Hà Nội hoàn thành tốt công tác cấp sổ đỏ cho các trường hợp đủ điều kiện

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cấp sổ đối với hộ gia đình, các tổ chức và cơ sở tôn giáo tín ngưỡng đủ điều kiện
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cấp sổ đối với hộ gia đình, các tổ chức và cơ sở tôn giáo tín ngưỡng đủ điều kiện
TP - Gần 4 năm sau ngày Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi là sổ đỏ), đến nay 100% số hộ dân đủ điều kiện đã được xác lập quyền sử dụng trên đất của mình, 98,62% số căn hộ chung cư- khu đô thị được cấp sổ hồng, cùng hàng trăm tỷ đồng đóng góp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) từ phí, lệ phí và thuế liên quan giao dịch sổ đỏ.

Trên 1,3 triệu thửa đất được xác lập “chủ quyền”

Trước tình trạng hàng nghìn hộ dân mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ suốt nhiều năm do nhiều vướng mắc và rào cản thủ tục pháp lý, những năm qua UBND Thành phố Hà Nội xác định việc cấp sổ đỏ là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong giai đoạn 2016 và 2017, Thành ủy - HĐND - UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tập trung đồng bộ các giải pháp tháo gỡ, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm giải quyết quyền và lợi chính đáng của người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thành lập các Tổ công tác liên ngành Thành phố trực tiếp làm việc, phối hợp với các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình thực hiện công tác giao đất dịch vụ; công tác đấu giá quyền sử dụng đất; công tác khai, đăng ký, cấp sổ đỏ trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Sau gần 4 năm triển khai đồng bộ giải pháp tháo gỡ, việc gấp sổ đỏ tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả cao hơn kế hoạch. Các chỉ số hoàn thành đều vượt xa so với trước thời điểm Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 09-CT/TU. Cụ thể, Tổng số thửa đất cần đăng ký kê khai cấp sổ đỏ là 1.551.951 thửa; Đã thực hiện cấp GCN và đăng ký kê khai đất đai lần đầu là 1.551.951 thửa/1.551.951 thửa, đạt 100%. Trong đó, đã cấp sổ đỏ được 1.355.510 thửa/1.355.510 thửa đủ điều kiện, đạt 100%; Cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu với 196.441 thửa/196.441 thửa, đạt 100%.

Tiến hành cấp sổ hồng cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở (chủ đầu tư đã xây dựng xong và lập hồ sơ trình Sở TN&MT thẩm định) cho 219.769 căn/222.834 căn, đạt 98,62%. Cấp sổ hồng cho người mua nhà tái định cư  với 13.856/14.027 căn (đã có quyết định bán nhà), đạt 98,78%.

Về việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đến nay đã hoàn thành cấp 617.964/622.861 thửa đất, đạt 99,21%; Cấp sổ đỏ và kê khai đất đai lần đầu cho các tổ chức đạt 21.395 thửa đất; Đăng ký kê khai đất đai, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng 3.218/6.685 thửa đất.

Việc đăng ký kê khai và cấp sổ đỏ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn Thành phố đã có kết quả chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu chưa hoàn thành đầy đủ mục tiêu đề ra, một số quận, huyện hiện nay đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký của người sử dụng đất; Công tác bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước còn chậm do một số cơ quan tự quản của Trung ương và Hà Nội chưa bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý; Công tác cấp Giấy chúng nhận cho các cơ sở tôn giáo kết quả đạt chưa cao…

Để đẩy nhanh tiến độ đăng ký, cấp sổ đỏ cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, UBND Thành phố chỉ đạo Sở TN&MT có các Văn bản hướng dẫn các tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất trên địa bàn Thành phố lập hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận theo quy định. Sở TN&M đã họp và thống nhất cùng Ban Tôn giáo Thành phố, Công an thành phố Hà Nội (Phòng PA88), Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội về nội dung thực hiện kê khai, đăng ký, cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai đối với các tổ chức, cơ sở tôn giáo để quản lý đối với trường hợp chưa đủ điều kiện cấp sổ đỏ theo quy định. Các nội dung vượt thẩm quyền, Sở TN&MT đã tổng hợp, báo cáo Bộ TN&MT.

Đóng góp trên 450 tỷ đồng vào NSNN từ hoạt động giao dịch sổ đỏ

Song song với việc tháo gỡ giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn Thủ đô, việc Sở TN&MT Hà Nội hoàn thành cấp sổ đỏ lần đầu cho trên 1,3 triệu thửa đất đã góp phần quan trọng thúc đẩy các giao dịch liên quan đến đất đai trên địa bàn Thành phố tăng nhanh những năm gần đây.

