Vụ tàu cá vỏ thép hư hỏng: Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm trong vụ hàng loạt tàu cá vỏ thép bị hư hỏng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm trong vụ hàng loạt tàu cá vỏ thép bị hư hỏng
TPO - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sớm khác phục những tàu cá vỏ thép bị hư hỏng để ngư dân vươn khơi; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, đóng tàu không đảm bảo chất lượng. 

Sáng 1/8, hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản diễn ra tại Hà Nội, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, sau gần 3 năm thực hiện, Nghị định 67 đã đi vào cuộc sống, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ cao, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần tích cực vào bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.

Đến nay, có 27/28 tỉnh thành ven biển (trừ TPHCM) phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu. Trong đó, số tàu đóng mới là 1.510 tàu (chiếm 66%), gồm tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu (chiếm 51%); tàu vỏ gỗ là 742 tàu (chiếm 49%).

Đến ngày 31/7 có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Tám, trong quá trình thực hiện Nghị định 67, vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục khắc phục, tháo gỡ. Trong đó, các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ, còn hạn chế; vấn đề tiến độ giải ngân, lãi suất cho vay, bảo hiểm… cũng gặp nhiều vương mắc.

Vụ tàu cá vỏ thép hư hỏng: Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm ảnh 1 Nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định bị gỉ sét, hư hỏng đang được cơ sở đóng tàu sửa chữa, khắc phục. Ảnh: Zing

Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị hư hỏng khi mới đi vào hoạt động, như rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém .... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo tổng hợp, hiện có 40 tàu cá vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu), Phú Yên (2 tàu), Thanh Hóa (18 tàu), Quảng Nam (1 tàu ) bị hư hỏng: rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống; máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản…

Tại hội nghị, chỉ ra những bất cập, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tàu cá chất lượng hay không là do nhà máy đóng tàu. “Không thể bắt ngư dân ra tận nơi giám sát. Giống như khi mua ô tô, xe máy… người dân có đến nhà máy mà giám sát không. Thế nên cơ sở đóng tàu sai phải đền bù và bị xử lý nghiêm theo quy định”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, phải phải tập trung khắc phục những tàu cá bị hư hỏng vừa qua, không để người dân bỏ tiền để lấy một sản phẩm không an toàn.

Rà soát và loại bỏ những cơ sở đóng tàu không đảm bảo yêu cầu ra khỏi danh sách được tham gia Nghị định 67; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngư dân; chấn chỉnh công tác đăng kiểm tàu cá…

Theo Phó Thủ tướng, Bộ NN&PTN quy hoạch lại tàu cá, cùng với việc điều tra nguồn lợi thủy sản, gắn với chiến lược phát triển thủy sản bền vững.., quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan quá trình đóng tàu.

“Tới đây, địa phương nào tiếp tục để tàu cá của ngư dân hư hỏng, phải chịu trách nhiệm với Chính phủ, với người dân. Kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc với qua những trường hợp tàu cá bị hư hỏng vừa qua; thực hiện việc khắc phục theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Bộ NN&PTNT”- Phó thủ tướng nói.

Phó Thủ tưởng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tập trung hoàn thiên sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 để ban hành trong quý 4/2017, thực hiện từ đầu năm 2018 tới.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.