Lụa Việt ở top đầu thế giới nhưng người Việt thờ ơ

Lụa in hoa ở Bảo Lộc.
Lụa in hoa ở Bảo Lộc.
TP - Bằng sự kết hợp giữa sản xuất truyền thống với công nghệ tiên tiến, sản phẩm tơ lụa Việt Nam có phẩm cấp vượt trội so với các nước trong khu vực, ngang ngửa với mặt hàng cùng chủng loại đạt chất lượng cao của thế giới.

Những sợi tơ trắng muốt, dải lụa Việt mỏng manh nhưng cũng rất tinh xảo của thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), thủ phủ Dâu tằm tơ (DTT) Việt Nam, đã vươn xa nhiều châu lục, kể cả những thị trường khó tính như Pháp, Italia, Ấn Độ, Nhật Bản… Đó là thành quả của việc sử dụng nguyên liệu là sợi tơ tự nhiên, chủ động hoàn toàn về công nghệ ươm tơ cao cấp (công nghệ dệt của Nhật Bản, in của Hàn Quốc) cùng kinh nghiệm lâu năm của những thợ dệt lành nghề.

Ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội DTT Việt Nam cho biết phần lớn nhà máy se tơ, dệt lụa của cả nước tập trung tại Bảo Lộc với 40 hệ thống máy ươm tơ tự động công suất cao và 6 nhà máy dệt lụa. Công nghệ sản xuất, chế biến đã được đầu tư bài bản với nhiều thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… Năm 2017, Bảo Lộc đạt sản lượng hơn 1.700 tấn tơ và khoảng 6 triệu m2 lụa, chiếm 75% năng lực ươm tơ và 70% năng lực se tơ dệt lụa của cả nước.

“Trước đây ươm tơ cơ khí bằng tay thì chất lượng tơ rất thấp. Nay, công nghệ ươm tơ được đầu tư hiện đại hơn bằng các dãy máy ươm tơ tự động nên chất lượng tơ cao hơn, thu hút được khách hàng ở thị trường khó tính hơn. Chúng tôi đã có tơ chất lượng loại 1 để xuất đi Nhật Bản, Ấn Độ...”, ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc Cty TNHH Tơ tằm Nhật Minh phấn khởi nói.

Cty TNHH Xe tơ - Dệt lụa Hà Bảo, một trong số ít doanh nghiệp có thể hoàn thành đến công đoạn cuối cùng của quy trình dệt lụa là nhuộm màu và in hoa. Giám đốc Hà Thị Hoa hồ hởi: Hiện các đơn hàng khá tốt nên công ty luôn hoạt động hết công suất máy. Năm 2017 sản xuất tới 700.000 m2 lụa nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, chủ yếu là xuất đi Nhật.

Vẫn chưa chính danh

“Mới đây, khi mang bộ sưu tập của mình sang giới thiệu tại Thụy Sĩ với chất liệu chính là thổ cẩm và lụa Việt Nam, tôi nhận được những phản hồi rất khả quan. Nhiều người Thụy Sĩ đã so sánh lụa truyền thống của Việt Nam ngang tầm với chất liệu lụa của những thương hiệu thời trang bậc nhất thế giới”, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh kể.

Cho chúng tôi xem chiếc khăn lụa tuyệt đẹp, chị bảo: “Đây là loại khăn chất liệu lụa 100% được dệt ngay tại Bảo Lộc với công nghệ mà các thương hiệu lớn nhất thế giới đang làm. Các bạn thấy đấy, lụa Việt có kém loại lụa nào của thế giới đâu? Lụa Bảo Lộc đã được xuất khẩu đến những cường quốc về tơ lụa, thậm chí được những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới đặt hàng. Thế nhưng có một nghịch lý là trên bản đồ tơ lụa thế giới không có tên Việt Nam: Không thể tìm được những tấm lụa óng ả với dòng chữ “Made in Vietnam” bởi lụa Việt được xuất khẩu bằng tên của những thương hiệu lụa nổi tiếng thế giới. Thị trường bán nhiều dòng tơ cao cấp của Bảo Lộc nhưng rất ít người biết xuất xứ hàng hóa. Đó là thiệt thòi rất lớn!”.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, nhiều chuyên gia nói ngành DTT Việt Nam đang trên đà phục hồi sau hàng chục năm khủng hoảng trầm trọng nên vẫn  còn những điều bất cập. Các doanh nghiệp chạy đua liên doanh liên kết đưa công nghệ và thiết bị ươm tơ, dệt lụa hiện đại từ nước ngoài về trong khi diện tích dâu tằm không phục hồi kịp. Do đó mỗi năm phải nhập khẩu hơn 1.000 tấn tơ từ Trung Quốc và Brazin để làm gia công rồi xuất khẩu lụa, áo kimono… sang Nhật, Ấn Độ

Ông Đặng Vĩnh Thọ phân tích: Hiện sản lượng kén chỉ có thể đáp ứng được 70% công suất của máy ươm. Do thiếu kén để ươm tơ nên các doanh nghiệp phải nhập tơ từ nước khác về hoặc gia công cho một số đối tác đưa tơ sang Việt Nam để dệt lụa. Riêng tại Bảo Lộc, có 6 đơn vị trực tiếp gia công cho đối tác Nhật Bản và 8 đơn vị khác vừa gia công vừa tự sản xuất”.

