Giãn dân phố cổ Hà Nội: 20 năm chờ nhà tái định cư

Bà Phương sống ở căn hộ 10m2 ngay dưới Di tích lịch sử Ðình Trung Yên
Bà Phương sống ở căn hộ 10m2 ngay dưới Di tích lịch sử Ðình Trung Yên
TP - Sau ít nhất 3 lần được đề nghị di chuyển, tới giờ người dân phố cổ vẫn hàng ngày phải sống trong những căn nhà xập xệ, nguy hiểm, tăm tối…

7 người 12 m2

Nằm trong ngõ Trung Yên (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm), Đình Trung Yên có biển tên ghi rõ “Di tích quốc gia đình Trung Yên” thế nhưng nếu không hỏi khó mà biết di tích ở đâu. Đình nằm ở tầng 2, dưới tầng 1 trong ngõ sâu hun hút là nơi sinh sống của 3 hộ gia đình. Trong không gian tối om, quyện mùi dầu mỡ thức ăn, bà Phương (chủ hộ đầu tiên) cho biết, nhà phố cổ như thế này chẳng sung sướng gì, rất xập xệ, nguy hiểm.

“Có lần đang ngồi, mảng xi măng rơi thẳng vào đầu, vì đây chỉ là tấm đan”, bà Phương nói. Đi sâu vào bên trong là khu đặt máy giặt chung, vệ sinh chung của cả 3 hộ. Bà Phương cho biết, đây là giếng trời về sau mọi người cơi nới để làm không gian chung nên cứ mưa xuống là nước dềnh lên, ngập như ngoài đường.

Nhà bà Phương có 7 nhân khẩu, sống trong căn hộ 12m2 dưới Đình Trung Yên hàng chục năm nay. Nhà bà “rộng” nhất trong số 3 nhà, vì cơi nới được vài mét vuông, mỗi hộ còn lại 4-5 người chỉ sống trong nhà vỏn vẹn 9m2.

Từ năm 2009, các hộ dân được rà soát để di dời sang khu đô thị Việt Hưng, vài năm sau lại có thông tin chuyển sang Khu đô thị Nam Trung Yên. Bà Phương cho biết, không biết bao giờ được di dời, nhưng bà vẫn muốn lấy tiền chứ không muốn nhận nhà.

Tương tự nhà ông Hải ở 35 Hàng Bạc cũng rộng chỉ chừng 9m2 nhưng có tới 7 nhân khẩu, 3 thế hệ chung sống.

Bí bách nhưng ông Hải chưa có ý định chuyển gia đình đi nơi khác sinh sống, bởi ở đây ông còn có đồng ra đồng vào nhờ buôn bán vặt. Ông Hải cho biết, nếu Nhà nước có chính sách di dời cụ thể, ông và nhiều người dân mong muốn được nhà nước mua lại nhà với giá hợp lý. Tạo điều kiện làm ăn khi chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Tiếp tục chờ điều chỉnh quy hoạch

Khu phố cổ Hà Nội có khoảng hơn 4.300 biển số nhà. Trong mỗi số nhà lại có rất nhiều gia đình sinh sống. Cá biệt một số số nhà có hàng chục gia đình cùng sinh sống, diện tích ở chỉ đạt từ 0,5 - 1,8m2/người. Trong số gần 1.000 căn nhà có tuổi thọ trên dưới 100 năm sử dụng, có 63% thuộc diện xuống cấp, 12% thuộc diện nguy hiểm và 5% thuộc diện ô nhiễm.

Được biết, UBND quận Hoàn Kiếm đã rà soát các hộ dân thuộc diện di dời trên địa bàn 10 phường: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc. Tuy nhiên, số liệu rà soát vẫn chỉ… để đấy, vì chưa có đầu ra.

Đầu ra ở đây chính là 16 tòa nhà ở giãn dân vẫn chưa được triển khai. Đến nay, một số hạng mục của dự án đã thực hiện xong như: Nhà trẻ mẫu giáo đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào quản lý, sử dụng tháng từ 5/2016. Đối với 16 tòa nhà giãn dân, UBND thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng tầng cao, tăng diện tích hầm…

Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản cung cấp thông tin cho báo Tiền Phong về quá trình điều chỉnh quy hoạch dự án giãn dân phố cổ.

Theo đó, từ 21/9/2011, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch một số ô đất tại Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Việt Hưng tỷ lệ 1/500 phục vụ dự án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm.

Để khai thác có hiệu quả quỹ đất đáp ứng nhu cầu tái định cư cho các hộ dân, ngày 18/2/2020, UBND thành phố đã có thông báo số 144/TB-UBND giao UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất các chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc của dự án. Tối ưu, hiệu quả nhất theo hình thức: Nâng chiều cao, giảm mật độ, đa dạng các loại hình căn hộ, tăng diện tích tầng hầm sử dụng… gửi Sở QHKT để thẩm định. Sở QHKT cho biết, hiện nay UBND quận Hoàn Kiếm đang triển khai thực hiện các nội dung có liên quan, chưa nộp hồ sơ gửi Sở QHKT thẩm định.

Được biết, chậm trễ trong gửi hồ sơ bởi quận Hoàn Kiếm đang thống nhất với Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) để tăng chiều cao công trình cho các tòa nhà, tối ưu hóa công năng sử dụng. Ngày 10/1/2017, Cục Tác chiến có văn bản cho phép chiều cao tối đa công trình dự án giãn dân không quá 45m. Hiện chiều cao cơ bản là 13 tầng, đạt mức tối đa của Cục Tác chiến. “Hiện quận đang chờ phản hồi của Cục Tác chiến”, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm.

Chủ trương giãn dân phố cổ được Hà Nội đặt ra từ 20 năm trước. Thành phố đã lên kế hoạch khởi công dự án từ năm 2002 với mục tiêu bước đầu di dời khoảng 7.000 dân tới khu đô thị Việt Hưng. Tuy nhiên, đến 2013 thành phố mới ban hành văn bản thực hiện chủ trương giãn dân phố cổ và số dân cần di dời gấp 10 lần mục tiêu ban đầu.

MỚI - NÓNG