'Nếu còn xảy ra tai nạn đường sắt lãnh đạo phải từ chức'

Nếu còn tai nạn đường sắt do lỗi chủ quan của nhân viên ngành, lãnh đạo phải từ chức.
Nếu còn tai nạn đường sắt do lỗi chủ quan của nhân viên ngành, lãnh đạo phải từ chức.
TPO - Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, nếu 3 tháng tới còn xảy ra tai nạn đường sắt do lỗi chủ quan, lãnh đạo các đơn vị phải từ chức, dù có thể chưa phải cách chức.

Chiều 1/6, một số chuyên gia, nhà quản lý, Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo ngành đường sắt đã tham gia cuộc tọa đàm “An toàn giao thông đường sắt – thực trạng và giải pháp”. Trước đó, trong 4 ngày từ 24-28/5, đã xảy ra liên tiếp 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt. Trước các sự cố nghiêm trọng trên, chưa bao giờ vấn đề an toàn đường sắt và trách nhiệm của lãnh đạo ngành được đặt ra một cách ráo riết như lúc này.

Tại cuộc tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: "Nhìn giao thông đường sắt hàng ngày đã có thể đánh giá nó lạc hậu như thế nào". Thậm chí, ông Nhưỡng còn cho rằng “ngành đường sắt đang hơi mông muội, vẫn như tàu chợ”.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, về nguyên nhân các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp thời gian qua, ngoài ý thức người dân tham gia giao thông, còn thấy trách nhiệm của ngành đường sắt cũng rất thấp.

Về nguyên nhân đường sắt ngày càng mất an toàn, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng: tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, có những gờ rất sâu, không cẩn thận lập tức bánh xe kẹt gờ không lên được, rất nguy hiểm. 

“Đó là trách nhiệm của ngành giao thông, ngành đường sắt, chỉ cần sửa lại những gờ đó đã giảm thiểu được rất nhiều tai nạn thương tâm”, ông Thiên nói.

Về phần mình, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) thừa nhận, ngành đường sắt từng sống với “ánh hào quang”, độc tôn về vận tải. Tuy nhiên, khi các hình thức giao thông khác phát triển, ngành đường sắt chậm thay đổi, dẫn tới tụt lùi như hôm nay.

Theo ông Minh, hiện toàn ngành đường sắt có 26.292 lao động, doanh thu năm 2017 chỉ 8.172 tỷ đồng, nên lương cán bộ nhân viên không cao. VNR đặt mục tiêu năm nay sẽ tăng lương cho cán bộ công nhân viên thêm 12%, và phấn đầu tới năm 2020 đạt mức lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. 

“Nhưng không phải vì lương thấp mà trách nhiệm cán bộ công nhân viên thấp. Vấn đề ở chỗ ngành đường sắt chậm thay đổi tư duy một mình một chợ”, ông Minh thừa nhận. 

Ông dẫn chứng vụ 2 tàu hàng đâm nhau ở Ga Núi Thành (Quảng Nam), 4 bộ phận liên quan đều có sai sót, trong khi những người này đã làm trong ngành ít nhất 10 năm và lương không phải thấp.

Chủ tịch VNR cho biết, ông đã quán triệt tới lãnh đạo từng đơn vị trực thuộc, nếu trong 3 tháng tới đơn vị nào còn để xảy ra tai nạn do lỗi chủ quan của cán bộ nhân viên, lãnh đạo đơn vị đó sẽ phải từ chức (dù có thể chưa tới mức bị cách chức).

Theo VNR, giai đoạn 2001-2010, tổng số vốn đầu tư cho ngành giao thông là 140.870 tỷ đồng, trong đó vốn cho đường sắt chỉ 4.802 tỷ đồng (chiếm 2,9%). Giai đoạn 2010-2015, vốn đầu tư cho giao thông là 330.000 tỷ đồng, trong đó cho đường sắt 9.203 tỷ đồng (chiếm 3%). Số vốn trên chỉ đủ đáp ứng 30% nhu cầu của ngành đường sắt. 

Trong tổng vốn ngân sách cho duy tu, bảo dưỡng đường sắt bình quân 2.000 tỷ đồng/năm, nhưng phải dành tới 1.200 tỷ đồng chi phí cho nhân công hệ tuần gác (như nhân viên gác chắn, tuần đường, tuần hầm, bảo hiểm, quản lý...).

MỚI - NÓNG