Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội:

Lo ngại chất lượng tăng trưởng, nợ chồng nợ

Công nhân Samsung đang làm việc trong nhà máy tại Bắc Ninh Ảnh: Nhật Minh.
Công nhân Samsung đang làm việc trong nhà máy tại Bắc Ninh Ảnh: Nhật Minh.
TP - Đánh giá cao nỗ lực, sự quyết liệt của Chính phủ trong điều hành và chi tiêu ngân sách, song khi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội (ngày 31/10), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) cũng bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí lo lắng trước tình trạng “tăng trưởng tăng giảm đột ngột, trái logic thông thường”, “nợ chồng lên nợ”, làm 10 đồng nhưng phải đóng 4 đồng tiền thuế…

Tăng giảm đột ngột 

Đề cập kết quả tăng trưởng kinh tế, Ủy viên Thường trực Ủy  ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho biết, nhiều cử tri cho rằng số liệu tăng trưởng các năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng giữa các quý lên xuống đột ngột không theo logic thông thường. “Cử tri cho rằng nếu thống kê tốt, không có nghi vấn gì thì tăng trưởng đã có những điểm nghẽn rất bất hợp lý, trái với logic thông thường”, ông Hàm nêu ý kiến.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng cho hay, “thông tin về kết quả tăng trưởng của nền kinh tế đã gây ngạc nhiên cho cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước vốn còn đang cố tìm hướng đi cho mình”. Phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả tăng trưởng, vị ĐB này cho rằng, con số hơn 25 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tăng 34,3%) và vốn giải ngân bất ngờ tăng mạnh (vượt 13,4%) so với cùng kỳ là lý do vực dậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Nhân cảnh báo: “Sau cơn địa trấn về thu hút FDI lại là nỗi lo âm ỷ của không ít nhà quản lý, các chuyên gia về câu chuyện giữa nhà đầu tư, giữa đầu tư nước ngoài và tăng trưởng”. Bên cạnh đó, việc đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP của cả quốc gia chỉ vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI cũng được ông Nhân cho rằng “rất đáng lo ngại cho nền kinh tế”. 

Theo ông Nhân, FDI dù đã bổ sung một nguồn lực quan trọng cho quá trình tăng trưởng, nhưng nó lại nảy sinh ra tình trạng chuyển giá, “lời thật, lỗ giả”. Dẫn con số thống kê giai đoạn 2007 - 2015 cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền, ông Nhân chỉ ra nghịch lý là “càng lỗ thì doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất”. Điều đặc biệt cũng được ông Nhân nhấn mạnh trước QH là, theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá (?)

Lo ngại chất lượng tăng trưởng, nợ chồng nợ ảnh 1
Việt Nam thu hút nhiều tập đoàn lớn như Samsung... nhưng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và đạt giá trị nội địa hóa còn hạn chế. Ảnh: Nhật Minh.

Ngoài ra, dù FDI đóng góp 70% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng đã bị chuyển giá ra nước ngoài. “Dẫu có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó thì cũng chẳng là bao, 80% còn lại dĩ nhiên sẽ được các doanh nghiệp FDI chuyển về chính quốc. Nền kinh tế đang vướng trong bẫy thu nhập trung bình và sẽ còn bị giữ chặt trong một thời gian dài”, ông Nhân phân tích.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cũng bày tỏ sư băn khoăn trước việc thu hút rất nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Formosa nhưng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và đạt giá trị nội địa hóa còn hạn chế. “Chúng ta cần xem xét rõ việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có FDI . Nếu chúng ta không kết nối được thì sẽ không tận dụng được đầu tư tiến bộ khoa học công nghệ, tiến bộ trong quản lý và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực FDI. Như thế thì những ưu đãi của chúng ta sẽ lãng phí, thiệt thòi cho các doanh nghiệp của Việt Nam”, ĐB Hải nói.

