Ứng phó ra sao với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông?

Vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, gây mưa trong nhiều ngày tới ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, gây mưa trong nhiều ngày tới ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
TPO - Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh ven biển chủ động ứng phó với khả năng vùng áp thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có đợt mưa kéo dài trong vài ngày tới.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, lúc 19 giờ hôm nay (30/7), vùng áp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19 giờ ngày 31/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 do áp thấp nhiệt đới): Phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông; phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do vùng áp thấp khả năng sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, đồng thời tạo thành dải áp thấp đi qua khu vực Bắc bộ và Bắc biển Đông, gây ra một đợt mưa kéo dài.

“Đối với khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, sẽ có đợt mưa lớn nhất từ đầu năm kéo dài 2-3 ngày. Khu vực Bắc bộ thậm chí còn kéo dài hơn tới ngày 4-5/8 mới chấm dứt. Đây là đợt mưa tương đối lớn từ đầu năm, trên diện rộng và kéo dài”, ông Lâm nhận định.

Trước tình hình trên, chiều 30/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau chủ động ứng phó.

Theo đó, các tỉnh thành ven biển theo dõi sát diễn biến của vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới, liên lạc, hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tầu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

Thông tin cho người dân hoạt động trên biển, các khu du lịch biển, khu nuôi trồng hải sản biết vị, hướng di chuyển của vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Ban chỉ đạo cũng lưu ý các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát các phương án sẵn sàng triển khai ứng phó với các tình huống, đặc biệt là mưa lớn ở khu vực miền núi.

Ngoài ra, các địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7; Quân chủng Hải quân, Phòng không không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh các Quân đoàn 1, 2, 3 sẵn sàng các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ.

Các lực lượng phải duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình. Rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi địa phương yêu cầu.

MỚI - NÓNG