Thực trạng thải lao động lớn tuổi làm 'nóng' diễn đàn Quốc hội

Lao động lớn tuổi đang đối mặt thực tế bị thay thế. Ảnh minh hoạ: Như Ý.
Lao động lớn tuổi đang đối mặt thực tế bị thay thế. Ảnh minh hoạ: Như Ý.
TP - Tại các phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho ý kiến về tình trạng lao động (LĐ) sau tuổi 35 - 40 bị sa thải. Tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội và chính sách an sinh của nhà nước. 

Không phải lao động muốn nghỉ

Chị Hà Thị Minh (30 tuổi, quê Thanh Hóa), làm việc tại một công ty sản xuất điện tử ở Bắc Ninh kể, hơn 3 năm làm việc, chị chứng kiến không ít lao động khác làm được khoảng 5 năm là công ty cho nghỉ việc. “Vì lắp ráp điện tử có nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Công việc cần người trẻ để tăng ca nhiều mỗi khi có đợt sản phẩm mới, nên công ty rất ít sử dụng lao động nhiều tuổi”, chị Minh nói. 

Để chấm dứt hợp đồng với lao động, theo chị Minh, công ty có rất nhiều cách, ví như chỉ ký 2 lần hợp đồng ngắn hạn, sau đó không ký lại nữa. Hoặc trước khi ký hợp đồng ngắn hạn thứ 3 thì, lãnh đạo công ty cho công nhân nghỉ khoảng một tháng, sau đó mới cho làm hồ sơ ký lại. Làm như thế là để lách quy định: doanh nghiệp nếu ký 3 hợp đồng liên tiếp với người lao động thì hợp đồng thứ 3 phải là hợp đồng dài hạn. Một cách khác cũng được các doanh nghiệp thực hiện là hết hợp đồng, công nhân được yêu cầu khám sức khỏe, từ đó sa thải những người mà doanh nghiệp không muốn ký tiếp... “Tôi xác định chỉ được làm ở đây 5-7 năm rồi công ty cũng cho nghỉ. Tranh thủ tăng ca mấy năm, kiếm ít vốn rồi về quê lấy chồng và tìm việc gì đó làm”, chị Minh nói thêm.

Câu chuyện của chị Minh cũng là vấn đề đang được quan tâm mổ xẻ tại kỳ họp Quốc hội này. Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), việc sa thải lao động sau 35 tuổi Thường vụ Quốc hội sau khi nghe báo cáo cũng rất bức xúc. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập đoàn khảo sát tại 4 tỉnh, thành phố (Bắc Ninh, TPHCM, Đồng Nai, Cần Thơ). “Phải nói rất nhiều doanh nghiệp cũng thể hiện mong muốn sa thải lao động lớn tuổi, dù không phải tất cả”, ông Lợi nói. Tuy nhiên, theo ông Lợi, chủ yếu lao động nghỉ việc vì hết thời hạn hợp đồng, lao động tự nhảy việc và vi phạm quy định nên bị buộc nghỉ việc. Vì vậy, đại biểu Lợi đề nghị đánh giá đúng tình hình.  

Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho biết, vấn đề không phải chỉ do người lao động sau tuổi 35 bị sa thải do hết thời hạn hợp đồng. Vì theo luật, người lao động ký hợp đồng ngắn hạn doanh nghiệp được ký 2 lần, từ hợp đồng ký lần thứ 3 mới phải là hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ ký 2 hợp đồng ngắn hạn với lao động rồi không ký tiếp, nên họ không phạm luật. Tình trạng này chủ yếu rơi vào nhóm lao động phổ thông ngành may mặc, giầy da. “Điều này về pháp luật không sai, nhưng để lại hậu quả xã hội rất lớn nếu chúng ta không có đối sách. Bởi khi người lao động thất nghiệp sẽ dùng tới quỹ bảo hiểm thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội 1 lần, đào tạo lại… Nên phải quan tâm vấn đề này”, ông Thống nói.  

