Taxi Hà Nội sẽ chung phần mềm, đồng màu

Taxi đón khách trước cửa ga Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Taxi đón khách trước cửa ga Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Theo Sở GTVT Hà Nội quản lý kinh doanh vận tải  hành khách bằng taxi có nhiều điểm mới. Nếu doanh nghiệp không thay đổi cách thức hoạt động sẽ ngày càng thiệt thòi trong cạnh tranh.

Không “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Trao đổi tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 29/8 về Quy chế quản lý kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, mục tiêu của quy chế là tạo một sân chơi minh bạch, công bằng cho tất cả các hãng. Vì thế, quy chế đặt ra các vấn đề về đấu thầu quyền khai thác kinh doanh, dùng phần mềm quản lý chung, tất cả các xe taxi phải có chung màu sơn... Liên quan đến đấu thầu quyền khai thác kinh doanh bị nhiều doanh nghiệp phản đối vì lo ngại mất cạnh tranh, nảy sinh cơ chế xin cho, ông Quang cho biết, phát triển taxi mới hàng năm đều phải đấu giá quyền khai thác kinh doanh lượng taxi mới kể cả số lượng xe phát triển theo quy hoạch hàng năm và số taxi hết thời hạn sử dụng (8 năm từ ngày sản xuất) sẽ được đấu thầu cấp mới. “Sẽ có các cơ quan khác tham gia vào quá trình đấu thầu, đấu giá là Sở Tư pháp, Công an thành phố Hà Nội, chúng tôi không phải vừa đá bóng vừa thổi còi”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng cho rằng, việc dùng chung phần mềm điều hành là xu hướng tất yếu khi khoa học công nghệ phát triển nhanh. Nếu taxi vẫn vận hành theo hình thức cũ sẽ không ổn. Hiện, phần mềm gọi khách chung lãnh đạo Thành phố đã giao cho Sở KHCN và Sở GTVT phối hợp triển khai. “Doanh nghiệp và người dùng phải chia sẻ với nhau. Nếu chỉ kinh doanh cục bộ thì không thể vươn tầm sản xuất kinh doanh theo công nghệ mới, chất lượng ngày càng đi xuống. Gọi xe 30 phút không có, các doanh nghiệp đang hoạt động như thế, chất lượng cung ứng dịch vụ đang bất cập, thấp so với Uber, Grab. Chúng tôi không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng nếu không chia sẻ thì tất cả đều đi xuống”, ông Quang nói. Liên quan đến Uber, Grab, ông Quang cho biết, đề án quản lý chưa đề cập vì đây là loại hình vận tải hành khách mới, đang được Chính phủ cho phép thí điểm từ 2016 đến hết tháng 1/2018, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm, xem xét cho hoạt động.

Có “sàn giao dịch” của taxi

Chia sẻ thêm về trung tâm điều hành taxi nói đến trong quy chế, ông Quang cho biết, đây không phải cơ quan quản lý nhà nước “đẻ” ra mà do các doanh nghiệp kinh doanh tự thành lập để giao dịch. “Ai muốn chơi thì vào đó. Đưa tên hãng, công nghệ, giá thành lên đó”, ông Quang nói. Theo đó, cùng là taxi nhưng không hề có một giá chung mà tùy vào các hãng, có thể lên cao, xuống thấp, có thể giá sẽ biến đổi theo giờ cao điểm, giờ thấp điểm. “Đó là quyền của các doanh nghiệp khi đã lên sàn”, ông Quang giải thích thêm và cho biết, định hướng như thế để taxi truyền thống của Hà Nội vẫn có thể tồn tại được. Tuy nhiên, có một khó khăn khi có đơn vị là chủ hãng taxi, điều hành và sở hữu các xe nhưng cũng có hãng chỉ điều hành mà không sở hữu xe nên rất khó tham gia. “Đây là những vấn đề rất nóng bỏng của taxi khi Uber, Grab đang lấn át hoạt động của taxi truyền thống”, ông Quang nói.

Về vấn đề taxi thành phố phải sơn cùng màu, ông Quang lý giải, hiện nay, gần 80 hãng taxi thì có từng ấy màu khác nhau, chưa kể các taxi tỉnh ngoài đi vào. “Chúng ta phải quy hoạch lại để có hình ảnh, vận hành, quản lý hướng tới văn minh, hiện đại. Không lo sợ doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trộn lẫn với doanh nghiệp nhỏ, làm ăn kém vì vẫn nhận diện được bằng biểu trưng, lô gô của từng hãng”, ông Quang nói và cho biết, quy chế này không phải ngày một, ngày hai sẽ áp dụng mà có lộ trình trong 5 – 10 năm nữa. “Năm sau chúng tôi sẽ ra màu sơn mẫu để xin ý kiến các doanh nghiệp, cộng đồng người dân”, ông Quang nói.

Liên quan đến màu sơn, ông Quang cho biết, đó cũng là một tiêu chí để sau này phân biệt, hạn chế taxi nội thành, ngoại thành và taxi ngoại tỉnh vào Hà Nội. Theo ông Quang, hiện taxi đăng ký hoạt động ở Hà Nội muốn chạy đâu cũng được, có những khu vực quá đông, trong khi có những chỗ cần lại không có. Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh ngoài đăng ký chi nhánh ở Hà Nội cũng hoạt động... Khi quy chế có hiệu lực, các doanh nghiệp phải báo cáo phương án kinh doanh để cơ quan quản lý nhà nước nắm con số thật, biết vùng nào quá lớn, vùng nào chưa hoạt động để điều tiết phù hợp. “Việc này cũng để các doanh nghiệp tính lại hoạt động của mình, đừng tranh cướp, đấu đá nhau bằng những thủ đoạn không được đẹp”, ông Quang nói.

“Năm sau chúng tôi sẽ ra màu sơn mẫu để xin ý kiến các doanh nghiệp, cộng đồng người dân. Cũng chưa chốt là một hay hai màu sơn mà đến 2025 mới tính việc đó”

                Ông Hà Huy Quang

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.