Thủ tướng: Bộ Y tế có nhiều dự án bệnh viện dang dở, lãng phí

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công
TP - Trong đầu tư xây dựng các bệnh viện, Thủ tướng cho rằng, Bộ Y tế có nhiều dự án, công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được, cụ thể là các dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Ðức 2.

Chủ trì Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công (sáng 26/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc chậm giải ngân đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, gây lãng phí và làm chi phí bị đội lên, nợ nần tăng thêm. Thủ tướng yêu cầu kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với những vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế, ảnh hưởng tới tăng trưởng gây lãng phí lớn.

Nhiều bộ giải ngân dưới 10%

“Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này vẫn ì xèo, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Báo cáo về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến tháng 9/2019 giải ngân ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao. Nhiều cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân “cực thấp” như: Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,8%), Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), tỉnh Hưng Yên (8,3%), tỉnh Quảng Nam (2,3%)…

Một số dự án hạ tầng quan trọng, như Dự án Cao tốc Bắc - Nam kế hoạch năm 2019 đã bố trí vốn 7 nghìn tỷ đồng nhưng đến hết tháng 8/2019, mới giải ngân được 401,5 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong kế hoạch năm 2018, 2019 đã bố trí vốn 11,4 nghìn tỷ đồng, song đến nay mới giải ngân 300 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trong đó công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân. Bên cạnh đó, còn có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục.

Từ thực tiễn dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 và 2, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, việc bố trí vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương chưa đảm bảo theo nhu cầu và tiến độ thực hiện dự án theo cam kết với nhà tài trợ nước ngoài. Ông Tuyến kiến nghị các cơ quan sớm thẩm định nguồn vốn để thành phố có thể điều chỉnh hai dự án trọng điểm này và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA.

Thủ tướng: Bộ Y tế có nhiều dự án bệnh viện dang dở, lãng phí ảnh 1 Dự án Bệnh viện Việt Ðức cơ sở 2 tại Hà Nam còn dang dở. Ảnh: N.C

Xin vốn quyết liệt, có lại chậm triển khai

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đây là tiền thuế đóng góp của người dân. Hơn nữa, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.

Lên án sự chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kỷ luật nghiêm minh đối với những vi phạm, làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm là phân cấp mạnh mẽ cho ban quản lý dự án, không ôm đồm, tránh tình trạng khi xin vốn thì rất quyết liệt nhưng khi có vốn rồi thì không quan tâm để tháo gỡ khó khăn.

Về nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh “chủ quan là chính”, nhất là khâu điều hành dự án, trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư. “Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về căn bệnh này, khi xem xét thi đua khen thưởng, đề bạt cán bộ thì xem xét nhiệm vụ đầu tư xây dựng mà cán bộ đó từng phụ trách có chậm trễ, gây thất thoát hay không”, Thủ tướng yêu cầu.

Về Dự án hỗ trợ đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng bày tỏ sự không hài lòng khi nguồn vốn đã được bố trí trên 11.000 tỷ đồng nhưng việc giải ngân lại chậm trễ. Đối với dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng cho biết, đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Đối với các dự án trọng điểm khác, như cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân.

Bộ Y tế có nhiều dự án bệnh viện dang dở, lãng phí

Riêng việc đầu tư xây dựng các bệnh viện, Thủ tướng cho rằng, Bộ Y tế có nhiều dự án, công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được, cụ thể là các dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Ðức 2. “Ðây là khuyết điểm rất lớn mà Bộ Y tế phải rút kinh nghiệm, phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm. Bây giờ cứ nói thủ tục suốt thì làm sao được. Tại sao các nơi khác thủ tục giải quyết được mà chúng ta không giải quyết được”, Thủ tướng đề nghị bộ có biện pháp rõ hơn, ban quản lý dự án chuyên nghiệp hơn, hiểu biết hơn về thủ tục xây dựng cơ bản.

MỚI - NÓNG