Nhìn lại cơn 'lên đồng' của chứng khoán

Trong dịch COVID-19, lượng khách hàng đến mở tài khoản mới gia tăng mạnh nhất trong vài năm qua
Trong dịch COVID-19, lượng khách hàng đến mở tài khoản mới gia tăng mạnh nhất trong vài năm qua
Sản xuất kinh doanh càng sụt giảm, thị trường chứng khoán lại càng sục sôi. Nhà đầu tư ồ ạt mở tài khoản, bơm vốn, lập đỉnh giao dịch quy mô lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay. Vậy nên, quan niệm cho rằng, chứng khoán là hàn thử biểu, đo nóng lạnh của nền kinh tế đã bị đảo lộn trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua…

Cách ly, ôm máy, ồ ạt bắt đáy

Trong dịch, giữa những đợt không cách ly xã hội, tôi thi thoảng ghé qua điểm giao dịch chứng khoán trên phố Ngô Quyền (Hà Nội). Nhân viên công ty ngồi đầy đủ nhưng khách thưa thớt. Tuy nhiên, không khí đó chưa nói lên điều gì. Trên bảng điện tử, các con số vẫn liên tục nhảy múa. Ðiều đó có nghĩa, những nhà đầu tư đang ngồi trước máy tính, hoặc cầm điện thoại thông minh khắp nơi đang ồ ạt giao dịch.Bởi, trực tuyến là thế mạnh đặc thù của thị trường chứng khoán, nhất là trong đại dịch.

Trong buổi cà phê “tổng kết đầu tư mùa dịch” vào cuối tháng 9 vừa qua, Phạm Thị Minh Trang, một broker (nhân viên môi giới), quản lý tài khoản của tôi ở công ty chứng khoán nói: “Vừa qua, sôi động không khác gì năm 2006 – 2007. Dịch đến, người nắm cổ phiếu hoảng loạn, xả hàng; đưa cơ hội cho người mới nhảy vào bắt đáy. Có tiền, gửi ngân hàng không phải là cách của giới trẻ. Bất động sản cũng phải đi ngắm nghía, không an toàn trong dịch. Vàng phụ thuộc rất nhiều yếu tố và phải có vốn lớn. Vậy nên, chứng khoán trở thành kênh đầu tư phù hợp nhất trong dịch COVID-19”. Từ đầu mùa dịch đến nay, Trang tiếp nhận đến 60 nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới vào thị trường), nâng tổng số tài khoản do chị quản lý lên 400.

Theo thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính từ 31/1/2020 (thời điểm bắt đầu có dịch) đến hết tháng 8/2020, tổng số tài khoản mở mới là gần 213 nghìn, vượt xa số tài khoản mở mới của cả năm 2019 (hơn 177 nghìn). Nhờ vậy, tổng số lượng tài khoản chứng khoán của Việt Nam đến cuối tháng 8/2020 đã lên gần 2,6 triệu.

Hầu hết các tài khoản mở mới là tài khoản cá nhân lần đầu bước vào thị trường. Tuy nhiên, có vẻ như, họ không “gà mờ” chút nào khi ồ ạt mở tài khoản vào tháng 3-4/2020 khi dịch căng thẳng, VN – Index (chỉ số phản ánh biến động giá của chứng khoán Việt Nam) rớt đột ngột từ trên 900 xuống vùng 650 điểm. Ðó là lúc các nhà đầu tư bán tháo và họ nhảy vào bắt đáy.

Từ tháng 4/2020, thị trường cổ phiếu thường xuyên có giá trị giao dịch khoảng 9 – 10 nghìn tỷ đồng. Ðặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 15/6, giá trị khớp lệnh lên tới hơn 1 tỷ USD lập nên kỷ lục về giá trị giao dịch từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong dịch, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán tháo (khoảng hơn 15.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm) nhưng thị trường trong nước, nhất là “các tân binh” mới nhập cuộc vẫn hấp thụ hết. Sự hưng phấn đó đã giúp cho thị trường chứng khoán nhanh chóng hồi phục về ngưỡng 900 điểm ngay vào đầu tháng 6. Theo báo cáo mới nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường phục hồi, tăng trưởng nhanh nhất thế giới; trong đó, mức tăng trưởng trong quý 2/2020 là 9,17%, xếp thứ 6 thế giới.

