Hy hữu chuyện Bộ 'kêu cứu' Thủ tướng vì doanh nghiệp 'quấy nhiễu'

Hy hữu chuyện Bộ 'kêu cứu' Thủ tướng vì doanh nghiệp 'quấy nhiễu'
TP - Bị doanh nghiệp (DN) “khủng bố” bằng cách gửi hàng chục văn bản kiến nghị không phù hợp, Bộ KH&ĐT đã “kêu cứu” Thủ tướng. Thực hư hoạt động của các DN này ra sao và lý do khiến Bộ KH&ĐT phải kêu cứu?
Hy hữu chuyện Bộ 'kêu cứu' Thủ tướng vì doanh nghiệp 'quấy nhiễu' ảnh 1

Minh họa: Khều.

Yêu cầu lãnh đạo từ chức

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, có 3 DN gồm: Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Gia Bảo (gọi tắt: Công ty Gia Bảo), Cty Cổ phần chống ùn tắc giao thông quốc tế, Cty Cổ phần phòng và tránh thiệt hại ngân sách gửi gần 40 văn bản kiến nghị đến cổng thông tin của bộ. Trong đó, nhiều văn bản có nội dung tiêu cực, phản cảm, quy kết tội tham nhũng, yêu cầu các lãnh đạo từ chức... Trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN, cả 3 DN trên đều cùng ở địa chỉ tại Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đầu giờ chiều 16/10, PV Tiền Phong liên lạc với phía Cty Gia Bảo chỉ gặp nhân viên lễ tân. Nhân viên  cho biết, không có thẩm quyền để trả lời. PV nhiều lần liên lạc qua điện thoại nhưng lãnh đạo Cty này không nghe máy. Trên trang web, thông tin về các dự án của Cty Gia Bảo sơ sài. Theo giới thiệu, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà tập thể cũ thành tòa nhà mới, nhưng chỉ giới thiệu dự án duy nhất là xây dựng căn hộ ở tòa nhà D2 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội). Cty Gia Bảo lập chuyên mục “CV (công văn- PV) gửi Thủ tướng” với các kiến nghị lặp lại nhiều lần. Bên cạnh đó, chuyên mục về đường sắt trên cao (một trong những đề xuất trước đây của DN từng xin làm) chỉ có vài hình ảnh ga tàu điện trên cao cóp nhặt từ các nước trên thế giới.

Hy hữu chuyện Bộ 'kêu cứu' Thủ tướng vì doanh nghiệp 'quấy nhiễu' ảnh 2 Một trong những kiến nghị (viết còn sai lỗi chính tả) của Cty Gia Bảo.

Phần lớn trang web của DN này dành đăng tải văn bản kiến nghị tới cơ quan chức năng mà rất ít thông tin về dự án đã và đang thực hiện. Trước hàng loạt kiến nghị của Cty Gia Bảo, Bộ KH&ĐT đã tổ chức cuộc họp trao đổi với đại diện Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội và Cty Gia Bảo. Đồng thời, bộ này đã lần lượt gửi 4 văn bản trả lời DN về kiến nghị yêu cầu sửa Nghị định 15/2015/NĐ-CP trong 30 ngày và yêu cầu nhà đầu tư cam kết giữ tối đa 9% lợi nhuận với dự án BT. Theo Bộ KH&ĐT, kiến nghị của công ty không đảm bảo quy trình ban hành văn bản pháp luật và không phù hợp để tiếp thu.

“Chúng tôi đã có công văn yêu cầu các DN này không tiếp tục gửi các kiến nghị trùng lặp kèm những nội dung đả kích tiêu cực, nói xấu cán bộ nhà nước đến bộ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác. Tuy nhiên, hàng chục văn bản sau đó vẫn tiếp tục được gửi về tới tấp”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Thủ tướng cho phép không xử lý các văn bản có nội dung trùng lặp mà bộ đã trả lời nếu DN tiếp tục gửi đến. Đồng thời, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên trách xem xét có biện pháp cụ thể để xử lý, ngăn chặn hành vi của DN trên theo quy định của pháp luật.

Hy hữu chuyện Bộ 'kêu cứu' Thủ tướng vì doanh nghiệp 'quấy nhiễu' ảnh 3 Tòa nhà D2, Giảng Võ, do Công ty Gia Bảo cải tạo xây dựng.

Phải xử nghiêm hành vi quấy nhiễu bộ ngành

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, lý do khiến bộ này phải gửi kiến nghị lên Thủ tướng là theo Nghị định 20 (ngày 14/2/2008, của Chính phủ về tiếp nhận xử lý kiến nghị của cá nhân tổ chức theo quy định hành chính), nếu Bộ KH&ĐT không trả lời kiến nghị của DN phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. “Nếu chúng tôi không trả lời hoặc trả lời muộn các kiến nghị của DN sẽ bị “ghi sổ” và bị xử lý. Vì vậy, chúng tôi đành phải kiến nghị lên Thủ tướng để xử lý trường hợp này”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng DN gửi văn bản quấy nhiễu bộ, ngành. Sau khi Bộ KH&ĐT gặp gỡ, trao đổi mà 3 DN trên vẫn không hài lòng thì các bộ ngành khác cùng vào cuộc để xử lý.

Đồng quan điểm, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển cho rằng, đây là việc chưa từng xảy ra trong quá trình hoạt động của DN. “Nếu Bộ KH&ĐT đã làm đúng chức năng nhiệm vụ, nhưng DN vẫn cố tình quấy nhiễu, Chính phủ cần vào cuộc xử lý. Đồng thời, Chính phủ nên quy định rõ hơn quá trình bộ ngành xử lý kiến nghị của DN, để tránh trường hợp DN quấy nhiễu bộ ngành hoặc DN lợi dụng điều này để quảng bá thương hiệu”, ông Hồ nêu ý kiến.

“Nếu Bộ KH&ĐT đã làm đúng chức năng nhiệm vụ nhưng DN vẫn cố tình quấy nhiễu, Chính phủ cần vào cuộc xử lý. Đồng thời, Chính phủ nên quy định rõ hơn quá trình bộ ngành xử lý kiến nghị của DN, để tránh trường hợp DN quấy nhiễu bộ ngành hoặc DN lợi dụng điều này để quảng bá thương hiệu”. 

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển

Kiến nghị vì đất nước?

Đến cuối ngày 16/10, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo cho biết,  ông gửi kiến nghị là vì đất nước chứ không phải vì cá nhân công ty. “Chắc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiểu nhầm chứ công ty không dám quẫy nhiễu gì bộ. Chẳng qua đề xuất lên nhưng bộ không trả lời thì tiếp tục gửi nhưng vẫn không trả lời. Nếu bị ta thán thế này, công ty cũng không đóng góp ý kiến nữa, không gửi văn bản kiến nghị nữa cho đỡ mang tiếng”, ông Thắng nói.       

Duy Bách

MỚI - NÓNG