Đại biểu Thống cho rằng, vấn đề sa thải lao động sau 35-40 tuổi không phải mới mà đã diễn ra cách đây hơn 10 năm. Từ năm 2000 đến 2005 chúng ta đang đẩy mạnh thu hút FDI trong các ngành may mặc, giày da, nên khi lao động lớn tuổi bị đào thải thì có doanh nghiệp mới đầu tư khác nhận ngay để tận dụng lao động có tay nghề khi mới hoạt động. Còn nay, lao động lớn tuổi bị thôi việc muốn xin việc mới rất khó, dẫn tới thất nghiệp nên vấn đề nóng hơn.  

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) thì cho biết, lao động lớn tuổi bị mất việc ngoài lý do công nghệ thay đổi, máy móc thay con người, doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng lao động lớn tuổi. Điều này, theo bà Ý, do doanh nghiệp phải trả lương, bảo hiểm cho lao động lớn tuổi ở mức cao hơn so với chi trả cho lao động  trẻ, trong khi lao động lớn tuổi mắt mờ, tay yếu, năng suất lao động giảm... “Tình trạng này trước mắt chưa phát sinh tranh chấp lao động, nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của lao động và việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Do đó, đề nghị cần đánh giá lại cho chính xác để có giải pháp ngăn chặn”, bà Ý đề nghị.  

Cần sớm có giải pháp  

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết, theo thống kê hằng năm có khoảng 600 - 700 nghìn lao động từ 35 đến 40 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động, chủ yếu lao động nữ. Trong khi thu nhập của lao động nói chung còn thấp, một bộ phận thu nhập không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. “Công nhân đang thiếu thốn đủ bề, từ nhà trọ đến thời gian nghỉ ngơi, đời sống văn hóa, phương tiện đi lại... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách lách luật, vi phạm trắng trợn các quy định pháp luật về lao động, bảo hiểm, công đoàn”, đại biểu Hiểu nói.  

Các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ, ngành LĐ-TB&XH tích cực có giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của lao động. Đặc biệt, với lao động nữ sau tuổi 35 đang có nguy cơ bị cắt hợp đồng. Trước đó, như nhiều bài trên Tiền Phong đã phản ánh, tình trạng thải loại lao động lớn tuổi (trên 35-40) đang diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có giải pháp nào được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra để bảo vệ người lao động.  Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương từng cho biết, có nhiều cách để chấm dứt hợp đồng với người lao động lớn tuổi, như tăng định mức, sản lượng phải hoàn thành để số lao động lớn tuổi không đáp ứng được và bị chấm dứt hợp đồng, hoặc tự nghỉ. Một cách khác là bố trí dây chuyền có số lao động lớn tuổi ít người hơn so với dây chuyền có lao động trẻ, với lý do lao động lớn tuổi làm lâu thạo nghề, quen tay hơn lao động trẻ. Thậm chí, DN khi thay đổi dây chuyền, công nghệ đã đưa đơn xin nghỉ cho lao động ký, thay vì đào tạo lại theo luật…  

Về giải pháp ngăn chặn tình trạng trên, theo ông Nhân, ngoài thay đổi chính sách, giám sát thực thi, những hỗ trợ từ phía công đoàn, người lao động cũng cần chủ động hơn trong bảo vệ mình. Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, ngoài việc sửa đổi quy định pháp luật để bảo vệ lao động lớn tuổi tốt hơn, các giải pháp về thu hút đầu tư cũng cần được tính tới. Như hạn chế thu hút ngành nghề sử dụng nhiều lao động, tận dụng sức trẻ thay vì tay nghề; tập trung thu hút đầu tư những ngành nghề sử dụng lao động kỹ thuật, tay nghề cao, để người lao động càng có kinh nghiệm càng được trọng dụng.  

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng kiến nghị xem lại quy định về thời gian tính lương hưu với lao động nữ từ ngày 1/1/2018. Theo đó, tạm thời chưa áp dụng quy định từ năm 2018, lao động nữ phải đóng Bảo hiểm Xã hội 35 năm (tăng 5 năm so với hiện nay) mới được hưởng lương hưu bằng 75% lương tính đóng bảo hiểm. “Tôi đề nghị ngay kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện quy định trên, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là lao động nữ. Đồng thời, gắn việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội với thực hiện đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội dự kiến đưa ra Trung ương bàn và thông qua trong năm 2018”, Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đề nghị.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.