Tổng công ty giấy và gánh nặng thua lỗ

Tổng công ty giấy và gánh nặng thua lỗ
TP - Là đơn vị lớn nhất ngành giấy, có đất vàng, có lợi thế ưu đãi từ rất nhiều năm trước nhưng cùng với thời gian, sức cạnh tranh ngày càng giảm sút, gánh nặng từ dự án nghìn tỷ đắp chiếu Nhà máy bột giấy Phương Nam và một số đơn vị thành viên đang khiến Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) hoạt động khó khăn.

Nặng gánh

 Từng là cánh chim đầu đàn của ngành giấy, nắm giữ những ưu thế mà các doanh nghiệp (DN) ngoài ngành và tư nhân thèm muốn, những năm gần đây, Vinapaco đang phải gồng mình giải quyết những khó khăn mà người trong ngành đánh giá là rất dễ rơi vào cảnh kiệt quệ nếu kéo dài.

Trong báo cáo thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn mới đây, lãnh đạo Vinapaco thừa nhận DN đang rất khó khăn. Nhìn chung các chỉ tiêu kinh tế thực hiện trong giai đoạn 2013-2015 đều không đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều dự án đầu tư phát triển của tổng công ty không thực hiện được. Trong đó phải kể đến dự án đầu tư Nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đến nay phải dừng đầu tư và rao bán mãi không được.

Nhà máy giấy Phương Nam được định giá 1.700 tỷ đồng, từng có đối tác chào giá mua 900 tỷ đồng nhưng không ai dám quyết”. 
Ông Phan Chí Dũng             (Bộ Công Thương)

Theo lãnh đạo đơn vị, doanh thu hợp nhất giai đoạn 2013-2015 của tổng công ty giảm từ 3.456 tỷ đồng xuống 2.879 tỷ đồng, lãi sau thuế từ 85 tỷ chuyển ngược thành lỗ 33,8 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu của tổng công ty tiếp tục giảm.

Theo các chuyên gia trong ngành giấy, việc đầu tư ồ ạt trong giai đoạn trước đây cũng khiến tổng công ty phải trả giá khá nặng nề. Vì vậy dù có nhiều dự án đầu tư lớn được đánh giá có thể giúp cân bằng lại tình hình hoạt động như dự án đầu tư dây chuyền sản xuất giấy bao bì 100.000 tấn/năm tại Bãi Bằng, Dự án nhà máy giấy Tissue 40.000 tấn/năm và có khu đất vàng tại 25A Lý Thường Kiệt (Hà Nội), Vinapaco vẫn khó có thể lấy lại được phong độ từng có.

Cũng theo các chuyên gia trong ngành, nguy cơ mất trắng số tiền đổ vào dự án nghìn tỷ Nhà máy Bột giấy Phương Nam và nhiều đơn vị khác như Công ty Cổ phần Giấy BBP (đang phải ngừng hoạt động từ năm 2015) sẽ khiến tài chính của Vinapaco ngày càng khó khăn hơn. Số tiền công nợ và hàng chục tỷ đồng phần góp vốn của Tổng Cty Giấy Việt Nam vào Công ty BBP có nguy cơ mất trắng và ai là người chịu trách nhiệm đến nay cũng chưa được làm rõ.

Một trong số các dự án đầu tư thua lỗ khác của Vinapaco phải kể đến là trường hợp Công ty chế biến và Xuất nhập khẩu dăm mảnh phải dừng hoạt động do kinh doanh liên tục thua lỗ.

Thà bán lỗ còn hơn mãi đắp chiếu

Trao đổi với PV Tiền Phong, các chuyên gia cho rằng, việc Vinapaco đang để mất dần vị thế của đơn vị đầu ngành giấy là điều cần xem xét lại. Cùng đó, xử lý trách nhiệm những người ra các quyết định đầu tư gây thua lỗ tại các dự án mà Vinapaco rót vốn cũng là việc cần làm, trong đó đặc biệt là xử lý với Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Công ty BBP. Với Nhà máy bột giấy Phương Nam có công nghệ lạc hậu, rất khó vận hành trở lại, tốt nhất là bán dù chấp nhận bán lỗ.

Ông Phạm Đình Thưởng - chuyên gia phân tích chính sách cho rằng, Nhà máy Bột giấy Phương Nam là trường hợp khá đặc biệt. Khả năng khôi phục sản xuất của dự án rất khó, vì lí do công nghệ. “Công nghệ của nhà máy lạc hậu, các vấn đề về máy móc xảy ra, đơn vị cung cấp thiết bị không xử lý được. Giờ bán hiện trạng là phương án tối ưu nhất”, ông Thưởng khuyến cáo.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, công nghệ Nhà máy Bột giấy Phương Nam quá lạc hậu, nếu sử dụng được cũng gây ô nhiễm môi trường. Nhà máy này khó sản xuất bột giấy vì trên thế giới chưa có nhà máy nào có công nghệ tương tự đi vào hoạt động.

“Công nghệ của chúng ta quá lạc hậu. Dự án càng vận hành càng lỗ, chúng ta nên bán, thậm chí bán đồng nát, sắt vụn. Thà chúng ta chịu lỗ một lần còn hơn chúng ta đưa vào sản xuất, mỗi năm lỗ thêm số tiền nhất định”, ông Thịnh nói.

Theo ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), vấn đề lớn nhất với ngành giấy Việt Nam là phải tìm cách cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, doanh nghiệp lớn nhất của ngành giấy Việt Nam là Tổng Công ty giấy Việt Nam nhưng các lần đầu tư, tiếp quản và xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy giấy Kon Tum và Nhà máy giấy Thanh Hóa đều không hiệu quả. Dự án giai đoạn 2 của nhà máy giấy Bãi Bằng do Tổng Cty giấy thực hiện cũng bê bết. Đó là thực trạng với các nhà máy giấy có vốn nhà nước.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.