Thừa nhận, tốc độ tăng trưởng giữa các quý đúng là có sự khác, song Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định “kết quả đó là tin cậy”, được thống kê theo đúng quy định của pháp luật. Cũng theo ông Dũng, quy luật tốc độ tăng trưởng cho thấy, quý 4 luôn có mức tăng cao nhất nên năm 2017 có nhiều khả năng hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Tuy nhiên, ông Hàm tranh luận lại rằng, các giải pháp đưa ra mang tính ngắn hạn và có xu hướng tăng trưởng bằng mọi giá. Ngay trong quý 4/2017, các giải pháp cũng là ngắn hạn khi sử dụng biện pháp tăng tín dụng, đẩy mạnh giải ngân. “Chỉ cần Samsung có vấn đề cái là nền kinh tế bị tổn thương ngay”, ông Hàm nói.

Lo ngại chất lượng tăng trưởng, nợ chồng nợ ảnh 2 ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Lo nợ chồng lên nợ

Về tình hình ngân sách, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng “rất căng thẳng”, với nhiều nỗi lo về “nợ chồng lên nợ”. Ông Hàm phân tích, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, phần lớn là tiền vay nhưng phân bổ chi đầu tư phát triển rất dàn trải. Các ưu tiên cho mục tiêu phát triển cơ cấu lại nền kinh tế lại lâm vào cảnh bố trí chậm hoặc không đủ vốn.

“Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng xấp xỉ 1/2 số tiền bán vốn nhà nước trong 5 năm. Khả năng trả nợ rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đáo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ”

ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Ngoài ra, còn có hàng loạt các dự án đang đợi vốn nhưng chưa bố trí được. Điển hình như: 80.000 tỷ đồng để dành cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đã 3 năm kể cả năm 2018 chưa bố trí và giải ngân được vốn; rồi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc Nam đang được QH thảo luận cũng chưa có kế hoạch bố trí vốn trong năm 2018…

Ngoài ra, bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, kỷ luật tài khóa chưa nghiêm cũng là mối lo được ông Hàm nêu ra. Theo ông, dự báo nợ công đến năm 2020 sẽ rơi vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng; trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7% đến 8 % tổng chi ngân sách nhà nước. “Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng xấp xỉ 1/2 số tiền bán vốn nhà nước trong 5 năm. Khả năng trả nợ rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đáo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ”, ông Hàm cảnh báo. 

Từ đó ông Hàm đề nghị các cơ quan chức năng phải cân nhắc khoản chi không thường xuyên, mua sắm sửa chữa lớn cho các đơn vị có nguồn thu lớn đã tự chủ được kinh phí hoạt động thường xuyên. Đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi. “Phải ưu tiên giảm bội chi trả nợ, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết quản lý và sử dụng vốn vay ODA”, ông Hàm nói và đề nghị nên cân nhắc cắt giảm 13.000 tỷ đồng trái phiếu chưa phẩn bổ. Vì nếu với dự toán vay ODA và phát hành trái phiếu năm 2018, cộng với số dư năm 2017 do không thể giải ngân hết, chuyển sang thì năm 2018 sẽ khó giữ được bội chi.

Lo ngại chất lượng tăng trưởng, nợ chồng nợ ảnh 3 ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh).
Làm 10 đồng nộp thuế đến 4 đồng

Một thực trạng đáng lo ngại nữa cũng được các ĐB chỉ ra là việc do thu không đủ chi nên các cơ quan chức năng đang tính đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí cao. “Điều này sẽ làm hạn chế việc đầu tư phát triển và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) nói. 

“Mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác. Tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng” 

ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh)

Thực tế theo ông Chuẩn, có những lĩnh vực mà doanh nghiệp hiện nay đã phải chịu từ 12 - 15 loại thuế và phí, dẫn đến giảm sự đóng góp cho ngân sách nhà nước. Cũng theo phân tích của ông Chuẩn, Việt Nam hiện là một trong những nước có nguồn thu từ người dân tính trên tổng thu nhập của xã hội là rất cao so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển. Nếu tính tỷ lệ thu ngân sách /GDP thì Việt Nam đang đứng thứ 3, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực. 

“So với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam chỉ ở mức trung bình của khu vực nhưng tỷ lệ thu cao hơn đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác. Tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng”, ông Chuẩn thông tin.

Từ đó ông Chuẩn đề nghị nên xem xét lại chính sách thuế và phí. Thay cho việc tận thu, hành thu doanh nghiệp thì các cơ quan Nhà nước cần tính đến việc dưỡng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, làm mục tiêu quyết định cho sự ổn định và phát triển. Như thế mới tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi. “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách”, ông Chuẩn đề nghị.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.