Vietnam Airlines làm gì với 8.000 tỷ đồng vốn tăng thêm?

Vietnam Airlines chính thức thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, vay Chính phủ 4.000 tỷ đồng và kêu gọi các cổ đông khác cùng cho vay. Ảnh: Phạm Thanh
Vietnam Airlines chính thức thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, vay Chính phủ 4.000 tỷ đồng và kêu gọi các cổ đông khác cùng cho vay. Ảnh: Phạm Thanh
TP - Các cổ đông của Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VNA) đã biểu quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng. Cùng đó, VNA sẽ vay vốn ưu đãi từ các cổ đông, lãi suất có thể được trả bằng cổ phiếu. Vị trí lãnh đạo cấp cao của hãng cũng có sự thay đổi.

Sáng 29/12/2020, VNA (mã cổ phiếu: HVN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020. Đại hội đã thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, với quy mô 8.000 tỷ đồng. Phần cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước sẽ được chuyển giao quyền mua cho Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Hiện nay, VNA có vốn điều lệ hơn 14.182 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần, cổ đông chiến lược ANA Holdings Inc (Nhật Bản) nắm giữ 8,77% cổ phần. Với việc mua phần cổ phiếu từ cổ đông Nhà nước, SCIC sẽ trở thành cổ đông lớn tiếp theo của hãng.

Khoản 8.000 tỷ đồng thu được từ phát hành cổ phiếu sẽ được VNA sử dụng thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, khoản vay tại các ngân hàng, và bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Phần vốn này sẽ không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Quốc hội cũng cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn qua tổ chức tín dụng để cho VNA vay, nhằm bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khoản vay này không quá 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, giải ngân trong giai đoạn 2021-2025. Hiện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (đại diện vốn Nhà nước tại VNA) đã trình Chính phủ phê duyệt phương án xử lý chênh lệch giữa lãi suất vay tái cấp vốn và lãi suất vay ngắn hạn thấp nhất mà VNA huy động được trên thị trường. Theo phương án này, phần lãi suất chênh lệch có thể được VNA trả cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu, với mệnh giá quy đổi 10.000 đồng/cổ phiếu.

Do đó, để công bằng, minh bạch giữa các cổ đông khác với cổ đông Nhà nước, và giữa các hãng hàng không trong nước, Đại hội cổ đông cũng thông qua nghị quyết kêu gọi các cổ đông khác cho Vietnam Airlines vay vốn với lãi suất ưu đãi (0%) để hỗ trợ thanh khoản. Phần chênh lệch lãi vay giữa khoản vay từ cổ đông và lãi vay ngắn hạn thấp nhất mà VNA huy động được trên thị trường cũng được xử lý tương tự như khoản vay tái cấp vốn từ Nhà nước (sau khi được Chính phủ phê duyệt). Tức khoản chênh lệch lãi vay sẽ được quy đổi ra cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình hoạt động năm 2020, Chủ tịch HĐQT VNA Đặng Ngọc Hòa thông tin, ước doanh thu hợp nhất cả năm (tới hết tháng 12) của tổng công ty trên 42.523 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ ước đạt 32.983 tỷ đồng (vượt lần lượt 4,8% và 1,4% so với kế hoạch). Lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 14.445 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ hơn 12.000 tỷ đồng (thấp hơn 2.400 tỷ đồng so với kế hoạch). Theo ông Hòa, dự kiến mức lỗ sẽ giảm thêm hơn 2.800 tỷ đồng nữa khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn các thị trường khác. “Với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự thích ứng của doanh nghiệp, chúng tôi dự kiến phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023, hết lỗ lũy kế vào năm 2025”, ông Hòa nói thêm.

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 của VNA cũng nhất trí để ông Dương Trí Thành (Tổng giám đốc VNA) thôi làm thành  viên HĐQT từ ngày 30/12/2020. Đại hội cũng bầu ông Lê Trường Giang - Chánh văn phòng VNA tham gia thành viên HĐQT từ ngày 1/1/2021, với nhiệm kỳ 5 năm.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.