Tổng Cty Đường sắt lên tiếng về nguy cơ dừng chạy tàu từ tháng 3/2020

Công nhân đường sắt khắc phục sự cố tại ga Yên Viên, Hà Nội Ảnh: Bảo An
Công nhân đường sắt khắc phục sự cố tại ga Yên Viên, Hà Nội Ảnh: Bảo An
TP -  Ngày 26/2, Tiền Phong đăng ý kiến của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc để xảy ra tình trạng 20 doanh nghiệp đường sắt lao đao, hàng vạn lao động trong ngành đang không có tiền lương và có thể sẽ phải dừng chạy tàu từ tháng 3 tới có phần bắt nguồn từ việc thiếu hợp tác của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR). 


Cụ thể theo ông Tiến, Cục Đường sắt Việt Nam từng 4 lần mời lãnh đạo VNR lên để bàn việc ký hợp đồng giải ngân vốn, song phía VNR không có người đến họp. 

Cùng ngày, lãnh đạo VNR liên lạc với PV Tiền Phong cho rằng, nhận định “thiếu hợp tác” như trên là không chính xác và gửi kèm nhiều báo cáo, kiến nghị của VNR, bộ GTVT đến Chính phủ về việc này. Theo đó, lãnh đạo VNR cho rằng, do cơ chế chính sách bất cập nên đơn vị chưa được giao ngân sách, khiến 1,1 vạn nhân viên tuần đường, gác chắn… không có tiền lương, nhất là từ khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (năm 2018).

Đại diện VNR cho biết, đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ GTVT và Bộ GTVT cũng có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định Cục Đường sắt không có đủ nhân sự để thực hiện nhiệm vụ tổ chức triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước và quản lý chất lượng bảo trì công trình xây dựng, đề nghị giao phần việc này cho VNR.

Theo lãnh đạo VNR, hiện nay, không có quy định pháp luật nào phù hợp để Cục Đường sắt ký hợp đồng đặt hàng với VNR do VNR chỉ có chức năng tổ chức quản lý tài sản và quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (chủ đầu tư). Chức năng thực hiện bảo trì (nhà thầu) là 20 Công ty Cổ phần do VNR nắm giữ cổ phần chi phối.

Trong văn bản gửi Thường trực Chính phủ hôm 24/2, VNR khẩn thiết đề nghị Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Bộ GTVT giao dự toán bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho VNR. Để minh bạch, Bộ GTVT sẽ thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trong văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký gửi Thủ tướng hôm 11/2 cũng nêu lại đề nghị giao vốn bảo trì vận hành hệ thống đường sắt quốc gia cho VNR.

“Ủy Ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề nghị VNR có vướng mắc gì phải giải trình để tháo gỡ, song 3 tháng nay họ không có đề nghị…Lỗi là do doanh nghiệp (VNR) chứ không phải nhà nước”. 

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính

MỚI - NÓNG