Sẽ cải cách toàn diện chính sách bảo hiểm xã hội

Cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
TP - Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đang diễn ra, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được đưa ra bàn thảo quyết định. Nếu Đề án được thông qua, dự kiến từ năm 2021, chính sách BHXH sẽ có những thay đổi quan trọng.

Động lực cho phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một số ý kiến gợi mở, nêu vấn đề, để hội nghị thảo luận, xem xét, quyết định về cải cách chính sách BHXH. Theo Tổng Bí thư, BHXH là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm về chính trị - kinh tế - xã hội. BHXH có lịch sử phát triển lâu dài trên thế giới, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và phản ánh trình độ phát triển, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở mỗi nước. Ở nước ta, BHXH bắt đầu thực hiện từ năm 1961, nhưng chỉ thực sự bắt đầu đổi mới, phát triển đầy đủ, phù hợp hơn với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế từ năm 1995 đến nay.

Thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với các ban Đảng và các cơ quan có liên quan tổng kết lý luận và thực tiễn về phát triển BHXH ở nước ta. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án trình Trung ương tại Hội nghị lần này với mong muốn ban hành được một nghị quyết chuyên đề của Trung ương. Để từ đó lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực BHXH ở Việt Nam thực sự trở thành một động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước và thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

“Đề nghị Trung ương bám sát vào Đề án và Tờ trình của Bộ Chính trị, căn cứ vào thực tiễn triển khai thực hiện để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thống nhất nhận định về tình hình phát triển lĩnh vực BHXH ở nước ta. Đồng thời, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Đặc biệt, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thành công, chưa thành công trong lĩnh vực này”, Tổng Bí thư nói. Theo Tổng Bí thư, phải chăng nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém do: Nhận thức, tư duy lý luận và thể chế về BHXH còn chậm đổi mới, hoàn thiện; hệ thống luật pháp, chính sách, bộ máy tổ chức, cán bộ đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; số lượng lao động làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động còn lớn, dựa chủ yếu vào tiết kiệm của bản thân và mạng lưới an sinh gia đình truyền thống trong khi thu nhập còn thấp, không ổn định, áp lực chi tiêu trước mắt còn lớn; xuất phát điểm còn thấp, sự phát triển của nền kinh tế và thu chi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn?...

Cải cách hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ tổng kết thực tiễn và sự phân tích, dự báo một cách khoa học, với tầm nhìn xa tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân trong trung và dài hạn, Trung ương cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách BHXH trong thời gian tới. Tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính BHXH trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu... Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đồng thời, căn cứ vào phạm vi, tính chất, mức độ đổi mới trong nội dung Đề án, tính đồng bộ với Đề án cải cách chính sách tiền lương và tạo sự đồng thuận xã hội giữa người đang làm việc và người đã nghỉ hưu để thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết của Trung ương về cải cách hay chỉ là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Trong buổi sáng 7/5, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về Đề án Cải cách chính sách BHXH.

Trả lời báo chí, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH, thành viên tổ soạn thảo) cho biết, Đề án cải cách chính sách BHXH đã nêu lên 8 yếu tố đột phá nhằm phúc đáp quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân. Theo đó, Đề án thiết kế hệ thống BHXH đa tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng BHXH do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua.

Cùng đó, ông Giang cho rằng, Đề án đặt giải pháp tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng BHXH một lần; thiết kế lại các tham số BHXH để đảm bảo đạt mục tiêu bền vững tài chính của các Quỹ BHXH thành phần; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu. “Với lộ trình dự kiến bắt đầu cải cách BHXH vào năm 2021, Ban soạn thảo Đề án cho rằng không thể chậm trễ hơn để bắt tay vào thực hiện các đề xuất trên, vì quỹ thời gian cần thiết để kịp thời thể chế hóa và chuẩn bị các điều kiện thiết yếu không còn nhiều”, ông Giang nói.

“Quan điểm của BHXH Việt Nam khi tham gia xây dụng Đề án cải cách chính sách BHXH, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc trên nhiều yếu tố. Trong đó có tuổi thọ của người Việt, điều kiện kinh tế - xã hội, nhân lực, năng suất lao động, bình đẳng giới, cân đối Quỹ BHXH… Các cơ quan đang trong quá trình thảo luận, xem xét trên nhiều yếu tố, không chỉ xem xét tăng tuổi nghỉ hưu dựa trên yếu tố cân đối quỹ hưu trí”.

Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

MỚI - NÓNG