Lụa Việt ở top đầu thế giới nhưng người Việt thờ ơ ảnh 1 Hoa hậu Ngọc Hân thiết kế và biểu diễn thời trang áo dài lụa.

Là người hợp tác làm ăn lâu năm tại Bảo Lộc, ông Kosho Matsunaga, Tổng giám đốc Công ty Matsumura (Nhật Bản) nhận định, đang là thời điểm thích hợp để Việt Nam quảng bá nâng cao thương hiệu tơ lụa của mình. Hiếm địa phương nào có điều kiện lý tưởng để có thể thu hoạch 10 vụ kén/năm như Bảo Lộc, do đó hãy khẩn trương tăng diện tích dâu tằm. Mặt khác, chú trọng khâu sản xuất các sản phẩm cuối cùng như khăn, áo, ca-ra-vát… bởi giá trị sẽ tăng lên 10 lần so với giá bán nguyên liệu thô.

“Việt Nam nên mở rộng nền công nghiệp tơ tằm bởi trong vòng 20 năm qua, nhu cầu về tơ tằm trên thế giới đã tăng gấp đôi. Năm 2000, sản lượng tơ thô của thế giới đạt 78.000 tấn, đến năm 2016, con số này đạt khoảng 132.000 tấn. Gần đây, thị trường tơ thô nguyên liệu là 20 tỉ USD”, ông Kosho Matsunaga nói.

Bỏ trống thị trường nội địa

Trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa là nghề lâu đời ở Việt Nam nhưng dần dà người Việt quen dùng vải sợi tổng hợp hoặc lụa Trung Quốc mà quên bẵng nước ta có chất liệu lụa đẹp, giá trị cao. Nhiều khu vực bán đồ lưu niệm và ngay cả một số làng nghề dệt lụa truyền thống cũng bán lụa Trung Quốc vì giá rẻ, mẫu mã và chủng loại phong phú. Không ít thương nhân Việt Nam nhập lụa Trung Quốc rồi bóc mác “made in China” để gắn mác Việt nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Trong khi nhiều du khách và thương nhân Trung Quốc lại sang Việt Nam mua lụa cao cấp về bán hoặc làm quà tặng. Họ nói lụa Việt mặc mát hơn lụa Trung Quốc nhiều.

Theo NTK Minh Hạnh, với xu thế tiêu dùng toàn cầu, những chất liệu tự nhiên đang lên ngôi vì có tính thích nghi cao, tốt cho sức khỏe và môi trường, trong đó lụa luôn đứng đầu bảng. Các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan… có truyền thống sử dụng lụa tơ tằm thì nhu cầu không giảm. Ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ, nhu cầu ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn cung cấp các sản phẩm tơ lụa có xu hướng giảm. Là loại sợi protein nên lụa thích nghi tối đa với những thay đổi về khí hậu, trời nóng mặc sẽ mát, trời lạnh mặc sẽ ấm; lụa tốt thì rất nhẹ khiến cho người mặc có cảm giác mặc nhẹ. Lụa Bảo Lộc tốt bậc nhất nhưng người Việt ít có cơ hội sử dụng vì hầu hết sản phẩm loại 1 xuất khẩu đi các nước.

“Chúng ta gần như bỏ trống thị trường nội tiêu. Về lâu dài đây sẽ là mối nguy cho ngành DTT Việt Nam bởi xuất khẩu và nội tiêu phải song hành thì mới phát triển bền vững được, thậm chí phải làm tốt thị trường trong nước để ổn định vai trò của mình, tránh bị ép giá”, chuyên viên phòng Kinh tế Bảo Lộc tâm tư.

NTK Minh Hạnh cho rằng thời gian tới nên kích cầu cho người Việt sử dụng; chứng minh rằng dẫu lụa Việt giá cao, đặc biệt khăn lụa loại thượng hạng lên tới cả triệu đồng mỗi mét nhưng chất lượng rất tốt. Các NTK cần chung tay làm cho lụa có một diện mạo mới và hấp dẫn hơn. “Để phát triển bền vững, cần có thêm các NTK, viện thiết kế cùng tham gia tạo nên sản phẩm thời trang và nhiều sản phẩm khác từ lụa tơ tằm Việt Nam”,  ông Lê Thái Vũ, Ủy viên BCH Hiệp hội DTT Việt Nam nói.

MỚI - NÓNG