Đục thông 6 vòm cầu trăm tuổi trên phố Phùng Hưng

Ðoạn vòm cầu Hàng Cót-Hàng Giấy chuẩn bị đục thông. Ảnh: MẠNH THẮNG
Ðoạn vòm cầu Hàng Cót-Hàng Giấy chuẩn bị đục thông. Ảnh: MẠNH THẮNG
TP - Sau thời gian dài khảo sát, tư vấn và xin ý kiến nhiều bên liên quan, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội chuẩn bị đục thông vòm cầu thí điểm sáu vòm cầu cạn Phùng Hưng sau khi được cơ quan chức năng cấp phép. Ông Ðặng Ðình Bằng, Phó Trưởng ban thường trực BQL Phố cổ Hà Nội trao đổi với Tiền Phong xung quanh dự án này.

Được biết đầu tháng 12 tới, Hà Nội thí điểm đục thông 6 vòm cầu Phùng Hưng đoạn từ Hàng Giấy nối với Hàng Cót?

Dự án thí điểm đục thông vòm cầu đoạn từ Hàng Cót tới Hàng Giấy hiện nay về thủ tục pháp lý cơ bản hoàn thiện, hiện chỉ chờ cơ quan quản lý cấp phép. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội được giao làm chủ đầu tư gửi hồ sơ xin cấp phép tới Cục Đường sắt, Tổng cty Đường sắt Việt Nam. Trước đó Cục Đường sắt đồng ý về thoả thuận phương án thiết kế cho dự án đục thông vòm cầu.

Đục thông vòm cầu chỉ là bước khởi đầu, kế hoạch biến cả khu vòm cầu hiện khá nhếch nhác này trở thành không gian văn hoá ra sao thưa ông?

Đoạn phố này cũng như tổng thể 131 vòm cầu Phùng Hưng đều nằm trong đề án được UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng, báo cáo UBND thành phố Hà Nội. Đơn vị tư vấn cũng đưa ra các giải pháp về không gian chức năng đối với 131 vòm. Có những đoạn có thể giới thiệu làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống, có đoạn phục vụ nghệ thuật công cộng, có đoạn chuyên văn hoá ẩm thực, có đoạn dành cho thương mại dịch vụ, có đoạn dành cho khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tính chuyện đưa không gian này trở thành không gian ẩm thực. Ngay khi hoàn thành hạng mục mở vòm cầu, chúng tôi cho thiết kế chỉnh trang để đưa không gian trong vòm vào sử dụng, tránh bị để phí hoặc bị lấn chiếm trở lại.

Ban quản lý cũng tham mưu UBND Quận Hoàn Kiếm về việc cải tạo hạ tầng, chỉnh trang mặt đứng cả tuyến Hàng Cót-Hàng Giấy để tạo sự đồng bộ.

Diện tích vòm cầu liệu có quá chật chội để trở thành không gian ẩm thực?

Trong khu phố cổ, diện tích cửa hàng ăn uống hiện nay hết sức khiêm tốn. Nếu lựa chọn mở ra không gian ẩm thực, chúng tôi tính đến sản phẩm đặc trưng, mang dấu ấn phố cổ-ẩm thực mang tính chất quà vặt. Với loại này, không nhất thiết phải diện tích quá lớn. Bình quân mỗi ô vòm có mặt bằng từ 14-20m2, như thế quá lý tưởng đối với cửa hàng ăn uống ở khu vực này.

Chúng tôi tin rằng khi khu vực này trở thành địa điểm văn minh, lịch sự và mang đậm tính văn hoá người dân hai bên vòm cầu được hưởng lợi. Tương tự với khu vực bích họa Phùng Hưng, người dân tự chuyển đổi loại hình kinh doanh cho phù hợp với không gian.

Liệu còn vướng mắc nào trước khi bắt tay vào mở ra không gian văn hóa này?

