Nước mắm truyền thống Phú Quốc khó xuất khẩu vào Mỹ?

TPO - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) lại công nhận nước mắm công nghệ để nhập vào Mỹ do họ căn cứ vào quy trình là nguyên liệu phải cấp đông, gia nhiệt, thanh trùng… Còn nước mắm dùng muối ướp cá trực tiếp, ức chế vi khuẩn thì họ chưa biết.

Tại buổi tọa đàm Kinh nghiệm xuất khẩu & Xu hướng thị trường châu Á và thế giới tổ chức ngày 20/6, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cho biết, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) công nhận nước mắm công nghiệp vì đáp ứng quá trình sản xuất phải trải qua các quá trình như nguyên liệu phải cấp đông, gia nhiệt, thanh trùng… Trong khi đó, nước mắm mắm truyền thống Phú Quốc thì phải dùng muối ướp cá ngày tại chỗ, sau đó đưa vào thùng ủ chượp. Do vậy nên nước mắm truyền thống vẫn gặp khó khi muốn xuất khẩu sang Mỹ.

Tại hội thảo, bà Hồ Kim Liên, Tổng giám đốc công ty nước mắm Khải Hoàn Phú Quốc chia sẻ, đối với nước mắm Phú Quốc đã được 23 nước thành viên châu Âu bảo hộ về chỉ dẫn địa lý, từ cuối năm 2012.

Nước mắm truyền thống Phú Quốc khó xuất khẩu vào Mỹ? ảnh 1 Nước mắm truyền thống vẫn gặp khó khi muốn xuất khẩu sang Mỹ

Tuy nhiên, sản phẩm này khi bán ở thị trường Việt Nam, chắc chắn người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được đâu là sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc được châu Âu bảo hộ, đâu là nước mắm không truyền thống. Có lẽ điều này còn mờ nhạt quá nên nhiều người vẫn chưa biết. “Đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn tự hào đây là nước mắm truyền thống hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo an toàn thực phẩm” – bà Liên khẳng định.

Đề cập đến vấn đề xuất khẩu, bà Liên cho hay, nước mắm truyền thống là phải trải qua công đoạn ủ chượp hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên cũng vì quy trình này nên để xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới như Mỹ còn gặp rất nhiều khó khăn do các chỉ tiêu ràng buộc, hàng rào kỹ thuật về chuyên môn…

Giải thích rõ hơn vấn đề, bà Vũ Kim Hạnh kể, công nghệ sản xuất nước mắm truyền thống là ủ chượp, đánh bắt cá và ướp muối ngay tại biển theo tỷ lệ “3 cá 1 muối”. Phương thức dùng muối để xử lý cá để không bị ươn, sau đó đem về cho vào thùng luôn chứ không dùng bất cứ hóa chất, chất phụ gia nào khác. Còn nước mắm công nghệ thì họ cấp đông con cá khi vừa đánh bắt, rồi xử lý bằng quá trình gia nhiệt, thanh trùng sản phẩm.

Nước mắm truyền thống Phú Quốc khó xuất khẩu vào Mỹ? ảnh 2 Theo các chuyên gia, việc bảo hộ thương hiệu thương hiệu là điều rất quan trọng khi xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc

“Tuy nhiên, FDA lại công nhận nước mắm công nghệ để nhập vào Mỹ do họ căn cứ vào quy trình là nguyên liệu phải cấp đông, gia nhiệt, thanh trùng… Còn dùng muối ướp cá trực tiếp, ức chế vi khuẩn thì họ chưa biết. Do đó cần chúng tôi phải chứng minh bằng nhiều nguồn thông tin, ý kiến của các chuyên gia quốc tế để làm việc thêm với FDA” – bà Hạnh cho biết.

Cũng theo Chủ tịch BSA, sở dĩ nước mắm Phú Quốc xuất qua châu Âu được dễ dàng vì được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, họ chấp nhận phương thức truyền thống của Việt Nam và ưu tiên xuất khẩu qua châu Âu. Thực tế hiện nay ở châu Âu, cũng có nhưng rất ít sản phẩm nước mắm giả Phú Quốc. Trong khi đó ở Mỹ lại tràn lan nước mắm giả này.

Ví dụ mình mua chai nước mắm hương cá hồi thì trong đó chỉ có hương liệu, hóa chất chứ làm gì có đủ cá hồi để sản xuất ra nhiều triệu chai nước mắm để đưa ra thị trường. Đơn vị sản xuất dùng màu giả, mùi giả, chất bảo quản và cả chất sánh giả. Chính vì vậy chúng tôi đã họp với Hội nước mắm của các địa phương, chuẩn bị đưa ra tiêu chuẩn cơ sở là tuyệt đối cấm ủ các thứ giả đó – bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp từng nhiều năm xuất khẩu sản phẩm sang quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Vinamit nêu kinh nghiệm, tốt nhất nên đưa hàng vào Trung Quốc qua kênh siêu thị lớn offline… Bởi nếu bán qua thương lái, đơn vị trung gian… thì giá rất rẻ, thậm chí nguy cơ mất thương hiệu là điều thường xảy ra.

“Đưa hàng vào Trung Quốc, điều quan trọng nhất là phải bảo hộ được thương hiệu của mình. Bán cho doanh nghiệp trong nước thì giống như bán xá; bán cho thương nhân ở gần biên giới thì bị ép giá; bán cho nhà phân phối thì phải chuẩn bị để không bị mất thương hiệu. Chỉ có cách là bán trực tiếp cho các hệ thống siêu thị lớn thì mới là cách làm căn cơ” – ông Viên đúc rút.

MỚI - NÓNG