Luôn sửng sốt với Đặng Lê Nguyên Vũ!

Cà phê Trung Nguyên được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.
Cà phê Trung Nguyên được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.
TP - Cậu bé còm cõi cõng gạch giúp mẹ trong những lò nung mịt mù gió bụi M’Đrắk ngày nào, nay trở lại thảo nguyên trong tư thế một ông “vua cà phê” danh tiếng, với những đóng góp không thể phủ nhận cho cộng đồng xã hội và mục tiêu chinh phục “tín đồ cà phê” toàn cầu.

Không ngủ yên trong đời chật

Ngày cậu sinh viên gầy nhom vung búa đóng biển hiệu “Hãng cà phê Trung Nguyên” lên góc bếp rang xay cà phê bé tẹo chỉ vài mét vuông, dựng bằng số tiền bán chiếc xe máy cùng vốn góp chung của nhóm bạn học cùng khóa, tới nay chưa tròn 20 năm.

Vô số nỗ lực và ý tưởng táo bạo gần 2 thập kỷ qua đã biến chàng trai nghèo đầy khát vọng thành doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ thành đạt sở hữu cả chuỗi nhà máy  chế biến cà phê hiện đại, có hàng chục nhãn hàng cà phê được bán trên quầy hàng 60 quốc gia. Vũ còn là người sáng tạo ra một hệ thống triết lý về cà phê, không ngừng cổ vũ tinh thần dân tộc “vươn ra biển lớn”, với tham vọng thu hút hàng tỷ “tín đồ cà phê” toàn cầu. Khát vọng đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt lên vài chục tỷ đô la mỗi năm, khiến không ít tập đoàn đa quốc gia phải dè chừng, cảnh giác. Tới tháng 8/2015 này, lực lượng cán bộ nhân viên có hợp đồng hưởng lương từ Trung Nguyên khoảng 4.000 người. Số lao động gián tiếp trong mạng lưới phân phối nhãn hàng lên tới 1 vạn rưỡi.

Có lần mẹ Vũ kể cho tôi nghe chuyện Vũ ngày thơ ấu, rồi trầm ngâm: Từ bé, nó đã không giống bạn bè cùng trang lứa! Nó toàn nghĩ tới những điều lớn lao mà lũ trẻ xung quanh không hiểu nổi. Đói cơm rách áo, nó vẫn nuôi mộng nước mình hùng mạnh hàng đầu thế giới. Đến bây giờ nó đã làm được bao nhiêu việc nhưng những điều nó muốn truyền bá thì nhiều người vẫn chưa hiểu, chưa tin.

Dõi theo Đặng Lê Nguyên Vũ từ chặng đầu khởi nghiệp, tôi hiểu niềm tự hào lẫn nỗi xót xa của người mẹ thấy con mình luôn vượt lên lẻ loi cô độc trước đám đông. Ở Vũ, nỗi khát khao về một đất nước hưng thịnh chưa bao giờ nguôi nghỉ.

Luôn sửng sốt với Đặng Lê Nguyên Vũ! ảnh 1

TS Douglas D.Osheroff, Nobel Vật Lý với Đặng Lê Nguyên Vũ.

“Thống trị nội địa, chinh phục thế giới”

Đó là mục tiêu hành động, mà Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Lê Nguyên Vũ đặt ra cho tập đoàn Trung Nguyên.

Sau 2 năm âm thầm tập rang xay, thử nếm, bỏ mối, thăm dò thị hiếu các tầng lớp tiêu dùng với nhiều công thức pha chế khác nhau, tháng 8/1998 cà phê Trung Nguyên tràn xuống thành phố Hồ Chí Minh, tạo dấu ấn mở quán đầu tiên bằng 10 ngày phục vụ miễn phí. Dân ghiền cà phê Sài Gòn sửng sốt kéo tới đông nghịt thưởng thức cà phê hảo hạng. Tiếp đó, các chiêu PR rầm rộ liên tục hấp dẫn công chúng nhanh chóng biến nhãn hàng này thân thuộc khắp hang cùng, ngõ hẻm. Chỉ trong vài năm, số bảng hiệu cà phê Trung Nguyên nhân lên tới hàng nghìn quán từ Nam ra Bắc, rồi sang cả Singapore, Nhật, Anh, Pháp, Mỹ...  

Không phải tôi chỉ biết đến thành công, mà cũng đã nhiều phen nếm mùi thất bại - Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ với tôi - Có cú mất trắng tới mấy trăm tỷ đồng như vụ đầu tư vào chuỗi cửa hàng bán lẻ G7 Mart. Tuy nhiên, làm gì có thành công nào không pha mùi thất bại? Bài học từ các xứ sở thần kỳ xây lâu đài trên sa mạc như Dubai, Israel, Singapore cho thấy: Nếu không ước mơ, làm sao chúng ta có thể biến giấc mơ thành hiện thực? Nếu không hành động, chúng ta mong gì kết quả?

Tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên xây dựng một Làng cà phê độc đáo gồm các tòa nhà rường cổ miền Trung, nhà sàn “dài như tiếng chiêng ngân”, nhà hàng thâm u rộng lớn trong lòng hang động xây kết bằng đá núi lửa, bố trí hài hòa trang nhã giữa các luống cà phê Arabica quanh năm đơm hoa kết trái. Trong dạ tiệc chiêu đãi quan khách về dự Festival cà phê Buôn Ma Thuột đúng mùa hoa cà phê nở rộ, tỏa hương thơm ngát, ông José Sette - cựu Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Thế giới ngây ngất thổ lộ: “Tôi đã làm việc trong ngành cà phê hơn 34 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận hưởng không gian cà phê tuyệt vời, đúng nghĩa sáng tạo nhất”.

