Nâng chất lượng đào tạo, công nghệ để tăng năng suất lao động

Dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất điện thoại Bphone ở Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
Dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất điện thoại Bphone ở Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
TP - Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan chức năng cần có giải pháp để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, trong đó, nhấn mạnh việc tăng năng suất lao động để kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài và DN trong nước.

Cần du nhập công nghệ cao

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng số lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể hiện rất lớn. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí cao và nhận được nhiều ưu đãi về vốn, đất đai nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, một thành phần rất quan trọng của nền kinh tế là doanh nghiệp tư nhân lại nhỏ bé, gặp bất lợi khi tiếp cận yếu tố sản xuất như vốn, đất đai.

“DN tư nhân Việt Nam quy mô quá nhỏ, năng suất thấp nên không có năng lực xuất khẩu và không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Cũng chính vì vậy, DN tư nhân không có năng lực đầu tư lớn để đổi mới công nghệ”, GS Thọ nói. Theo GS Thọ, những yếu tố trên của nền kinh tế chính là nguyên nhân khiến năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Để cải thiện NSLĐ, góp phần tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần phát huy lợi thế của nước đi sau,  khuyến khích DN nhập công nghệ, ưu tiên ngoại tệ cho nhập công nghệ.

Đánh giá về giải pháp để giúp Việt Nam tăng năng suất lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta cần áp dụng giải pháp khoa học công nghệ, tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn ở từng cấp ngành. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đi liền đó, cơ quan chức năng phải tiếp tục giảm chi phí và tiến hành công cuộc chống tham nhũng, lợi ích nhóm hiệu quả hơn.

“Một trong những biện pháp quan trọng là chúng ta cần cải cách nền giáo dục quốc gia và dạy nghề tốt hơn để đào tạo nguồn lao động chất lượng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng chỉ ra thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là sắp hết giai đoạn dân số vàng trong khi công nghiệp hoá còn ở vị trí thấp. Với lực lượng lao động của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa sâu rộng. Quá trình công nghiệp hóa cần xuất phát từ lắp ráp và chế biến. Sau đó, từng bước tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị. Đồng thời, thúc đẩy phát triển một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, xuất khẩu được như sản phẩm phần mềm, dịch vụ tài chính…

Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất để nâng cao năng suất lao động là Việt Nam phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, chương trình đào tạo nghề của Việt Nam phải đào tạo những người công nhân thực sự, chứ không phải trường đào tạo nghề chung chung. Chương trình đào tạo phải như đào tạo lao động để xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Đào tạo trong nước cũng phải đáp ứng điều đó.

Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách nuôi dưỡng DN nhằm tăng quy mô hoạt động mới có thể đổi mới công nghệ, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh. Việt Nam cũng cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại để thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp.

Kết nối doanh nghiệp trong nước và FDI  

GS Trần Văn Thọ đánh giá, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm vị trí lớn trong nền kinh tế Việt Nam nhưng chất lượng thấp, ít tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Liên kết hàng dọc giữa FDI và doanh nghiệp trong nước quá yếu nên không tác động lan tỏa công nghệ, tri thức kinh doanh đến nền kinh tế Việt Nam.

“DN FDI nhập khẩu linh kiện, tư liệu sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam nhằm sử dụng nguồn lao động giá rẻ nên thiếu kết nối và lan toả công nghệ với khối DN trong nước. Sắp tới, Việt Nam cần thay đổi chiến lược thu hút FDI theo hướng ưu tiên những dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp Việt Nam, liên doanh hoặc kết nối doanh nghiệp trong nước với mạng lưới cung ứng toàn cầu”, ông Thọ nhấn mạnh.

Theo GS Thọ, để có thể kết nối DN trong nước và FDI, giải pháp lớn nhất là giúp DN trong nước lớn mạnh, đủ sức cung cấp linh kiện, sản phẩm phụ trợ cung cấp cho DN FDI. “DN trong nước chưa mạnh do nhiều lí do như quy mô quá nhỏ nên khó thay đổi tư liệu sản xuất. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia nuôi dưỡng DN trong nước có tiềm năng để ngày càng lớn mạnh, đủ sức nhận chuyển giao công nghệ, sản phẩm”, ông Thọ nói.

Theo GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, để kết nối DN trong nước và DN FDI, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phải phát triển tốt hơn.

Đánh giá về việc phát triển nền kinh tế trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và nâng cao chỉ số về môi trường. Thời gian tới, Việt Nam kiên trì thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, sáng tạo, giảm tỷ lệ dựa vào nhân công giá rẻ, khai thác khoáng sản. Để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Việt Nam cần tập trung vào 3 đòn bẩy gồm: Năng lượng xanh và phát triển bền vững; Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh công nghiệp hoá và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Tăng trưởng và phát triển là cuộc chạy đua đường trường. Thành quả kinh tế năm 2017 giúp chúng ta tự tin hơn trong tái cơ cấu, tăng trưởng để tạo nền móng vững chãi cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Chúng ta cần nỗ lực để phấn đấu đưa Việt Nam trở thành con hổ kinh tế của châu Á”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất để nâng cao năng suất lao động là Việt Nam phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ.

MỚI - NÓNG