SCIC: Làm gì khi Nhà nước là một... cổ đông?

SCIC đang cố gắng hỗ trợ tối đa doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hoá tìm được những nhà đầu tư ngoại lý tưởng
SCIC đang cố gắng hỗ trợ tối đa doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hoá tìm được những nhà đầu tư ngoại lý tưởng
TP - Lo thoái vốn, quản trị, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có năng lực để tiếp tục phát triển trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, đó là một trong những mục tiêu Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xác định phải làm “ngon” thời gian qua và sắp tới. Đặc biệt khi Nhà nước sẽ là một như nhiều cổ đông khác. 

Thoái vốn: Muốn bán tốt phải hiểu thị trường 

Tại Hội nghị về Người đại diện vừa tổ chức trung tuần tháng 9 tại Đà Nẵng, ban lãnh đạo SCIC một lần nữa tái khẳng định: Công tác thoái vốn nhà nước được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của SCIC trong giai đoạn hiện nay. Tuy bối cảnh thị trường không thuận lợi nhưng người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC trên thực tế đã phối hợp rất tốt với Tổng công ty xử lý các tồn tại, hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ bán vốn, giới thiệu nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để bán vốn thành công. 

Đơn cử: Năm 2017, Tổng công ty đã thực hiện bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 36 doanh nghiệp) với giá vốn 424 tỷ đồng, giá trị thu được là 932 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần giá vốn. Đặc biệt, Tổng công ty đã thực hiện thoái vốn thành công 3,33% số cổ phần tại Vinamilk với mức giá bình quân 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần, thu về 8.990 tỷ đồng, chênh lệch trên 8.700 tỷ đồng; tháng 3/2018 bán vốn thành công tại CTCP Nhựa Bình Minh thu về 2.330 tỷ đồng, giá vốn 145 tỷ đồng, chênh lệch 2.185 tỷ đồng. Kết quả đó phản ánh nỗ lực của SCIC và người đại diện trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao đồng thời với việc triển khai kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty.

“Công cuộc cải cách DNNN đang tiến hành, Hội nghị T.Ư 5 có nghị quyết 13 về DNNN và tái cấu trúc DNNN khẳng định: tái cấu trúc mạnh mẽ và cải cách theo hướng cổ phần đa sở hữu. Rất ít ngành nghề Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Như vậy, vốn Nhà nước sẽ được đa sở hữu (CPH, IPO), khi DNNN trở thành đa sở hữu, Nhà nước là một cổ đông như nhiều cổ đông, thì quy mô vốn được quản lý thông qua người đại diện sẽ là rất lớn và công tác đại diện vốn nhà nước cần được chú trọng hơn”.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC 

Cũng theo SCIC, trong công tác tổ chức đại hội cổ đông, năm qua, Người đại diện chủ động làm việc trước với Tổng công ty về các nội dung đại hội cổ đông như xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, cơ cấu nhân sự, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, xử lý các tồn tại...; báo cáo và gửi đủ tài liệu đại hội cổ đông cho Tổng công ty để có đề xuất, nghiên cứu có ý kiến tại đại hội cổ đông. Cùng với Tổng công ty, người đại diện tại doanh nghiệp đã góp phần quan trọng, đảm bảo lợi ích của cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp một cách trách nhiệm.

M&A - Làm gì để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Với mục tiêu cung cấp thêm kiến thức và kinh nghiệm về hình thức M&A thu hút nhà đầu tư chiến lược, cũng trong khuôn khổ hội nghị về Người đại diện vốn, SCIC đã tổ chức Hội thảo “M&A, một số vấn đề doanh nghiệp cần chuẩn bị để thu hút nhà đầu tư chiến lược”. 

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả có tên tuổi đến từ các tổ chức lớn như: Vietnam Holding, Lee&Ko,Warburg Pincus. Nội dung tập trung vào các việc cập nhật các vấn đề pháp lý mà nhà đầu tư và doanh nghiệp cần lưu tâm, xác lập chiến lược M&A và cách thức tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp thông qua M&A, hiện thực hóa tiềm năng đầu tư tại các doanh nghiệp thông qua các giao dịch M&A, đồng thời trao đổi về triển vọng M&A tại thị trường Việt Nam và sức hút của doanh nghiệp Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
SCIC: Làm gì khi Nhà nước là một... cổ đông? ảnh 1 Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC 

