Hậu các Hiệp định thương mại tự do (FTA):

Liên tiếp bị kiện, thép Việt Nam gặp khó

Các chuyên gia dự báo xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới
Các chuyên gia dự báo xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới
TP - Sau một loạt 37 vụ kiện và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ đầu năm đến nay, chỉ trong hơn một tháng qua (từ ngày 16/7 đến 9/8), thép Việt tiếp tục đối diện với 10 vụ khởi kiện, áp thuế PVTM tại 9 thị trường xuất khẩu (XK). 
Chưa hết nguy cơ
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang là đối tượng của tổng cộng 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại ở các thị trường khác nhau. Trong đó có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Các vụ điều tra chủ yếu nhằm vào sản phẩm kim loại, dệt may và các sản phẩm công nghiệp khác của Việt Nam. Bên cạnh đó, Mỹ dù là thị trường xuất khẩu trọng điểm nhưng cũng là nơi hàng hóa Việt Nam đối mặt nhiều vụ điều tra nhất.
Trong báo cáo mới nhất về những mặt tích cực và tiêu cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) với kinh tế và các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay, những năm gần đây, trong các sản phẩm xuất khẩu mang lại nhiều USD cho Việt Nam, sắt, thép là mặt hàng bị khởi kiện và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất. 
Cụ thể, đến hết tháng 6/2018, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá, có tới 37 vụ liên quan đến sắt, thép, chiếm gần một nửa các loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị kiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, trong tổng số các vụ kiện chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đã bị các nước nhập khẩu khởi xướng, mặt hàng sắt, thép cũng chiếm tới gần 3/4 số vụ.
Cũng theo thông tin từ Trung tâm WTO và Hội nhập, đặc biệt, từ ngày 16/7 đến 9/8, thép Việt Nam đã bị khởi kiện và áp thuế tự vệ tạm thời từ 7 thị trường, gồm: Canada, Thái Lan, Malaysia, EU, Mỹ, Liên minh kinh tế Á-Âu, Ấn Độ. Đặc biệt, tại Mỹ, Bộ Thương mại nước này (DOC) đã hai lần khởi xướng điều tra đối với sản phẩm thép từ Việt Nam. Trong đó, ngày 2/8, là điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá  và thuế chống trợ cấp với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho biết, ngoài các thị trường truyền thống, bên cạnh những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), những vấn đề về xuất xứ, thị trường cũng là yếu tố đang gây cản trở cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Theo Cục này, căn cứ số liệu xuất nhập khẩu của EU cập nhật đến tháng 6/2018, mặt hàng thép tấm mạ, tráng vật liệu khác, thép tấm dẫn điện và thép tấm mạ, tráng thiếc, crôm của Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với thêm thuế suất nhập khẩu bổ sung là 25% sau ngày 3/2/2019 nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong những tháng tới.
Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, hiện tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng thép từ Việt Nam đã vượt quá 3% và có nguy cơ cao bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức. Trước đó, ngày 26/3/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu do lo ngại sự gia tăng nhập khẩu có thể gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước. “Nếu trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, nhập khẩu các sản phẩm thép từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức từ sau ngày 3/2/2019”, Cục Phòng vệ thương mại cho hay.
Cẩn trọng với thép có nguồn gốc từ Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, cùng với việc xuất khẩu thép tăng mạnh, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nước bị nghi ngờ là nơi trung chuyển thép Trung Quốc sang các nước khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Với việc bị nghi là nơi trung chuyển thép Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều trong việc xuất khẩu. 
Thực tế, ngày 21/5/2018 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định áp dụng mức thuế chống lẩn tránh rất cao lên các các sản phẩm thép từ Việt Nam được cho là sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể, sau quá trình điều tra, Bộ Thương mại Mỹ ra kết luận có hơn 90% lô hàng thép Việt Nam thuộc mã hàng bị điều tra nhập khẩu có xuất xứ nguyên liệu từ Trung Quốc, được sản xuất theo một quy trình bị cho là thuộc diện “hành vi lẩn tránh thuế”.Theo ông Sưa, để phòng ngừa rủi ro, Việt Nam cần phải cẩn trọng trước ý định đầu tư của các doanh nghiệp thép Trung Quốc, để tránh bị nước khác lấy cớ để đánh thuế lẩn tránh.

Theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ mới đây, Hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và chống trợ cấp 256,44% đối với thép cán nguội được sản xuất từ Việt Nam nhưng sử dụng thép chất nền có xuất xứ từ Trung Quốc. Mức thuế tương ứng lần lượt là 199,43% và 39,05% đối với loại thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc.

Để hạn chế những tác động của việc thép Việt Nam bị áp thuế nhập khẩu bổ sung ở các nước, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần hướng đến tự chủ được các nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào và khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất, loại trừ dần nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ các quốc gia khác. Những việc này sẽ giúp giảm thiểu việc một số nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế khi xuất khẩu.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.