Chúng tôi lo tới an toàn đường sắt  trong quá trình thực hiện, nên vừa làm vừa nghe ngóng. Ngoài ra, dọc 131 vòm cầu có một số hộ dân, cơ quan đơn vị lâu nay áp sát, sử dụng diện tích nằm trong phạm vi đảm bảo an toàn đường sắt. Quận giao cho phường, các cơ quan chức năng trao đổi với các hộ dân liên quan dự án để có nghiên cứu chính sách phù hợp. Tôi tin rằng với chủ trương lớn của thành phố, vì lợi ích chung cho xã hội,người dân sẽ hiểu và ủng hộ. Khi làm phố bích hoạ Phùng Hưng, chúng tôi từng giải tỏa bãi trông giữ xe, loạt hàng quán. Người dân phường Hàng Mã hiện nay vui khi có không gian đẹp, văn minh phục vụ du lịch.

Việc lựa chọn đoạn vòm cầu này đưa vào thí điểm có ý nghĩa kết nối ra sao với không gian bích họa Phùng Hưng hình thành trước đó? Phố bích họa Phùng Hưng bước đầu được đón nhận, nhưng dường như còn mờ nhạt?

Khi chúng tôi lựa chọn sáu vòm cầu ngoài yếu tố khu vực này đại diện cho các dạng vòm cầu đặc trưng, còn có lí do nhằm tạo ra sự kết nối với không gian tuyến đi bộ thương mại dịch vụ từ Hàng Đào-Hàng Giấy, qua đó kết nối với không gian bích họa. Khu vực này bước đầu trở thành điểm đến cho du khách, BQL đề xuất với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức nhiều sự kiện dịp 30/4, trình diễn áo dài dịp 20/10 và nhiều hoạt động khác. Hy vọng sau khi hoàn tất đục thông vòm cầu, chúng tôi tạo ra liên kết các không gian, bổ trợ cho hoạt động, kéo giãn và làm phong phú hơn cho phố đi bộ Hồ Gươm vốn quá tải trong những dịp
cao điểm.

Dự án đục thông 131 vòm cầu đường sắt Phùng Hưng nhìn dài hơi hơn có tác động thế nào về bức tranh không gian sáng tạo ở Hà Nội?

UBND quận Hoàn Kiếm, đơn vị tư vấn chung quan điểm rằng tuyến 131 vòm cầu đường sắt tạo thành không gian đi bộ, kết nối của khu vực phía trên với khu phố cổ, dọc khu vực từ Hàng Đào, Hàng Giấy với không gian bảo tồn cấp 1 (hiện là không gian đi bộ) tạo thành không gian đi bộ tương đối hoàn chỉnh. Về lâu dài, chúng tôi sẽ báo cáo với UBND thành phố, đề xuất phương án đỗ xe cho phố đi bộ Phùng Hưng trong tương lai. Không gian này chắc chắn đóng góp tích cực vào mạng lưới không gian sáng tạo ở Hà Nội.

Cảm ơn ông!

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm trả lời Tiền Phong: “Tổng mức đầu tư dự án đục thông vòm cầu không lớn, nhưng tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật vì vừa thi công vừa phải đảm bảo cho tàu chạy ở trên. Chúng tôi làm rất cẩn trọng”. Dự kiến mất từ 2-3 tháng để đục thông và hoàn thiện thiết kế thành các không gian văn hoá, dịch vụ.

KTS. Nguyễn Việt Huy giải thích, sở dĩ đơn vị tư vấn đưa ra phương án đục thí điểm 6 vòm cầu này vì nó đại diện cho 5 hệ kết cấu khác nhau ở cầu cạn Phùng Hưng: Có vòm bịt hai mặt ở trong rỗng, có vòm phía trong chèn cột đá, có vòm phía trong đổ cát. Ðơn vị tư vấn cũng đề xuất các giải pháp để đảm bảo các đoàn tàu lưu thông phía trên, phù hợp với điều kiện của vòm cầu trăm năm tuổi-từng trải qua nhiều đợt cải tạo lớn từ những năm 1980-1983.

Đục thông 6 vòm cầu trăm tuổi trên phố Phùng Hưng ảnh 1 Hoàn Kiếm sẽ đề xuất cải tại hạ tầng, chỉnh trang mặt đứng khu vực hàng quán hai bên vòm cho đồng bộ. Ảnh: Mạnh Thắng
MỚI - NÓNG