Tăng tốc cho cao tốc Bắc - Nam: Vẫn dự phòng phương án đầu tư BOT

Cao tốc Bắc Nam, đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình
Cao tốc Bắc Nam, đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình
TP - Lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải khẳng định, quan điểm của Bộ vẫn là đấu thầu chọn nhà thầu nếu các dự án cao tốc Bắc - Nam được chuyển sang đầu tư công. Về mặt bằng, đảm bảo trong tháng 6 sẽ xong cơ bản, đủ điều kiện để khởi công ngay sau đấu thầu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật (phụ trách tổng thể dự án cao tốc Bắc - Nam), cho biết, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được các địa phương tập trung giải quyết và đạt tiến độ rất tốt. Chưa đầy 1 năm, hơn 70% mặt bằng tuyến cao tốc đã được thu hồi. Tháng 6 sẽ cơ bản xong mặt bằng, với các đoạn đủ dài để nhà thầu thi công, diện tích còn lại sẽ cơ bản xong vào quý III. Phần mặt bằng vướng mắc còn lại, theo ông Nhật, chủ yếu liên quan xác định nguồn gốc đất của các hộ dân, và di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, viễn thông, nước). Phần hạ tầng kỹ thuật bị kéo dài do liên quan thủ tục mất nhiều thời gian, nhưng không quá phức tạp. Về nguồn gốc đất ở, cũng có quy định cụ thể và cơ chế xử lý, các địa phương, theo đó áp dụng để giải quyết, nhưng cần thời gian làm cẩn thận, đúng thủ tục, đảm bảo quyền lợi người dân.

Một số trường hợp có thể phát sinh ý kiến người dân, như đất không có giấy tờ, làm nhà ở trên đất nông nghiệp, nhiều gia đình sống trên cùng mảnh đất, chung hộ khẩu… Theo lãnh đạo Bộ GTVT, các quy định hiện hành đều có hướng xử lý. Trường hợp nhà làm không phép trên đất nông nghiệp vẫn được ưu tiên suất tái định cư; người dân được ghi nợ và trả dần tiền mua nhà tái định cư nếu khó khăn.

Ông Nhật khẳng định, nếu 8 dự án cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội đồng ý chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công, Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm đấu thầu chọn nhà thầu, thay vì chỉ định thầu. Bộ GTVT đang song song thực hiện công việc cho cả đấu thầu tìm nhà đầu tư BOT và đấu thầu chọn nhà thầu nếu đầu tư công. Nếu Quốc hội đồng ý cho chuyển sang đầu tư công, Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ GTVT sẽ lập tức phát hành hồ sơ mời thầu, chọn xong nhà thầu và khởi công trong tháng 8.

Sẵn sàng thủ tục

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, với 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam, cơ quan này đã đề ra kế hoạch chi tiết triển khai, các bước thủ tục tiếp tục được hoàn thiện trong khi chờ Quốc hội quyết định có chuyển sang đầu tư công hay không. Nếu được Quốc hội đồng ý trong tháng 5 này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để triển khai khởi công trong tháng 8 hoặc tháng 9.

Bộ GTVT đã thực hiện một số bước phê duyệt thủ tục, với điều kiện các quyết định này chỉ có hiệu lực khi Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép chuyển sang đầu tư công, gồm phê duyệt điều chỉnh dự án theo hình thức đầu tư công, phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Bộ GTVT cũng đặt thời hạn về một số thủ tục khác nếu chuyển sang đầu tư công, như trước 25/5 sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu, dự thảo quyết định phê duyệt; dự kiến phê duyệt chính thức từ ngày 1-10/6 khi có nghị quyết của Quốc hội.

Với phần đấu thầu chọn nhà thầu, trước ngày 25/5, hồ sơ mời thầu sẽ được phê duyệt. Sau khi Quốc hội đồng ý, Bộ GTVT sẽ phê duyệt chính thức hồ sơ mời thầu từ ngày 10 đến 20/6. Sau đó, các ban quản lý dự án phải hoàn thành đấu thầu chọn được nhà thầu trước ngày 20/7; Bộ GTVT tổ chức thẩm định và phê duyệt kết quả trúng thầu trước ngày 10/8 để khởi công ngay.

Song song với các thủ tục chuyển đổi đầu tư công, Bộ GTVT vẫn triển khai các bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư BOT. Trường hợp Quốc hội không đồng ý chuyển đổi đầu tư công, các dự án sẽ vẫn đấu thầu làm BOT theo kế hoạch.

Với tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án về chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công. Phương án 1 là chuyển cả 8 dự án BOT sang đầu tư công. Tổng mức đầu tư 8 dự án thành phần là 74.625 tỷ đồng, đã bố trí 30.132 tỷ đồng, cần bổ sung 44.493 tỷ đồng. Ưu điểm là có thể thực hiện nhanh các dự án, giải ngân nhanh; nhược điểm là nguồn vốn nhà nước cần bố trí lớn.

Phương án 2 là chuyển đầu tư công 3/8 đoạn cấp bách (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây), kinh phí đầu tư khoảng 29.497 tỷ đồng (đã bố trí 635 tỷ đồng). Còn lại 5/8 đoạn vẫn đầu tư BOT, phần vốn nhà nước tham gia là 20.877 tỷ đồng, đã bố trí 635 tỷ đồng, cần bổ sung 20.242 tỷ đồng. Ưu điểm là vốn nhà nước cần bổ sung thấp, nhưng 5 dự án tiếp tục đầu tư BOT có rủi ro về lựa chọn nhà đầu tư, huy động vốn tín dụng, chưa xác định được chính xác thời điểm hoàn thành.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.