Thống đốc Ngân hàng: Xem xét điều chỉnh hạn mức tín dụng, bơm đủ vốn cho nền kinh tế

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hệ thống ngân hàng cấp đủ vốn, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hệ thống ngân hàng cấp đủ vốn, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
TPO - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định sẽ cung cấp đủ vốn để hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng. NHNN cũng sẽ xem xét việc điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cao hơn so với kế hoạch đầu năm.

Tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp (DN) hôm nay (9/5), Thông đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã chỉ đạo toàn hệ thống nắm bắt “sức khỏe” DN và chủ động triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Trong đó, NHNN đã ban hành Thông tư 01 từ sớm và có cơ chế mạnh, tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng như: cơ cấu lại nợ với thời hạn thích hợp hơn, không bị tính lãi vay, vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng giảm lãi và phí…

NHNN chủ động đề xuất cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% cho DN; ban hành thông tư 05 có hiệu lực từ ngày 7/5/2020 để  Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai sớm. NHNN cũng đã trình Chính phủ thí điểm mobile money, dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

 Ông Hưng cũng cho biết, hiện toàn hệ thống đã cơ cấu lại cho 215.000 khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ, miễn giảm và hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.

 Các khoản vay mới lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho 182.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn 0,5-2,5% so với trước khi có dịch, miễn giảm phí thanh toán 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, NHNN điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản toàn nền kinh tế, giữ tỷ giá ổn định, không xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô.

 Về việc áp dụng Thông tư 01, NHNN sẽ lập đoàn công tác đến các địa phương để nắm tình hình và xử lý vấn đề phát sinh.

Đề nghị khoản 3.000 - 5.000 tỷ đồng để đào tạo lại lao động

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, gói 62.000 tỷ đồng dự kiến hỗ trợ cho hơn 20 triệu lượt đối tượng đang được triển khai. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai, hỗ trợ được trên 20.000 tỷ đồng, 45/63 tỉnh thành đã rà soát xong.

Thống đốc Ngân hàng: Xem xét điều chỉnh hạn mức tín dụng, bơm đủ vốn cho nền kinh tế ảnh 1 Bộ LĐ-TB&XH đang tham mứu, trình Chính phủ dành khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. 

Ông Dung cho biết, từ ngày 9/5, sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động bị dừng hợp đồng theo dự kiến khoảng 7.630 tỷ đồng. 47 tỉnh đã tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 DN với 80.000 lao động và trên 300 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, với nhiều quyết sách, nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình. Về dài hạn, khoảng 70.000 - 80.000 lao động ở các khu vực sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.

Ông Dung cho rằng, với DN, cần tập trung ưu tiên hàng đầu là cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi đổi với công nghệ và chuỗi giá trị. Trong bối cảnh dịch bệnh thì yêu cầu “sống-còn” là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động.

Ông Dung cũng cho rằng, DN sẽ chịu hệ luỵ rất lớn nếu cắt giảm nhân sự hàng loạt. Lúc đó, chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn hoặc DN phải đối mặt với việc thiếu hụt lao động trầm trọng khi khôi phục sản xuất trở lại.

Bộ trưởng Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này, trong đó sẽ đề xuất và tham mưa với Chính phủ dành khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp gắn với trường nghề.

Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tiết kiệm gần 6.500 tỷ đồng

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đến nay đã có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận, xử lý yêu cầu cung cấp dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp và nhận được những phản hồi tích cực về chất lượng phục vụ, tỉ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%.

Tổng số tiền tiết kiệm được khi triển khai dịch vụ công trực tuyến là 6.490 tỉ đồng mỗi năm.

Bộ trưởng Tiến Dũng cho biết, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian, giảm thủ tục thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. 

Hiện các dịch vụ công này trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp, đồng thời, thông qua kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị sẽ hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ của nhà nước.

Nhanh tay chớp cơ hội vàng

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng:  Điểm lưu ý trong các kiến nghị của DN là Chính phủ cần thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách.

Thống đốc Ngân hàng: Xem xét điều chỉnh hạn mức tín dụng, bơm đủ vốn cho nền kinh tế ảnh 2 Các DN mong muốn các bộ, ngành triển khai sớm các gói hỗ trợ, nếu chậm trễ sẽ lỡ thời cơ của DN

Cùng đó, thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. “Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền”, ông Dũng nói.

Chỉ ra những nguy cơ tới đây, Bộ trưởng Dũng cho biết, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN.

“Hiện tượng mua bán, sáp nhập DN trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng KH&ĐT cũng lưu ý, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các DN FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.

Theo ông Dũng, nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ.

Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.