Luật sư Sung Mee Hong, thành viên phụ trách nghiệp vụ M&A, Công ty Luật Lee & Ko (Hàn Quốc), Nghị định 126/2017/NĐ-CP (về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN), công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn thành công ty cổ phần), khoản ký quỹ mà NĐTCL được yêu cầu thực hiện tăng từ 10% lên 20% tổng giá trị cổ phần được đăng ký theo quy định cổ phần hóa. Tỷ lệ này là quá cao so với hầu hết các giao dịch M&A quốc tế. Cũng theo bà này, hiện Nghị định 126 quy định: chỉ có DNNN mà Nhà nước tiếp tục nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ (sau cổ phần hóa) mới được quyền chào bán cổ phiếu của mình cho các NĐTCL và ít nhất 20% số cổ phần trong 1 DNNN được cổ phần hóa phải được bán thông qua hình thức công khai. Và, 1 NĐTCL không được nắm giữ hơn 30%. “Đây là tỷ lệ cổ phần quá thấp. Hầu hết các NĐTCL của Hàn Quốc, đặc biệt là NĐTCL hoạt động cùng ngành đều mong muốn có được quyền cổ đông đa số”, bà Sung Mee Hong nói.

Để hấp dẫn NĐT thì DN phải tốt. Vậy DN tốt là như thế nào? Ông Vũ Quang Thịnh, Tổng Giám đốc Dynam Capital, Nhà quản lý quỹ Vietnam Holding chia sẻ: có 3 lý do mặc định NĐT có thể nghĩ đến khi đầu tư vào một DNNN cổ phần hóa: DNNN có thể có lợi thế thương mại; DNNN có thể có tài sản mang giá trị “tiềm ẩn”; DNNN có thể được cải tiến nâng cao năng suất lao động. “Bán được giá cao để thu hồi vốn cho Nhà nước và tăng được vốn cho DN là tốt nhưng bán giá cao để NĐT phải ghi lỗ trong thời gian dài hoặc không thể đồng hành dài hạn được thì cũng không tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn”, ông Thịnh giải thích thêm.

Cũng theo ông Thịnh, để thực hiện một thương vụ M & A, chi phí là rất đắt: phải thuê luật sư cả trăm ngàn USD, kiểm toán trăm ngàn USD, thuê tư vấn M &A rẻ thì 2% đắt thì 8%... Như vậy, giá để mua 1 cổ phần là đắt. Vậy, DN phải làm gì?. “DN cần phải cởi mở mà minh bạch nếu muốn bán, nên tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, roadshow và tất nhiên, lõi là phải hoạt động tốt”, ông Thịnh chia sẻ thêm.

SCIC hỗ trợ tối đa DN

Nhìn nhận về thực trạng danh mục SCIC từ góc nhìn M&A, ông Lê Thanh Tuấn, Trưởng Ban Đầu tư 4 (SCIC), cho biết, các DN SCIC sở hữu trên 25% thường là mục tiêu M&A của NĐT, bởi với việc nắm giữ tỷ lệ này, NĐT có thể có sức ảnh hưởng chi phối đến chiến lược, định hướng của DN. Những DN có thị phần đáng kể dễ tìm kiếm NĐTCL hơn. 

Còn với các DN nhỏ, theo ông Tuấn, chủ yếu là NĐT tài chính tìm đến bởi họ nhắm vào tài sản của DN là đất. Đối với DN mua quyền sử dụng đất thì giá bán có thể cao hơn nhiều so với giá khởi điểm với kỳ vọng là có thể đầu tư cao ốc ở khu vực đó. Ví dụ như Khách sạn Kim Liên có giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần nhưng giá bán thành công 274.200 đồng/cổ phần hay CTCP Xuất nhập khẩu văn hóa phẩm có giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phần nhưng giá bán thành công 255.000 đồng/cổ phần. 

SCIC: Làm gì khi Nhà nước là một... cổ đông? ảnh 2 Dược Hậu Giang - Một trong những DN làm ăn hiệu quả và SCIC đang đại diện phần vốn đại diện Nhà nước tại đây 

Nhắc tới những yếu tố làm một công ty trở thành mục tiêu M & A hấp dẫn, ông Tuấn  lưu ý, DN có lợi thế sản xuất nhưng tiềm năng dưới ngưỡng trung bình; công ty chưa phải đại chúng có nợ vay nhiều và công ty đại chúng vay nợ ít… cũng là mục tiêu của M & A .

Trong trường hợp nào DN nên quyết định tăng trưởng bằng M&A thay vì tự đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất? Theo ông Peter Meyer, Tổng Giám đốc Lodgis (công ty liên doanh giữa Warburg Pincus và VinaCapital, chuyên đầu tư nhà hàng, khách sạn), trong ngành khách sạn mua lại thương hiệu là cách thức nhanh chóng để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. M&A sẽ nhanh hơn tăng trưởng tự nhiên. Nhưng M&A có thách thức khó khăn trong văn hóa, quản trị riêng nên không có nghĩa cứ thực hiện M&A là cách nhanh nhất để phát triển.

MỚI - NÓNG