Rau quả lần đầu xuất siêu gần 2 tỷ USD

Triển lãm rau hoa quả tổ chức lần đầu tiên đã thu hút nhiều doanh nghiệp ngoại
Triển lãm rau hoa quả tổ chức lần đầu tiên đã thu hút nhiều doanh nghiệp ngoại
TPO - “Ngành rau quả đang có sự gia tăng đột biến với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 5,52 tỷ USD, đây cũng là lần đầu tiên ngành này xuất siêu gần 2 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành này còn gặp nhiều thách thức, khó khăn” – ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, ngành sản xuất rau quả của Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển triển từ các loại rau quả ôn đới, á nhiệt đới và đặc biệt là cây ăn quả nhiệt đới. Diện tích, năng suất, sản lượng cây ăn quả đã liên tục tăng trong 15 năm qua. Đến năm 2016, cả nước đã có 863.000 ha cây ăn quả, tăng 1,2 lần so với năm 2010.

Đặc biệt, sản lượng và giá trị xuất khẩu trái cây có sự gia tăng đột biến với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 – 2016 là 32,7%. Năm 2017, giá trị xuất khẩu đã đạt 3,52 tỷ USD. Xuất khẩu cây ăn quả chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu trong ngành rau, hoa quả. Đây cũng là năm đầu tiên ngành rau quả đã xuất siêu gần 2 tỷ USD.

Rau quả lần đầu xuất siêu gần 2 tỷ USD ảnh 1 Giới thiệu công nghệ tưới nhỏ giọt

Bên cạnh đó còn hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung đặc biệt trong sản xuất cây ăn quả như vùng xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), thanh long (Bình Thuận), vải thiều (Bắc Giang), nho (Ninh Thuận), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long)…

Tuy nhiên, sản xuất rau, hoa quả ở Việt Nam đang đứng trước khá nhiều thách thức. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể, những hạn chế trong việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa trong sản xuất và ngành công nghiệp chế biến còn chậm phát triển. Các cơ sở hậu cần phục vụ thu hoạch, bảo quản (máy thu hoạch, vận chuyển, kho lạnh, kho ngoại) còn ít được quan tâm đầu tư. Điều này dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao, chất lượng sản phẩm bị giảm trong quá trình bảo quản và lưu thông, chưa tạo ra giá trị gia tăng từ khâu chế biến.

“Hiện cả nước chỉ có 145 doanh nghiệp chế biến rau quả, chiếm 2,19% trong số các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công suất trung bình đạt 830.000 tấn/22 triệu sản lượng quả mỗi năm, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới như Phillipinese (28%), Thái Lan (30%), Mỹ (65%), Brazil và Pháp (70%), Malaysia (80%)” – ông Sơn cho hay.

Rau quả lần đầu xuất siêu gần 2 tỷ USD ảnh 2 Rau quả sạch được giới thiệu đến du khách

Ông Nguyễn Bá Vinh - giám đốc công ty TNHH DV-QC Minh Vi chia sẻ, ngành rau quả trong những năm qua là một điểm sáng của Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, thách thức khá lớn vì 70% xuất khẩu tiểu ngạch. Để xuất khẩu vào các thị trường khó tính, bản thân ngành sản xuất và chế biến rau quả phải có nhiều bước cải tiến sản xuất và công nghệ chế biến để đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ ngày 14-16/3, tại TPHCM diễn ra 2 cuộc triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Công nghệ sản xuất và chế biến hoa, rau, quả (HortEx Vietnam 2018) và Triển lãm quốc tế lần thứ nhất về máy, thiết bị và kỹ thuật nông nghiệp (Agri Machinery & Tech Vietnam 2018). Triển lãm thu hút sự tham gia trưng bày của hơn 100 doanh nghiệp quốc tế tham đến từ 35 quốc gia, vùng lãnh thổ, như: Việt Nam, Pháp, Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…

MỚI - NÓNG