Thêm một doanh nghiệp phải cầu cứu Thủ tướng

Khu đất đang kinh doanh của Công ty Tấn Đạt Phát tại Amata Biên Hòa. Ảnh: PV
Khu đất đang kinh doanh của Công ty Tấn Đạt Phát tại Amata Biên Hòa. Ảnh: PV
TP - Kêu gọi các doanh nghiệp vào làm ăn tại Khu thương mại Amata Biên Hòa, nhưng khi khách hàng gặp khó, chủ đầu tư không những để cho “thượng đế” sống dở chết dở mà còn đòi thêm nhiều yêu sách. Mới đây doanh nghiệp này phải cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ.  

“Chết lâm sàng” khi đầu tư vào Amata Biên Hòa

Ông Trần Tấn Phát - Giám đốc Công ty TNHH ô tô Tấn Đạt Phát (Công ty Tấn Đạt Phát) vừa đến báo Tiền Phong “kêu cứu” vì chuyện đầu tư vào Công ty cổ phần đô thị Biên Hòa (Amata Biên Hòa). Theo ông Phát trình bày, năm 2010.

Công ty Tấn Đạt Phát đã tiên phong thuê đất của Công ty cổ phần đô thị Amata Việt Nam (nay là Amata Biên Hòa) để đầu tư sản xuất kinh doanh tại khu thương mại Amata (phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai): “Những năm đầu khi Amata Biên Hòa kêu gọi đầu tư, không doanh nghiệp nào nhảy vào, chính tôi phải vào đầu tiên như là cứu cánh cho họ, bởi nếu trong thời hạn nhất định mà Amata không ai vào đầu tư thì dự án này sẽ bị thu hồi” - ông Phát kể lại. 

Sau khi Công ty Tấn Đạt Phát vào đầu tư, đơn vị này được Sở Xây dựng Đồng Nai cấp giấy phép xây dựng và đến ngày 11/10/2011 thì Sở TN&MT Đồng Nai cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Hoàn tất thủ tục, Công ty Tấn Đạt Phát đã đầu tư xây dựng các công trình trên đất bao gồm phòng trưng bày và xưởng sửa chữa ô tô với giá trị hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Tấn Đạt Phát cũng đã trả 100% giá trị hợp đồng thuê đất cho Amata Biên Hòa, bao gồm thuế và lãi trả chậm, tiền đất thô và các khoản phí… Tổng đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do Amata Biên Hòa chưa nộp thuế một lần cho tổng diện tích 8.420m2 cho Công ty Tấn Đạt Phát thuê nên Sở TN&MT Đồng Nai ban hành quyết định thu hồi GCN sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất. Sau đó, Amata Biên Hòa nộp thuế một lần cho Nhà nước và đã tiến hành ký lại với Công ty Tấn Đạt Phát hợp đồng thuê đất với thỏa thuận nêu: “Amata Biên Hòa đồng ý thực hiện thủ tục xin cấp GCN quyền sử dụng cho Tấn Đạt Phát trong vòng 30 ngày”. Thế nhưng, khi Sở TN&MT Đồng Nai cấp lại GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhưng chỉ cấp nội dung sở hữu tài sản trên thửa đất thuê của Amata Biên Hòa, không chứng nhận quyền sử dụng phần diện tích 8.420 m2 đất mà Công ty Tấn Đạt Phát thuê.

“Như vậy chúng tôi đã đầu tư gần 200 tỷ đồng nhưng không được chứng nhận quyền thuê đất, không được thế chấp ngân hàng, ảnh hưởng rất lớn tới việc vay vốn đầu tư phát triển kinh doanh” - ông Trần Tấn Phát “than”.

Thêm một doanh nghiệp phải cầu cứu Thủ tướng ảnh 1 Khu đất đang kinh doanh của Công ty Tấn Đạt Phát tại Amata Biên Hòa. Ảnh: PV

Cầu cứu Thủ tướng

Dù là đầu tư vào Amata Biên Hòa, nhưng khi gặp khó thì Công ty Tấn Đạt Phát phải “chạy đôn, chạy đáo” tự mình tìm cách tháo gỡ. Chẳng đặng đừng, ông Trần Tấn Phát gởi đơn cầu cứu Thủ tướng. 

Trong đơn ông Phát nêu tình hình khó khăn của mình và đề ra hai phương án tháo gỡ vướng mắc. Đó là mong Nhà nước cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Tấn Đạt Phát và đề nghị Amata Biên Hòa thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê cho Công ty Tấn Đạt Phát. Trên cơ sở đó thì Sở TN&MT cấp GCN quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản cho công ty ông. 

Ngày 16/10/2017, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có văn bản gởi Bộ TN&MT xem xét giải quyết đơn của Công ty Tấn Đạt Phát, đề nghị Bộ xem xét, xử lý và trả lời theo thẩm quyền, đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 9800/VPCP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp… Đến ngày 22/2/2018, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản gởi UBND tỉnh Đồng Nai xem xét giải quyết đơn kiến nghị cho Công ty Tấn Đạt Phát. Thực hiện ý kiến của chỉ đạo của Thủ tướng từ truyền đạt của Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Đồng Nai cùng sở ngành vào cuộc rốt ráo giải quyết, yêu cầu cấp GCN quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản cho Công ty Tấn Đạt Phát. Tuy nhiên, đến nay phía Amata Biên Hòa vẫn bình chân như vại với lý do “đã hoàn thành nghĩa vụ của bên cho thuê đối với Công ty Tấn Đạt Phát”.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã nắm được vụ việc và đang chỉ đạo các sở ngành ngồi lại cùng gỡ vướng cho doanh nghiệp. “Đồng Nai đang nỗ lực và trải thảm để mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn tại đây, những trục trặc này chúng tôi sẽ chỉ đạo giải quyết sớm”- lãnh đạo tỉnh này khẳng định. 

Trong khi đó, đại diện phía Amata Biên Hoà cho biết, trươc đây, Ban hành động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã chủ trì họp với sự tham dự của Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, Sở KH&ĐT, TN&MT, Xây dựng, Thuế cùng đại diện Amata Biên Hòa và Công ty Tấn Đạt Phát. Tại cuộc họp này đã thống nhất theo 2 phương án, cụ thể: một là Công ty Amata Biên Hòa chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Tấn Đạt Phát hoặc thay đổi nội dung trong giấy phép đầu tư. Hai là đề xuất cho Công ty Tấn Đạt Phát được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như các doanh nghiệp đóng tiền thuê đất một lần cho 50 năm.

Thế nhưng, khi mọi chuyện tưởng chừng ổn thỏa thì bất ngờ ngày 2/7/2018 Amata Biên Hòa gửi văn bản ông Trần Tấn Phát cho rằng ngoài tiền thuê đất theo hợp đồng thì Công ty Tấn Đạt Phát phải trả cho Amata Biên Hòa thêm 54 tỷ đồng thì Amata Biên Hòa mới chấp chuyển nhượng một phần hợp đồng thuê đất cho Công ty Tấn Đạt Phát! Quá thất vọng với đòi hỏi của Amata Biên Hoà, ông Phát đã ôm đơn đi cầu cứu khắp nơi.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã nắm được vụ việc và đang chỉ đạo các sở ngành ngồi lại cùng gỡ vướng cho doanh nghiệp. “Đồng Nai đang nỗ lực và trải thảm để mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn tại đây, những trục trặc này chúng tôi sẽ chỉ đạo giải quyết sớm”- lãnh đạo tỉnh này khẳng định. 

MỚI - NÓNG