Thuế thương mại điện tử: Một năm thu nghìn tỷ chưa phản ánh hết thực tế

Các kênh Youtube kiếm tiền tỷ ở Việt Nam
Các kênh Youtube kiếm tiền tỷ ở Việt Nam
TP - Thương mại điện tử vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời cũng là nguồn thu thuế lớn cho ngân sách nhà nước. Với những quy định mới siết chặt tại Nghị định 126, hiệu lực từ 5/12/2020, các Youtuber cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kiếm tiền tỷ sẽ phải tự giác khai, nộp thuế.   

Netflix, Amazon, Google, Youtube phải khai và nộp thuế tại Việt Nam

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ngành thuế đang rốt ráo xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 126 về quản lý thuế (hiệu lực từ ngày 5/12/2020).

Liên quan việc quản lý thu thuế kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), Nghị định 126 quy định Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế thông báo cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.

Thuế thương mại điện tử: Một năm thu nghìn tỷ chưa phản ánh hết thực tế ảnh 1 Các kênh Youtube kiếm tiền tỷ ở Việt Nam

Theo ông Minh, số thu thuế từ kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, chủ yếu qua 3 nhóm: Bán hàng qua mạng xã hội; Thu nhập từ hoạt động viết các ứng dụng trò chơi, quảng cáo qua Facebook, YouTube...; Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...).

Lâu nay, các cá nhân, tổ chức tự kê khai, tự nộp thuế. Căn cứ theo dữ liệu đầu ra của các doanh nghiệp, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết đã thu nộp vào ngân sách nhà nước hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018, thu thuế TMĐT từ các doanh nghiệp (DN) kê khai và nộp khoảng 800 tỷ đồng, năm 2019 trên 1.000 tỷ đồng, riêng 11 tháng đầu năm 2020 đã thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Dẫu vậy, ông Minh vẫn cho rằng, số thu này chưa phản ánh được thực tế hoạt động kinh doanh trên các nền tảng TMĐT.

Thực tế, việc quản lý, thu thuế của các tổ chức, cá nhân có giao dịch trên nền tảng số xuyên biên giới hiện vẫn rất khó khăn. Đơn cử như số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp giữa năm 2020, Netflix cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet tại Việt Nam từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng.

Đến nay, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt trên 300.000. Tính ra, mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, thuê bao Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng kí sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng. Netflix hiện chưa đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam và cũng chưa đóng thuế.

Tuy nhiên, phản hồi tới báo chí vào cuối tháng 11 vừa qua, bà Amy Kunrojpanya, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Netflix khẳng định; Netflix đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2016 nhưng phải đến năm 2019 dịch vụ của họ mới được bản địa hóa sang tiếng Việt. Và đến nay, cộng đồng Netflix có gần 150.000 thành viên tại Việt Nam chứ không phải 300.000 thuê bao.

Trả lời PV Tiền Phong về việc thương thảo, rà soát để thu thuế Netflix hiện tới đâu, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, ngành thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các DN nền tảng như Netflix, Amazon, Google, Youtube,…tới trao đổi, hướng dẫn về các nghĩa vụ thuế theo quy định mới, biện pháp quản lý trong thời gian tới để họ hiểu và thực hiện.

“Netflix đã có các buổi làm việc với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Họ có trao đổi việc vận dụng một số thông lệ quốc tế. Chúng tôi sẽ đợi thông tư hướng dẫn chung. Nghĩa vụ Netflix vẫn phải nộp thuế tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ áp dụng theo luật quản lý thuế mới và Nghị định 126, tính toán lại cho phù hợp”, ông Minh cho biết thêm.

Youtuber kiếm tiền tỷ tự giác nộp thuế nhiều hơn

YouTuber hiện là một trong những công việc có được thu nhập cao, đặc biệt càng nổi tiếng và thu hút lượng người xem nhiều thì số tiền bỏ túi hằng tháng càng lớn.

Theo Nghị định 126, các lập trình viên kiếm tiền từ việc viết trò chơi, ứng dụng trên điện thoại hay người làm clip đăng tải lên YouTube, Facebook sẽ bị phạt từ 1-3 lần số thuế phải nộp nếu không chịu kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, đối với cá nhân cung cấp dịch vụ TMĐT, có nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm từ các nền tảng công nghệ như YouTube, App Store, Facebook... đều phải kê khai nộp thuế.

Tuy nhiên, việc đóng thuế đối với các YouTuber ở Việt Nam hiện vẫn chưa được rõ ràng và gần đây, quy định mới của Nghị định 126 đưa ra, cho thấy các YouTuber sẽ buộc phải kê khai và đóng thuế.

Hiện nay, một video đạt 1 triệu lượt xem (view) sẽ được YouTube trả khoảng 6.000 USD (gần 140 triệu đồng).

Cụ thể, kênh YouTube Thơ Nguyễn của Nguyễn Hồng Thơ (SN 1992) đạt gần 5 tỷ lượt xem. Mức doanh thu ước tính mỗi năm của kênh này từ 596.600 USD đến 9,5 triệu USD (14 tỷ đồng - 224 tỷ đồng).

Cris Phan, người sở hữu kênh YouTube Cris Devil Gamer có tới hơn 9 triệu người đăng ký và hơn 2 tỷ lượt xem. Doanh thu ước tính mỗi năm của kênh Cris Devil Gamer rơi vào khoảng 218.200 USD - 3,5 triệu USD (khoảng 5,1 tỷ - 82 tỷ đồng).

Một cái tên quen thuộc khác là bà Tân Vlog, sở hữu kênh YouTube có thu nhập khủng, ước tính mỗi năm có thể từ 1,9-30 tỷ đồng…

Mặc dù chưa cung cấp số tiền thuế phải nộp hằng năm của các Youtuber trên nhưng theo khẳng định của ông Đặng Ngọc Minh, các kênh Youtuber như Bà Tân Vlog được xác định là của doanh nghiệp và phải tự kê khai, nộp thuế theo quy định nếu có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm từ YouTube. Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ì nộp thuế, ngành Thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội trên. Các cá nhân trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính và thậm chí khi trốn nộp số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự.

Theo ước tính từ SocialBlade, chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới hiện tại về các nền tảng mạng xã hội và YouTube, các cá nhân đang sở hữu những kênh YouTube hàng đầu tại Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ YouTube.

MỚI - NÓNG