Thị trường chứng khoán Mỹ những tháng vừa qua chứng kiến sự bùng nổ của day-trader (những người chơi chốt lãi theo ngày). Có day-trader tự nhận là "thuyền trưởng mới" trên thị trường chứng khoán và "chế giễu" Warren Buffett (tượng đài đầu tư chứng khoán dựa vào giá trị của doanh nghiệp) về việc bán sạch cổ phiếu hàng không của vị tỷ phú này. Tuy nhiên, nhà đầu tư kiêm người dẫn chương trình "Mad Money" của đài CNBC, ông Jim Cramer cảnh báo rằng "đội quân" kì lạ mới xuất hiện trên thị trường chứng khoán chắn chắn sẽ mất tiền và đẩy nhanh sự sụp đổ của thị trường, "kết thúc trong nước mắt". 

Miễn nhiễm và hưng phấn quá đà đều không tốt

Trong dịch, tôi vẫn chọn một số mã cổ phiếu của các ngành ăn nên làm ra trong dịch như dược, kinh doanh thực phẩm, thương mại điện tử, nhất là kinh doanh máy tính để mua và cũng có lời. Tuy nhiên, Bloker Trang và nhiều nhân viên môi giới cho rằng, thời gian qua, các nhà đầu tư mới vào bắt đúng hoặc gần đáy của các cổ phiếu, kể cả bị ảnh hưởng nặng nề của dịch “cứ mở mắt là có tiền”. Một giảng viên đại học do Trang quản lý tài khoản đầu tư 700 triệu đồng, trong 3 tháng, tài khoản đã tăng lên hơn 1,5 tỷ đồng. Ngược lại, các nhà đầu tư trước khi có dịch, dù nhiều kinh nghiệm, không bán cắt lỗ từ đầu, đến nay vẫn chưa thể hồi sức.

Nhìn lại cơn 'lên đồng' của chứng khoán ảnh 1 Thị trường chứng khoán vừa qua chứng kiến lượng tiền tăng kỷ lục của các nhà đầu tư mới gia nhập, Ảnh: Bảo An
Thế thắng như chẻ tre của các nhà đầu cơ “điếc không sợ súng” như vậy khiến những nhà môi giới, những người yêu thích, nghiền ngẫm, đầu tư cổ phiếu dài hạn trở nên hoang mang. Thậm chí, thị trường còn chứng kiến sự “miễn dịch” của dòng vốn mới vào thị trường khi vào tháng 7, xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 tại Ðà Nẵng và lan ra nhiều tỉnh thành, các biện pháp cách ly xã hội được triển khai, kinh doanh đình trệ nhưng VN-Index chỉ chùng xuống vài ngày (ngưỡng dưới 800 điểm) rồi lại bật tăng trở lại ngay ở mức trên 900 điểm. Thậm chí, nhiều mã cổ phiếu còn được đẩy giá cao hơn so với trước dịch. Và đó là một cơn sóng ngầm cần phải cảnh giác.

Bà Hoàng Việt Phương – GÐ Trung tâm Tư vấn và Phân tích Ðầu tư – CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, vốn rẻ, đẩy mạnh đầu tư công, vắcxin COVID-19, câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi từ EVFTA đi vào thực tế sẽ góp phần hỗ trợ thị trường trong giai đoạn cuối năm 2020 và năm 2021. “Tuy thị trường vẫn còn cơ hội nhưng cơ hội mua vào tốt nhất có thể đã qua và nhà đầu tư cần đặt quản trị rủi ro cao hơn trong lúc này” – bà Phương nói. Ðiều đó có nghĩa, các nhà đầu tư cần phải được đánh thức sau cơn “lên đồng” với chứng khoán.

Theo báo cáo mới nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường phục hồi, tăng trưởng nhanh nhất thế giới; trong đó, mức tăng trưởng trong quý 2/2020 là 9,17%, xếp thứ 6 thế giới.

MỚI - NÓNG