Kho bạc Nhà nước trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Với đích đến là KBNN điện tử, từ nhiều năm nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) luôn chú trọng đến công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đưa công tác quản lý ngân sách ngày càng hiện đại và hiệu quả. Trên cơ sở đó, KBNN đã có sự chuẩn bị, tiến hành đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng và triển khai hệ thống CNTT, điện tử hóa các quy trình nghiệp vụ trong và ngoài hệ thống KBNN; hình thành kênh giao dịch giữa các tổ chức, đơn vị với hệ thống KBNN.

Trong công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), năm 2012, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành việc triển khai hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (gọi tắt là TABMIS) theo mô hình tập trung tại Bộ Tài chính, KBNN, 37 bộ ngành và 3 Sở tại địa bàn Hà Nội, khoảng 700 cơ quan tài chính địa phương và 700 đơn vị Kho bạc Nhà nước. TABMIS đã giúp cho ngành thực hiện quản lý tập trung và phân cấp xử lý chu trình ngân sách nhà nước từ khâu phân bổ dự toán ngân sách, thực hiện cam kết chi ngân sách, thực hiện thủ tục kiểm soát chi NSNN và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các đơn vị chi tiêu ngân sách.

Kho bạc Nhà nước trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 1 Khách hàng thực hiện giao dịch tại NHTM điểm ủy nhiệm thu của KBNN tỉnh, thành phố.

Từ năm 2011, KBNN đã triển khai hiện đại hóa công tác thu kết nối với hệ thống các cơ quan thuế, hải quan và kết nối phối hợp thu với các hệ thống ngân hàng, nên công tác thu NSNN thực hiện chủ yếu bằng chuyển khoản và bằng phương thức điện tử (người nộp thuế có tài khoản ở ngân hàng thực hiện nộp thông qua kênh internet-banking, mobile-banking, ATM hoặc cổng điện tử cơ quan thuế, hải quan). NHTM và KBNN đã giao dịch điện tử thu NSNN, từ đó giúp rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục thu NSNN, tập trung nhanh chóng đầy đủ kịp thời các khoản thu của NSNN.

Trong công tác tập trung ngân quỹ nhà nước và công tác thanh toán chi ngân sách đến các đơn vị thụ hưởng, từ năm 2013 đến 2014, KBNN đã hoàn thành triển khai hệ thống thanh toán song phương điện tử tập trung giữa hệ thống KBNN với các hệ thống ngân hàng thương mại lớn với trên 750 tài khoản trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, KBNN triển khai thành công hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng do NHNN là chủ trì mạng thanh toán này, bắt đầu tại Sở Giao dịch KBNN và 8 đơn vị KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc TW từ những năm 2011-2013, đến năm 2017, KBNN triển khai rộng đến các tỉnh còn lại.

Việc triển khai các hệ thống trên giúp cho KBNN quản lý ngân quỹ nhà nước tập trung, cơ bản khắc phục được nhược điểm của ngân quỹ phân tán trước đây, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách các cấp. Nhờ có quản lý ngân quỹ nhà nước tập trung đã giúp cho KBNN có cơ sở để thực hiện chức năng điều hành ngân quỹ theo hướng “hiệu quả”, gắn được công tác quản lý ngân quỹ với công tác quản lý nợ trong giai đoạn sắp tới. Đồng thời, việc kết nối điện tử giữa hệ thống KBNN với các hệ thống ngân hàng, công tác thanh toán chi ngân sách đều được thực hiện nhanh chóng, kịp thời thanh toán cho các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ và các đơn vị thụ hưởng chi ngân sách một cách nhanh chóng, thuận tiện

Về kênh giao dịch điện tử giữa các đơn vị, tổ chức với KBNN: Năm 2016, KBNN đã thí điểm cung cấp dịch vụ công điện tử trực tuyến gồm dịch vụ công trực tuyến đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, dịch vụ công trực tuyến giao nhận và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi, kê khai yêu cầu thanh toán. Từ ngày 01/02/2018, KBNN chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi rộng tại KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc TW, KBNN Quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và Sở Giao dịch KBNN. Việc KBNN chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi rộng đã hình thành thêm một kênh giao dịch để khách hàng có thể lựa chọn kênh giao dịch, đưa KBNN đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội thông qua mạng internet, là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính Phủ về Chính phủ điện tử và hướng tới Kho bạc điện tử.

