Khi Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh tiếp thị nông sản

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đến với người trồng nhãn Ảnh: Bình Phương
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đến với người trồng nhãn Ảnh: Bình Phương
TP - Trong bối cảnh nhiều nông sản rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, thời thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo tỉnh, bộ ngành… cũng đi tiếp thị, xúc tiến, bán hàng giúp bà con. Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không ít lần nhắc đến việc, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội tranh thủ “tiếp” thị các loại nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Chuyện từ quả vải, nhãn

Năm nay, sau vụ vải được mùa chưa từng thấy ở Bắc Giang và Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên- loại đặc sản nức tiếng xứ Bắc từ xa xưa cũng vào vụ, với niềm vui sản lượng tăng tới 30% so với năm ngoái. Dẫu vậy, niềm vui đi liền nỗi lo và thường trực câu hỏi: Nhãn được mùa sẽ bán cho ai, ở đâu và giá cả thế nào, làm sao tránh “được mùa, mất giá”?

Khi nhãn cận kề thu hoạch, áp lực tiêu thụ bị đẩy lên cao. Ngoài sự xuất hiện trực tiếp của các vị Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp giúp nông dân kết nối, tiêu thụ thì lãnh đạo chính quyền Hưng Yên cũng có những động thái “lạ” và có lẽ cũng ít thấy.

Ngay hôm làm việc với Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và các doanh nghiệp để lên kế hoạch tiêu thụ nhãn, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã yêu cầu và giao trách nhiệm cho lãnh đạo tỉnh, các sở, chủ tịch các huyện trở xuống mỗi ngày cần dành 1-2 tiếng để bán nhãn giúp nông dân.

Theo ông Phóng, cùng với chuối, cam, hoa cảnh, nhãn lồng là sản phẩm chủ lực của địa phương, là cây làm giàu cho nông dân tỉnh nhà. “Do vậy, ngoài các hoạt động kết nối giao thương, ngay chính tôi cũng sẽ trực tiếp đi bán nhãn cho bà con nông dân”- ông Phóng nói.

Ông Phóng cũng từng chia sẻ: “Chủ tịch tỉnh mỗi năm đi nước ngoài 2 lần, đi đâu cũng mang theo long nhãn. Năm ngoái, tôi đi Hàn Quốc và thấy rất buồn vì long nhãn của mình được bán nhiều, nhưng dưới tên của nước khác. Sau đó, tôi đã báo lại với họ đó là nhãn từ quê tôi, rồi kết nối với họ sang tìm hiểu và mua rất nhiều long nhãn”.

Tuy nhiên, từ câu chuyện đi “bán hàng”, ông Phóng cho rằng, địa phương và bà con nông dân rất cần thông tin dự báo thị trường. “Mỗi năm chúng tôi chuyển đổi khoảng 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả, hoa, dược liệu. Vì thế chúng tôi muốn có thông tin dự báo, để quy hoạch vùng trồng nhãn… sao phù hợp với quy mô thị trường”- ông Phóng chia sẻ.

Thực tế, chuyện lãnh đạo cấp tỉnh “tiếp thị” nông sản không phải chuyện hiếm. Trước đây, Chủ tịch một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long từng in hình cây, con chủ lực trên danh thiếp để giới thiệu, quảng bá. Chẳng hạn, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang từng in hình ảnh cây mía, gạo thơm Hậu Giang, bưởi năm roi Phú Hữu, cá thát lát, cá tra… là những sản vật nổi tiếng của địa phương để tiện tiếp thị với bạn bè, đối tác.

“Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai”.

 Th tướng Nguyn Xuân Phúc

Chia sẻ với Tiền Phong, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian gần đây, “mặt trận” nông nghiệp được quan tâm rốt ráo từ Trung ương, các tỉnh thành, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và bà con nông dân.

“Chưa bao giờ ngành nông nghiệp được ưu tiên, tập trung chỉ đạo như bây giờ. Hình ảnh các đồng chí thường vụ, rồi Bí thư, Chủ tịch các tỉnh không chỉ xây dựng, tổ chức vùng nguyên liệu mà còn xúc tiến thương mại, đi bán hàng ra nước ngoài, cho thấy một tín hiệu rất tốt”- ông Cường nói. Ông cũng khẳng định: “Nếu cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, các DN, HTX, các thành phần kinh tế cùng vào cuộc với bà con nông dân, chúng ta sẽ hạn chế được tình trạng được mùa mất giá”.

