Quả vải xuất khẩu: Thị trường Nhật giá cao, ổn định

Khu vực cấp mã số vùng trồng vải thiều ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản
Khu vực cấp mã số vùng trồng vải thiều ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản
TP - Theo Bộ NN&PTNT, đầu tháng này, chuyên gia Nhật Bản có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản. Giá bán sẽ cao và thị trường ổn định hơn các năm trước.

Từ ngày 26 đến 30/5, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ đã thu mua hàng chục tấn vải thiều ở tỉnh Hải Dương để xuất các lô hàng vải quả đầu tiên sang Singapore, Mỹ, Australia bằng đường biển.

Tại Bắc Giang, vùng vải thiều lớn nhất của cả nước, người trồng vải thiều chất lượng cao khấp khởi bước vào mùa thu hoạch. Ông Trần Văn Lân (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho hay, năm nay, mấy đồi vải nhà ông được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản, với diện tích khoảng 3 ha. Quy trình chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện theo yêu cầu từ phía Nhật Bản. Yêu cầu về sản xuất vải thiều khắt khe hơn trước rất nhiều, nhưng là cơ hội tốt để quả vải bước vào thị trường Nhật Bản với giá trị cao hơn, ông nói.

Năm ngoái, gia đình ông Lân bán vải thiều, thu về khoảng 500 triệu đồng. Năm nay, mấy đồi vải của ông được mùa, trái đẹp, dự kiến sản lượng khoảng 30 tấn. “Nếu có thể xuất khẩu sang Nhật, giá bán sẽ cao và thị trường ổn định hơn các năm trước. Nếu bán được như giá năm ngoái, năm nay tôi có thể thu được cả tỷ đồng từ cây vải thiều”, ông hồ hởi nói.

Ông Đinh Văn Phương, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cho biết, toàn huyện có 98 ha, với 99 hộ được cấp 18 mã số vùng trồng vải để xuất khẩu sang Nhật Bản. “Mới đầu, thấy quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn của Nhật rất khó thực hiện, bà con cũng ái ngại. Thế nhưng, tỉnh Bắc Giang động viên và sát cánh cùng bà con để quyết thực hiện theo đúng tiêu chuẩn của Nhật”, ông nói.

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Bắc Giang, cho biết, Bắc Giang có 103 ha được cấp 19 mã số vùng trồng để xuất sang Nhật Bản. Thời gian qua, cán bộ chuyên môn của Bộ NN&PTNT , Sở NN&PTNT  về các vùng trồng vải của huyện Lục Ngạn, Tân Yên được cấp mã số vùng trồng để trực tiếp hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây vải theo yêu cầu của phía Nhật. Bộ NN&PTNT cũng hỗ trợ Bắc Giang xây dựng cơ sở khử trùng, đóng gói vải thiều theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, dự kiến ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương và đại diện Đại sứ quán Nhật Bản về Lục Ngạn để kiểm tra vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu sang Nhật.  

Quả vải xuất khẩu: Thị trường Nhật giá cao, ổn định ảnh 1

Ông Trần Văn Lân hồ hởi với đồi vải được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản

MỚI - NÓNG