Về ứng dụng CNTT trong công tác quản trị nội ngành cũng được KBNN đẩy mạnh nhằm từng bước hình thành kho bạc điện tử: KBNN đã triển khai hệ thống văn bản điều hành đến tất cả các KBNN tỉnh và KBTW; KBNN là đơn vị đi đầu triển khai hệ thống quản lý tài chính và kế toán nội bộ theo mô hình tập trung cơ sở dữ liệu và ứng dụng tại TW; triển khai cổng thông tin điện tử nội bộ phục vụ điều hành toàn ngành; và triển khai đầy đủ các chương trình, hệ thống theo các bài toán chung của ngành tài chính như quản lý cán bộ, quản lý tài sản tài, quản lý thi đua khen thưởng,...

Tháng 3/2018, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức thành công Hội thảo của Hiệp hội Kho bạc quốc tế với chủ đề “Hiện đại hóa các cơ quan Kho bạc thông qua điện tử hóa/số hóa”. Qua hội thảo này, cũng như nhìn nhận lại cả quá trình cải cách, hiện đại hóa vừa qua, KBNN đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu có thể áp dụng trong tiến trình điện tử hóa/số hóa các hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước, như: (1) Tiến hành đồng bộ 3 mặt là: Cải tiến hoàn thiện về pháp lý, thể chế, quy trình theo hướng cải cách; hoàn thiện về công tác tổ chức; hiện đại hóa ứng dụng công nghệ; (2) Rất khó có thể điện tử hóa/số hóa ngay toàn bộ mà cần đi theo nấc, bước theo phương châm “nghĩ lớn, nhưng bắt đầu từ việc nhỏ”; trong đó, cuộc hội thảo chuyên đề có tổng kết một thứ tự điển hình cho công tác điện tử hóa, số hóa là gồm 10 bước, tùy theo chức năng, nhiệm vụ và các điều kiện thực tiễn mỗi quốc gia mà lựa chọn cho phù hợp…

Kho bạc Nhà nước trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 2 Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và giảm thiểu giao dịch bằng tiền mặt.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là một xu thế và được Bộ Tài chính chỉ đạo toàn ngành bắt nhịp một cách mạnh mẽ. Là cơ quan quản lý quỹ NSNN, KBNN cần xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện một số nội dung:

(1) Tổ chức tìm hiểu công nghệ và các ứng dụng của 4.0, đặc biệt là khả năng ứng dụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước. Tiến hành các thử nghiệm vào các bài toán có khả năng ứng dụng để đánh giá tính khả thi so với nghiệp vụ quản lý của ngành. Tổ chức các khóa đào tạo nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý về khả năng ứng dụng và phương pháp đặt đầu bài cho bộ phận CNTT có ứng dụng công nghệ 4.0 và tăng cường năng lực cho cán bộ công nghệ thông tin trong điều kiện công nghệ 4.0 đang phát triển rất mạnh và nhanh;

(2) Rà soát, đánh giá và xây dựng chiến lược phát triển của ngành cho giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở đó bộ phận công nghệ thông tin xây dựng chiến lược chuyển đổi số sử dụng công nghệ 4.0 nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược phát triển của ngành;

(3) Một số hướng ứng dụng các công nghệ 4.0 cho công tác quản lý nghiệp vụ của KBNN trong thời gian tới có thể bao gồm: cung cấp dịch vụ ứng dụng thông qua công nghệ di động thông minh và qua internet cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện khai thác thông tin và thực hiện kênh giao dịch điện tử với KBNN; cung cấp dịch vụ hỗ trợ tự động với đơn vị sử dụng ngân sách về kỹ thuật và nghiệp vụ khi sử dụng kênh giao dịch điện tử với KBNN; kết hợp sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ quản lý rủi ro hoạt động nghiệp vụ; xây dựng và triển khai cổng trao đổi dữ liệu điện tử để kết nối với tất cả các tổ chức có kênh liên kết nghiệp vụ với KBNN; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoach chuyển sang sử dụng công nghệ điện toán đám mây theo kế hoạch chung của Bộ; nghiên cứu và từng bước ứng dụng công nghệ chuỗi khối blockchain trong thực hiện các giao dịch điện tử có liên kết đa tổ chức giữa KBNN với các tổ chức đơn vị có liên quan; triển khai các giải pháp bảo mật các mức, đặc biệt là bảo mật cho nền tảng ảo hóa và điện toán đám mây và các bài toán mở ra khai thác từ internet.

Để tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, toàn hệ thống KBNN sẽ tiếp tục ưu tiên hoàn thiện các đề án cải cách của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Cụ thể, KBNN sẽ tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm như tổng kế toán nhà nước, cải cách quản lý ngân quỹ, ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ theo xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ IV./.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.