Công chúng sửng sốt hơn nữa khi Đặng Lê Nguyên Vũ thuyết phục được gia tộc Jenn Burg (Đức) đồng ý chuyển nhượng trọn vẹn cho Trung Nguyên cả bộ sưu tập tư nhân đồ sộ nhất thế giới gồm, hơn một vạn hiện vật cổ kim về lịch sử cà phê, địa lý cà phê, những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, văn hóa cà phê toàn cầu. Khi trưng bày một phần hiện vật quý này lên ngôi nhà sàn dài đẹp trong Làng cà phê Trung Nguyên, Vũ cho tôi biết vụ chuyển nhượng này vô giá, không thể tính bằng tiền. Gia tộc Jenn Burg tin, bộ sưu tập sẽ được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng cà phê thế giới. Giữa thánh địa cà phê Buôn Ma Thuột hiện đã hoàn tất khâu quy hoạch tổng thể, chỉ còn chờ chính quyền giao đất để tập đoàn Trung Nguyên triển khai xây dựng. Và Vũ sẽ không phụ lòng họ.

Luôn sửng sốt với Đặng Lê Nguyên Vũ! ảnh 2

Ông chủ Trung Nguyên trên thảo nguyên M’Đrắk.

Rụng sạch tóc cho phép tính giản đơn

Họp mặt tại trụ sở Trung Nguyên, nội thành Buôn Ma Thuột dăm bảy năm trước, Vũ phát hiện tôi không chạm tới ly cà phê được mời. Sao thế chị? Anh hỏi. À, mình rất thích cà phê, nhưng uống loại cà phê đậm đặc này lập tức tim đập, chân run, cả đêm mất ngủ... Vũ quả quyết: Chị sẽ có loại cà phê phù hợp! Chẳng bao lâu sau Trung Nguyên cho ra các dòng sản phẩm cà phê chiết giảm hàm lượng cafein, phù hợp cho hàng triệu khách nữ như tôi nhâm nhi thoải mái.

Vũ nói được, làm được, theo kiểu tưởng chừng rất dễ dàng như thế. Khi Trung Nguyên khánh thành nhà máy cà phê hòa tan lớn nhất châu Á tại Bắc Giang đầu xuân 2012, nhiều người ngạc nhiên hỏi Vũ tính thế nào, khi đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây nhà máy cách biên giới Việt- Trung chỉ một khúc sông, mà xa vùng nguyên liệu cả nghìn cây số? Anh cười: Tôi muốn chinh phục thị trường Trung Quốc, thay thế vùng văn hóa trà của họ bằng văn hóa cà phê. Chỉ cần mỗi người Trung Quốc một năm mua 1 đôla Mỹ cà phê G7, thì doanh số Trung Nguyên đã tăng hơn một tỉ USD!

Tôi dõi theo cách nghĩ táo bạo lạ thường này. Và quả nhiên nhà máy Bắc Giang 3 năm qua hoạt động hết công suất thiết kế, hiện đang đầu tư mở rộng thêm. 

Khi Vũ nói sẽ tặng 100 triệu cuốn sách khởi nghiệp bổ ích trong nhiều năm cho thanh thiếu niên, ai cũng nghĩ mình nghe nhầm. Thực tế thì đến nay, hơn 1,2 triệu cuốn sách đã được phát ra.

Vậy đâu là đích đến của Trung Nguyên? Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn tuyên bố mục tiêu đến năm 2022 sẽ trở thành nhà sản xuất cà phê... lớn nhất thế giới. Dù đã nhiều lần chứng kiến anh nói được, làm được, đến mức này tôi vẫn không khỏi hoài nghi: Liệu Vũ có quá ảo tưởng?

Trả lời phỏng vấn nhà báo Duke Harris trên tạp chí Forbes trong bài “Chairman Vu, Vietnam’s Coffee King” (Chủ tịch Vũ- Vua Cà phê Việt Nam), Vũ từng tính trên thế giới, cứ 20 USD lợi nhuận thu được từ cà phê thì người trồng cà phê chỉ thực hưởng 1 USD, 19 USD còn lại chảy vào túi Nestlé và Starbucks. Vì vậy, theo anh, chẳng có lý do gì để tiếp tục đi theo cái trật tự đó! Lẽ công bằng, Việt Nam- quốc gia đang xuất khẩu sản lượng cà phê top đầu thế giới, phải thu về hằng năm vài chục tỷ USD lợi nhuận từ cà phê chế biến sâu xuất khẩu, nâng cao mức sống xứng đáng cho hàng triệu người trồng cà phê. 

Để những phép tính có vẻ giản đơn chuyển hướng theo cái trật tự anh muốn, Vũ đã trải qua những cơn stress trầm trọng, nhiều đêm dài mất ngủ - như anh tiết lộ, đến rụng sạch cả tóc!

Gần đây, Đặng Lê Nguyên Vũ thực hiện nhiều cuộc “ẩn thân” dài ngày về thảo nguyên M’Đrắk yên tĩnh, trong trang trại rộng 600 ha mà Trung Nguyên đang dày công tôn tạo thành một cõi “thiền cà phê” tuyệt diệu, dự kiến mở cửa đón khách trong vài năm tới. Tại đây, anh nhịn ăn thanh lọc cơ thể, cưỡi ngựa thư giãn giữa bao la đất trời, nghiền ngẫm hoàn thiện hệ thống triết lý cà phê Đại Việt và đưa ra các quyết sách kéo dần những mục tiêu gây sửng sốt vào tầm tay...

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.