Nông dân 'cay mắt' với gừng liên kết

Ông Đèo Minh Thiện bên vườn gừng chết.
Ông Đèo Minh Thiện bên vườn gừng chết.
TP - Cty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam ký hợp đồng liên kết đầu tư trồng gừng với nhiều nông dân Tây Nguyên. Thế nhưng, sau đó công ty “lặn mất tăm”, bỏ nông dân bơ vơ, “cay mắt” ôm đống nợ.

Bong bóng lợi nhuận

Tháng 5/2017, ông Đèo Minh Thiện (SN 1961, thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) ký hợp đồng trồng 10.000 bầu gừng với Cty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam (gọi tắt Cty NSS) - chuyên cung cấp các loại giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật theo hướng liên kết sản xuất nông sản sạch xuất khẩu, địa chỉ tại số 27 Phan Đăng Lưu, TP Buôn Ma Thuột.

Theo hợp đồng, Cty NSS cung cấp đầy đủ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản lượng gừng với giá 18 nghìn đồng/kg; nông dân chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc gừng theo đúng hướng dẫn Cty đưa ra. Chi phí đầu tư trồng 10.000 bầu gừng tốn 218 triệu đồng, Cty hỗ trợ một nửa, số còn lại 109 triệu đồng nông dân phải trả đủ cho Cty. Sau 9 tháng trồng, sản lượng gừng thu về ít nhất là 25.000 kg, trừ tiền đầu tư, nông dân lãi hơn 300 triệu đồng. Con số này đối với nông dân là quá lớn, nên nhiều người hào hứng tham gia.

Ông Thiện cho biết, thời gian đầu xuống giống, gừng phát triển bình thường, đến tháng thứ 4 bỗng dưng bị vàng lá. Gia đình gọi điện báo, Cty cho kỹ thuật xuống kiểm tra, hướng dẫn bỏ thuốc vài ba lần nhưng bệnh càng nặng, thối cả rễ lẫn củ. Từ đó, Cty “lặn mất tăm”, gọi điện không được, tìm đến trụ sở thì cửa khóa then cài. Diện tích đất nhà ông Thiện trước đây trồng rau rừng cho thu nhập ổn định. Ông nghe quảng cáo trồng gừng vừa khỏe mà thu lời cao nên phá rau trồng gừng. Giờ đành ôm nợ!

Dân nghèo tự “bơi”

Theo ông Nguyễn Văn Niên (43 tuổi, thôn 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai), khi gừng xuất hiện bệnh, người dân liên hệ với Cty NSS để xin hỗ trợ thuốc trị. Lúc đầu Cty cấp một ít thuốc, sau đó bảo nông dân tự đi mua về điều trị. Xót của, nông dân vay tiền mua thuốc cứu cây nhưng “lực bất tòng tâm”. Ông Nguyễn Văn Thảo (44 tuổi, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết đã mua đủ loại thuốc bơm nhưng 13.000 bầu gừng cứ “đua” nhau chết. Tính cả tiền phân, giống, công cán… ngốn hết 200 triệu đồng, số tiền này ông vay ngân hàng nhưng giờ gừng chết hết, không biết lấy gì để trả nợ.

Ông Nguyễn Văn Quảng, (SN 1961, thôn Đức Hà, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) hợp đồng trồng 10.000 bầu gừng với Cty nay đã chết gần hết, bức xúc nói: Từ ngày xuống giống, nông dân tuân thủ theo quy trình trồng và chăm sóc do Cty đưa ra. Giờ gừng chết, Cty đổ do thời tiết để phủi bỏ toàn bộ trách nhiệm mà không nhớ đến điều khoản trong bản hợp đồng nêu rõ: Khi gặp sự cố thiệt hại về gừng, trong 5 tháng đầu mà gừng bị bệnh, chết thì bên A (Cty NSS) sẽ cung cấp thêm giống, phân thuốc cho bên B (nông dân) trồng lại. Bên B sẽ không phải bỏ thêm khoản chi phí nào.

Ông Quảng khẳng định nếu Cty NSS vẫn không chịu liên hệ với nông dân để giải quyết sự cố này, nông dân đành nhờ pháp luật can thiệp.

Không riêng các hộ dân nói trên mà nhiều hộ dân các tỉnh khác ở Tây Nguyên cũng ôm nợ khi vướng vào dự án liên kết trồng rừng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi xảy ra sự cố không báo cáo lên chính quyền, nên không rõ con số cụ thể.

Ông Đào Lân Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết: Qua tìm hiểu, trên địa bàn có khoảng 6 hộ dân ký kết với Cty NSS để trồng gừng. Hộ trồng ít nhất là 10.000 bầu, nhiều nhất là 22.000 bầu. Tuy nhiên, hợp đồng chỉ có 2 bên ký kết không qua chính quyền nên rất khó quản lý giám sát. Phòng NN&PTNT huyện sẽ có văn bản gửi đến các xã, thị trấn thống kê số thiệt hại. Đồng thời, sẽ liên hệ đến công ty và người dân để tiếp tục tìm hiểu cụ thể sự việc, tìm hướng giải quyết.

MỚI - NÓNG