Bùng nhùng xuất khẩu gạo:

Thủ tướng yêu cầu thanh tra đột xuất việc xuất khẩu gạo

 Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn do các cơ quan thực thi chính sách thiếu nhất quán thời gian qua Ảnh: Cảnh Kỳ
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn do các cơ quan thực thi chính sách thiếu nhất quán thời gian qua Ảnh: Cảnh Kỳ
TP - Chiều 20/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Thanh tra Chính phủ và Bộ Công Thương về hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ: Tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua; Làm rõ việc có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực.

Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2020. Thủ tướng cũng đồng ý việc cho xuất khẩu gạo diễn ra bình thường theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian tới.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an điều tra về nghi ngờ trục lợi chính sách

Cũng trong ngày 20/4, Bộ Tài chính có 2 văn bản liên tiếp gửi Bộ Công an và Tổng cục Hải quan đề nghị và yêu cầu: Điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo, quản lý hải quan với hoạt động này; Có hay không trục lợi chính sách. 

Theo Bộ Tài chính, hiện nay một số cơ quan báo chí, mạng xã hội và một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang “đặt nhiều nghi vấn có tiêu cực” trong tổ chức triển khai hoạt động xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các bên cũng đặt vấn đề có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo; Tính minh bạch trong chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý nhà nước và của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Để đảm bảo khách quan, minh bạch trong việc quản lý xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên, nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp để xảy ra việc đưa thông tin sai sự thật.

Phó Thủ tướng phê bình 2 bộ 

Trong cuộc họp chiều 20/4 về tình hình xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phê bình và yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm trong phối hợp xuất khẩu gạo. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện có gạo tại cảng nhưng chưa có tờ khai hải quan.

Văn Kiên


Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký văn bản gửi Tổng cục Hải quan, yêu cầu khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ những nghi vấn trong việc can thiệp của công chức hải quan, cơ quan hải quan đối với việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/4, Bộ Công Thương cũng ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ điều hành xuất khẩu gạo.

Ba tháng đầu năm, gạo chủ yếu xuất sang Trung Quốc

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 4/2020, Việt Nam xuất khẩu 32.533 tấn gạo, trị giá 15 triệu USD. Cộng dồn từ đầu năm đến giữa tháng 4, Việt Nam đã xuất 1,68 triệu tấn gạo, trị giá 774 triệu USD.   

Xét về thị trường, thống kê cho thấy Trung Quốc đang mua gạo của Việt Nam với giá cao nhất. Tổng lượng gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt 162.000 tấn, chiếm 11%. Giá gạo Trung Quốc nhập của Việt Nam bình quân đạt 12,7 triệu đồng/tấn, cao hơn 2,7 triệu đồng/tấn so với giá gạo mà Việt Nam bán cho nước khác. Trung Quốc tăng mua gạo của Việt Nam trong mùa dịch COVID-19, nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực có thể tăng cao của nước này.

TUẤN NGUYỄN

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.