Thay đổi tư duy, từ lo sản xuất nhiều sang bán hàng

Ngành nông nghiệp đang chịu một áp lực rất lớn với mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2018.  Nhiệm vụ lo liệu thị trường, bán hàng ra quốc tế như một bài toán rất lớn với những ông trưởng ngành như Nông nghiệp, Công Thương, Ngoại giao.

Thời gian qua, ngoài việc có mặt tại các “điểm nóng” để chỉ đạo các giải pháp về sản xuất, thị trường như nhãn, vải, điều, tiêu, tôm, cá tra… Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã liên tục “đặt hàng” các tham tán thương mại, Đại sứ về kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, mở cửa thị trường, quảng bá về thương hiệu nông sản Việt Nam.

Thực tế, công tác xúc tiến thương mại nông sản đang gặp nhiều khó khăn, khi các nhà nhập khẩu gia tăng chính sách bảo hộ, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó, những hàng rào bảo hộ như vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe.

Khi Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh tiếp thị nông sản ảnh 1 Nông dân thu hoạch vải tại vườn - Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Ánh Dương

Chưa kể, với nông sản, thông thường để mở cửa được một thị trường cho nông sản Việt Nam xuất đi phải mất trung bình 5-7 năm, thậm chí cả chục năm. Chẳng hạn, để xuất vải thiều vào Úc phải mất tới 12 năm, thanh long cũng tới 9 năm mới vào được thị trường này.

Bộ trưởng Cường cũng “đặt hàng” tham tán nhằm đưa một số nông sản Việt Nam sang thị trường mới. Đơn cử, Bộ trưởng đề nghị tham tán giúp đưa trứng gà xuất sang Nhật Bản, tìm hiểu công nghệ bảo quản hoa quả có múi của Nhật, làm cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam nhập về, bảo quản, tăng cường chất lượng hoa quả. Tại thị trường Úc, Bộ trưởng đề nghị tham tán cung cấp thông tin để tôm nguyên con có thể xuất khẩu sang thị trường này.

Trong khi đó, từ góc nhìn của chuyên gia nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn-nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT cho rằng, lâu nay, nhiều nhà lãnh đạo ở Việt Nam, khi đến các địa phương, vẫn nói bà con phải nuôi con này, trồng cây kia. Tuy nhiên, nếu để ý, lãnh đạo các nước trên thế giới, đi đến các địa phương, họ chẳng bao giờ bảo phải sản xuất cái nọ, cái kia cả. Cái đó là của thị trường, quan hệ cung-cầu quyết định.

Nhà lãnh đạo các nước thường can thiệp vào chuỗi giá trị thường ở khâu cuối cùng, đó là thị trường. “Khi xuất ngoại, họ thường mang theo đoàn doanh nhân và đề nghị anh mua thêm máy bay, mở cửa cho mặt hàng thịt bò… Họ nói về chuối, cá… và tranh luận những vẫn đề cụ thể rất quyết liệt nhưng chỉ nói về thị trường, không ai nói đến chuyện tổ chức sản xuất cả” - TS Sơn nói.

Theo vị chuyên gia, cách tổ chức sản xuất, là cách chỉ đạo thời trước, luôn lo thiếu, đói, không đủ tiêu dùng, chứ không lo đến chuyện bán được hàng hoặc bán được giá cao hay không.

Trong các báo cáo của địa phương, hay bộ ngành, vẫn xem diện tích lúa còn giữ vững không, tốc độ tăng trưởng, sản lượng vượt, cơ cấu sản xuất, phải tăng cái này, giảm cái kia… Đó là tư duy của nhà nước quản lý, chứ không phải là nhà nước kiến tạo. Theo TS Sơn, việc đó, hãy để người chủ là hàng triệu hộ nông dân, hàng vạn doanh nhân họ quyết định và chịu trách nhiệm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.