Kết quả thực hiện chiến lược phát triển

Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030

Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030
Chiến lược Phát triển KBNN được xây dựng nhằm vạch ra lộ trình cụ thể và những nhiệm vụ trọng tâm trong tương lai. Trong bối cảnh Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 gần chạm đích, hệ thống KBNN nhận thấy đây là thời điểm thích hợp cho công tác tổng kết, đánh giá cũng như bắt tay vào xây dựng Chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 là: “Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: Quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ; tổng kế toán nhà nước (KTNN) nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử”.

Thực hiện mục tiêu tổng quát nói trên, trong thời gian qua, KBNN đã thường xuyên tiến hành cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy của KBNN, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể:

Về thể chế chính sách, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của KBNN tại Luật NSNN và Luật Kế toán. Trên cơ sở đó, KBNN đã xây dựng trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 quy định về Báo cáo tài chính nhà nước, Nghị định quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN (dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2019); đồng thời, xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý cao, đầy đủ và đồng bộ cho việc cải cách, hiện đại hóa các chức năng, nhiệm vụ của KBNN về quản lý quỹ NSNN, quản lý NQNN, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.

Ngoài ra, KBNN đã phối hợp xây dựng trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công; trong đó, có Nghị định quy định về cơ chế phát hành, thanh toán TPCP. Qua đó, cải tiến cơ chế phát hành, giao dịch trái phiếu phù hợp với các thông lệ tốt, tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn hằng năm, đảm bảo bù đắp bội chi NSNN và đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển theo đúng khối lượng lượng và tuân thủ cơ cấu kỳ hạn được Quốc hội, Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tập trung quản lý, điều hành và thực hiện tinh giản bộ máy hành chính. Bên cạnh đó, khẳng định và làm rõ chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của KBNN các cấp một cách đầy đủ theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành của KBNN cấp trên đối với KBNN cấp dưới, các nhiệm vụ chuyên môn được tách bạch, rõ ràng và tránh chồng chéo.

Trên cơ sở kết quả triển khai dự án hệ thống TABMIS, KBNN đã phát triển các hệ thống ứng dụng CNTT theo hướng tập trung, trực tuyến và tích hợp với hệ thống TABMIS như dự án hiện đại hóa thu NSNN, thanh toán điện tử tập trung trong nội bộ hệ thống và với hệ thống ngân hàng, triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng CNTT và đội ngũ công chức làm công tác CNTT; đầu tư phát triển các ứng dụng CNTT phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ, quản lý nội ngành. Từ đó, đưa CNTT là khâu đột phá, tác động lớn và hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động cải cách, hiện đại hóa hệ thống KBNN.

KBNN đã đẩy mạnh công tác phát triển nhân lực thông qua việc xây dựng, triển khai các đề án có liên quan nhằm đáp ứng mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN. Từ đó, góp phần tăng tỷ trọng công chức, viên chức ngạch cao, ngạch làm chuyên môn nghiệp vụ, giảm dần tỷ trọng công chức kiểm ngân, công chức có trình độ sơ cấp. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu để thực hiện tốt các chức năng tổng KTNN và quản lý NQNN.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số nội dung triển khai chưa đạt được kết quả như mong muốn như: Do chưa được quy định cụ thể tại Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật NSNN năm 2015 nên KBNN chưa có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm soát chi theo kết quả đầu ra, theo nhiệm vụ và chương trình ngân sách; vẫn còn một số khoản chi được thực hiện theo cơ chế đặc thù, chưa theo quy trình chung, thống nhất về kiểm soát chi NSNN qua KBNN; KBNN hiện mới thực hiện gửi và nhận hồ sơ kiểm soát chi qua dịch vụ công trực tuyến, song chưa hình thành quy trình kiểm soát chi điện tử hoàn chỉnh; mức độ liên thông giữa các ứng dụng CNTT tại KBNN và các đơn vị liên quan chưa cao…

Tuy nhiên, có thể khẳng định cơ bản KBNN đã đạt được mục tiêu tổng quát đề ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện tiền đề để tiếp tục cải cách mạnh mẽ hoạt động KBNN trong giai đoạn 2021 – 2030.

Với những kết quả đã đạt được đó, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, cụ thể như sau:

Trước hết, xác định rõ trách nhiệm và sự quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các nội dung cải cách, hiện đại hóa theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 của người đứng đầu tại từng đơn vị trong toàn hệ thống, đặc biệt là những nội dung cải cách phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Thực tế cho thấy, tại những đơn vị mà người đứng đầu có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động, linh hoạt và sáng tạo, thì các nội dung cải cách luôn được thực hiện thông suốt, đúng mục tiêu đã đề ra.

