến cung cấp điện của lưới truyền tải điện.

Theo ông Tiến, nếu sự cố kéo dài đường dây 500 kV Bắc - Nam sẽ gây mất sản lượng cung cấp cho miền Trung và miền Nam (trung bình khoảng 1 tỷ kWh/tháng). Cùng với đó mất nguồn hỗ trợ lưới điện miền Bắc trong trường hợp miền Bắc hạn chế phát điện như tại thời điểm các ngày 28, 29/6/2019 (do một loạt các tổ máy Nhà máy nhiệt điện miền Bắc bị sự cố hoặc hạn chế khả năng phát làm thiếu khoảng 2.000 MW công suất nguồn nên phải truyền tải công suất từ miền Trung ra hỗ trợ cấp điện cho phụ tải).

Về thiệt hại kinh tế, ngay khi sự cố gây nhảy đường dây sẽ làm mất một lượng công suất và điện năng cung cấp cho miền Nam trong thời gian khi chưa khôi phục được đường dây hoặc các nhà máy điện khu vực miền Trung và miền Nam chưa kịp huy động thêm để bù vào lượng điện năng thiếu hụt do sự cố, dẫn đến phải sa thải phụ tải để cân bằng công suất nguồn phụ tải gây thiệt hại cho các phụ tải bị cắt điện. Việc huy động nguồn miền Nam để bù đắp phần thiếu hụt do sự cố đường dây có thể phải huy động các tổ máy chạy dầu làm tăng chi phí sản xuất điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

MỚI - NÓNG