Sau 2 vụ rơi máy bay: Việt Nam tạm dừng cấp phép tàu bay 737 MAX

TP - Dự kiến tháng 10 tới, một hãng hàng không của Việt Nam sẽ nhận chiếc đầu tiên trong lô 100 máy bay Boeing 737 MAX. Trong khi đó, hiện một số quốc gia đã tạm dừng khai thác dòng máy bay này sau tai nạn máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines. PV trao đổi với ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT).

Ông Cường cho biết: tất cả tàu bay thuê hoặc mua về Việt Nam dù của cá nhân hay tổ chức phải được Cục Hàng không cấp hoặc công nhận chứng chỉ loại tàu bay. Sau đó mới tới cấp phép khai thác cho từng tàu bay cụ thể (trường hợp máy bay mua mới sẽ được cấp quốc tịch). Việc đánh giá để cấp chứng chỉ loại tàu bay của Việt Nam dựa trên đánh giá an toàn được phê chuẩn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), hoặc nhà chức trách hàng không châu Âu.

Do nước ta chưa đủ năng lực đánh giá cụ thể từ thiết kế, chế tạo, tới thử nghiệm, khai thác, cấp phép xuất khẩu tàu bay, nên có quy trình công nhận phê chuẩn của cơ quan chức năng quốc gia có hãng chế tạo máy bay. Đồng thời, đơn vị thuê, mua tàu bay, nhà sản xuất tàu bay phải nộp hồ sơ tới Cục Hàng không để được đánh giá, cấp chứng chỉ. Quy trình này thực hiện theo các khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và tương tự các quốc gia thành viên khác.

Sau 2 vụ rơi máy bay: Việt Nam tạm dừng cấp phép tàu bay 737 MAX ảnh 1 Ông Võ Huy Cường
- Một máy bay khi sản xuất đều đáp ứng các tiêu chuẩn khai thác, được thế giới thừa nhận. Việc Cục Hàng không tạm dừng xem xét cấp chứng chỉ loại tàu bay Boeing 737 MAX của Vietjet đặt mua có phù hợp không và sẽ kéo dài bao lâu, thưa ông?

Với nhà sản xuất Boeing, hiện các hãng hàng không của Việt Nam chỉ khai thác một số dòng như B767, 777, 787-9. Với dòng B737, trước năm 1995 có một số máy bay được khai thác, còn riêng loại B737 MAX hiện chưa có hãng nào khai thác. Vietjet đã ký hợp đồng mua một số máy bay B737 MAX, chiếc đầu tiên dự kiến về trong tháng 10 tới.

Dù máy bay B737 MAX của Vietjet chưa được bàn giao, nhưng hợp đồng đã có và kế hoạch chuẩn bị nhận, nên Cục Hàng không đã tiến hành các bước chuẩn bị đánh giá. Thời gian qua, Cục đã chuẩn bị về nhân lực, tìm hiểu thông tin để thực hiện kiểm tra, đánh giá khi tàu bay về và giám sát trong quá trình khai thác sau này. Vietjet cũng báo cáo Cục về việc nhận tàu bay B737, tuy nhiên nhà sản xuất Boeing chưa cung cấp hồ sơ công nhận loại sang Việt Nam. Nên thực tế các bước xem xét, đánh giá cấp chứng chỉ loại cho tàu bay B737 MAX vẫn chưa được tiến hành. Do đó, nếu Boeing và Vietjet có nộp đủ hồ sơ, Cục Hàng không cũng tạm dừng xem xét, đánh giá, đợi kết quả điều tra nguyên nhân tai nạn vừa rồi. 

Sau 2 vụ rơi máy bay: Việt Nam tạm dừng cấp phép tàu bay 737 MAX ảnh 2 Hiện các hãng hàng không Việt Nam chưa khai thác dòng máy bay B737 MAX
 Ảnh minh họa: Phạm Thanh

Sau khi tai nạn máy bay B737 MAX của Hãng hàng không Ethiopian Airlines xảy ra, chúng tôi đang theo sát diễn biến vụ việc và thông tin từ phía FAA, nhà chức trách hàng không châu Âu, cũng như các nhà chức trách hàng không quốc gia khác, kể cả ICAO. Khi các nhà chức trách hàng không này, đặc biệt FAA và châu Âu có quan điểm cụ thể, đánh giá, kết luận về nguyên nhân tai nạn, tính an toàn của dòng máy bay B737 MAX, chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá để cấp phép cho nhập về Việt Nam khai thác. Thời gian tạm dừng tới khi nào hiện cũng không có quy định. Cục đã trao đổi với Vietjet vấn đề này.

Trường hợp điều tra nguyên nhân tai nạn máy bay vừa qua mất 1-2 năm, các nhà chức trách hàng không châu Âu hay Mỹ không đưa ra khuyến cáo gì trong thời gian đó, liệu kế hoạch cấp phép và nhận máy bay B737 MAX vào tháng 10 tới của Vietjet sẽ ra sao?

Quá trình đánh giá, cấp phép mỗi tàu bay là quá trình dài. Hiện phía Mỹ và Boeing vẫn khẳng định, chưa có bằng chứng nào về sự liên quan của các tai nạn vừa qua tới chất lượng, an toàn của dòng máy bay B737 MAX. Mỹ đang khai thác 74 máy bay B737 Max và cũng chưa quyết định đình chỉ khai thác. Một số quốc gia tạm dừng khai thác cũng chưa nói lên điều gì, vì theo thông lệ mỗi quốc gia cấp quốc tịch cho tàu bay đều có quyền đưa ra quyết định dừng khai thác tàu bay, khi họ thấy có vấn đề cần thêm thời gian để kiểm chứng, xác minh. Trường hợp một quốc gia cấp quốc tịch quyết định dừng khai thác một loại tàu bay nào đó, nếu tàu bay đó đang được Việt Nam thuê ướt (thuê cả tổ bay, hậu cần kỹ thuật - PV) cũng phải dừng khai thác.

Sau sự cố tai nạn máy bay B737 MAX, các bước cũng tiến hành như các sự cố hàng không khác. Khi có khuyến cáo, quan ngại về an toàn, cơ quan hàng không các nước và Việt Nam đều đặc biệt quan tâm, tìm hiểu thông tin từ nguồn chính thống để đưa ra quyết định.

Theo Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường, trường hợp máy bay thuê khô (không bao gồm tổ bay, dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng, bảo hiểm đi kèm), hoặc mua rồi bán và cho thuê lại, máy bay sẽ phải trải qua các quá trình đánh giá, cấp phép như tàu bay mới. Việt Nam công nhận và cấp quốc tịch.

Trường hợp máy bay thuê ướt (bao gồm tổ bay và tất cả dịch vụ đi kèm), việc kiểm tra, đánh giá và cấp phép do quốc gia cấp quốc tịch cho tàu bay đó thực hiện. Khi về Việt Nam, Cục Hàng không sẽ phối hợp với quốc gia cấp quốc tịch kiểm tra, đánh giá lại trước khi cấp phép cho nhập về Việt Nam khai thác. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.