Các nội dung cải cách, hiện đại hóa phải được tiến hành một cách đồng bộ cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; hiện đại hóa CNTT trong nội bộ hệ thống KBNN cũng như với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan.

Xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai cụ thể (trong đó, xác định rõ nội dung, thời gian và nguồn lực thực hiện). Thường xuyên rà soát, đánh giá để có những điều chỉnh kịp thời, đảm bảo theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra và phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời, kiên định với việc thực hiện những mục tiêu được xác định là nội dung cải cách trọng tâm, đột phá như quản lý NQNN, tổng KTNN.

Coi trọng công tác phân tích, dự báo tình hình để chủ động có những giải pháp ứng phó phù hợp trong từng giai đoạn; đồng thời, chú trọng chất lượng của đội ngũ công chức tham mưu, xây dựng và triển khai cơ chế chính sách, các đề án cải cách, hiện đại hóa.

Cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt rõ về mục đích, yêu cầu, nội dung cải cách, hiện đại hóa tới từng đơn vị, cá nhân trong toàn hệ thống KBNN để làm tốt công tác tư tưởng đối với công chức, viên chức đảm bảo sự thống nhất và giữ vững ổn định của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, cần thông tin, báo cáo kịp thời đến cấp ủy, chính quyền các cấp để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ với các đơn vị liên quan để việc triển khai được thuận lợi, thông suốt.

Bước sang năm 2019 - năm cuối của việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, trong bối cảnh hệ thống KBNN đang đẩy mạnh triển khai các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ như:

Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị ban hành về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/06/2017 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (trong đó có một số nội dung liên quan đến hoạt động KBNN như: Ứng dụng CNTT hiện đại và cải cách thủ tục hành chính trong thu nộp ngân sách; tiếp tục triển khai và hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát cam kết chi phù hợp với các quy định về quản lý kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, về quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật NSNN năm 2015; từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện thu chi trong phạm vi dự toán, vay nợ, giải ngân trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được cấp thẩm quyền quyết định; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn; tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán các khoản chi NSNN gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị liên quan; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu,…

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/07/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Theo đó, tập trung vào một số nội dung như: Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh và Kiến trúc Chính phủ điện tử toàn Chính phủ; xây dựng hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương...

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương khóa XII về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, một số nhiệm vụ đặt ra có liên quan đối với hệ thống KBNN như: các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ; kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế; thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân; đối với một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế, Hải quan, KBNN, bảo hiểm xã hội... tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế…

Với bối cảnh đó, KBNN cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các đề án, cơ chế chính sách thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 theo đúng định hướng, nội dung, lộ trình triển khai đã đề ra. Mặt khác, cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quản lý kho bạc tại các nước làm cơ sở cho việc đề xuất xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030; trong đó, có thể đặt ra một số yêu cầu đối với việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030, cụ thể như sau:

Tiếp tục triển khai các các định hướng phát triển đã được đặt ra tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, song ở mức độ phát triển cao hơn trong giai đoạn 2021 – 2030 như: Điện tử hóa quy trình thu, chi NSNN qua KBNN; tăng cường phân cấp trong quản lý chi NSNN và thực hiện kiểm soát chi NSNN theo mức độ rủi ro, theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, chương trình ngân sách; thống nhất chế độ kế toán nhà nước và hoàn thiện chức năng về tổng KTNN…

Đổi mới mô hình phát triển kho bạc theo hướng tập trung phát triển theo chiều sâu các chức năng lõi của KBNN (quản lý Quỹ NSNN; quản lý NQNN và huy động vốn; tổng KTNN), phù hợp với các thông lệ tốt về quản lý công mới tại các nước OECD, mô hình kho bạc tốt trên thế giới, hướng tới xây dựng mô hình “dịch vụ kho bạc” trong giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, cần hoàn thiện quy trình nghiệp vụ theo hướng tinh giản, minh bạch, hiệu quả trên cơ sở các ứng dụng CNTT; mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ kho bạc, lấy khách hàng (các cấp chính quyền, các bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách, người dân, doanh nghiệp) làm trung tâm; cập nhật thiết kế tổng thể hệ thống CNTT của KBNN đảm bảo đồng bộ, phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử.

Dự báo và tính toán các yếu tố biến động có khả năng tác động lớn tới mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của KBNN (như chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính; cấu trúc Chính phủ điện tử…) để làm cơ sở cho việc xây dựng mục tiêu, giải pháp và lộ trình thực hiện trong giai đoạn tới.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.