Nước ngoài quan tâm thủy điện mini ở Việt Nam

TP - Nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Nga, Kazakhstan, Hungary, Đức, Na Uy… đang muốn phát triển mô hình nhà máy thủy điện mini thành nguồn năng lượng xanh ở Việt Nam. 

Mô hình này sẽ không chỉ cung cấp điện ổn định với chi phí hợp lý cho các khu vực hẻo lánh mà còn giúp Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mô hình nhà máy thủy điện mini có ưu điểm là xây lắp nhanh, chi phí đầu tư, vận hành cũng như bảo trì thấp. 

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số 14 quốc gia trên thế giới có tiềm năng cao về phát triển thủy điện. Ngay cả các khu vực xa xôi, hẻo lánh cũng có nhiều dòng chảy tự nhiên nhỏ. So với loại hình nhà máy thủy điện truyền thống, lắp đặt nhà máy thủy điện mini giúp hạn chế việc xây dựng các đập, không làm thay đổi tình trạng tự nhiên của sông, suối…

Mô hình nhà máy thủy điện mini còn được coi là một giải pháp thay thế cho máy phát điện diesel kém thân thiện với môi trường. Một nhà máy thủy điện mini công suất 0,5 MW có thể đáp ứng nhu cầu điện của các khu vực biệt lập như các công ty khai thác dầu khí, khai thác mỏ hoặc lâm nghiệp. Một nhà máy thủy điện mini cũng có thể cung cấp điện cho khoảng 250- 400 hộ dân, và tuổi thọ của tua-bin lên tới 40 năm.

Trao đổi với phóng viên, ông Timofey Dolgikh, Trưởng ban chỉ đạo dự án nhà máy thủy điện Cty Atomenergomash thuộc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga ROSATOM, nói: “Nga và Việt Nam đã có kinh nghiệm phong phú về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, áp dụng các công nghệ hạt nhân trong các ngành phi năng lượng như nông nghiệp, y học… Hy vọng hai bên sớm tiến tới hợp tác trong lĩnh vực thủy điện mini”.

Mới đây, Cty Ganz EEM ở Hungary giới thiệu giải pháp công nghệ cho thủy điện mini phù hợp điều kiện Việt Nam. Các công ty ở Kazakhstan hiện cũng rất quan tâm lĩnh vực thủy điện mini ở các quốc gia Đông Nam Á.

Tại Hội nghị toàn quốc với chủ đề “Phát triển thủy điện nhỏ và vừa và năng lượng tái tạo” (do Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức mới đây), nhiều đại biểu cho rằng, cần đa dạng hóa nguồn điện trong bối cảnh Việt Nam đã dừng triển khai dự án điện hạt nhân, các nguồn thủy điện lớn không, nhiệt điện chạy than bị phản đối…

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nói: “Nguồn điện từ tài nguyên trong nước cần được đầu tư khai thác như nguồn thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối”.

MỚI - NÓNG