Theo thống kê của Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội), số hồ sơ tiếp nhận tại Văn phòng Trung tâm và Văn phòng chi nhánh giai đoạn 2016 - 2020, luôn tăng trưởng cao, năm sau nhiều hơn năm trước. Cụ thể, năm 2016, tổng hồ sơ tiếp nhận là 341.283; Đến năm 2017 đạt 424.603; Năm 2018 là 408.706; Năm 2019 đạt 450.084; Sáu tháng đầu năm 2020 đạt 251.068 hồ sơ.

Cùng với đó, chỉ số đóng góp vào NSNN từ nguồn phí, lệ phí liên quan đến các giao dịch sổ đỏ cũng tăng trưởng đều qua từng năm. Theo thống kê, tổng số phí, lệ phí đã nộp vào NSNN năm 2016 đạt 91,3 tỷ đồng; Năm 2017 đạt 108,9 tỷ; Năm 2018 đạt 121,2 tỷ đồng; Năm 2019 đạt 132,4 tỷ đồng và nửa đầu năm 2020 đạt trên 63 tỷ đồng.

Từ kết quả đã đạt được, trong những tháng cuối năm 2020, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, phân loại, nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp sổ đỏ. Đặc biệt, Sở sẽ kiến nghị với Bộ TN&MT báo cáo, đề xuất Chính phủ cho phép xem xét, cấp sổ đỏ cho các trường họp mua bán bằng giấy tờ viết tay sau ngày 01/01/2008 đến trước ngày 01/07/2014… 

Ðẩy mạnh các Dự án quan trắc môi trường

Ðể kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí, từ năm 2016, Thành phố Hà Nội đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc không khí tự động, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã quản lý vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, cung cấp chuỗi dữ liệu chính xác, liên tục về chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HÐND ngày 05/12/2018 của HÐND Thành phố về Chủ trương đầu tư dự án thuộc kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020, trong đó giao Sở TN&MT làm Chủ đầu tư thực hiện Dự án Hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội hoàn thành tốt công tác cấp sổ đỏ cho các trường hợp đủ điều kiện ảnh 1Sở TN&MT Hà Nội đề xuất đầu tư thêm các trạm quan trắc hiện đại để kiểm soát tốt hơn chất lượng không khí

Căn cứ Thông báo thẩm định số 570/TB-KH&ÐT ngày 20/5/2020 của Sở KH&ÐT, ý kiến tham gia của Sở, Ngành, Tổng cục Môi trường và số lượng các trạm được tài trợ, hiện Sở TN&MT Hà Nội đang tập trung phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện Dự án "Hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội" theo hướng hiệu quả, tiết kiệm đảm bảo điều kiện thẩm định, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt trong Quý III năm 2020 để triển khai thực hiện dự án, đầu tư mới thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định, tích hợp 03 thiết bị quan trắc phóng xạ; 5 trạm quan trắc môi trường nước, tích hợp 01 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động cố định và 06 trạm quan trắc nước dưới đất; hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố trong năm 2021.

Tập trung hoàn thành và vận hành các nhà máy xử lý nước thải

Liên quan đến công tác xử lý nước thải và nước thải làng nghề, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở TN&MT Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà làm nhiệm vụ xử lý nước thải cho các làng nghề Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu (Hoài Ðức) do Cty Phú Ðiền đầu tư theo hình thức xã hội hóa, công suất 20.000 m3/ngày đêm; Dự án Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Ðồng (8.000 m3/ngày đêm) khởi công tháng 12/2015 đã cơ bản hoàn thành, đang tổ chức vận hành chạy thử, dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong năm 2020.

Hà Nội hoàn thành tốt công tác cấp sổ đỏ cho các trường hợp đủ điều kiện ảnh 2 Sở TN&MT đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, xử lý nước thải làng nghề hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Tính đến tháng 5 năm 2020, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 70/89 CCN đã có quyết định thành lập đang hoạt động (CCN đang hoạt động là CCN có ít nhất 01 doanh nghiệp hoặc hộ sản xuất đang hoạt động sản xuất kinh doanh) nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã của Thành phố. Trong đó có 43 CCN hoạt động ổn định. Trong đó có:

26/43 (đạt tỷ lệ 60,5%) Cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung với công suất từ 150-4.500 m3/ngày đêm

11/43 CCN đã được UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân phê duyệt chủ trương đầu tư HTXLNT TT bằng nguồn vốn ngân sách tại kỳ họp tháng 5/2020 có Trạm XLNT được Chủ đầu tư tự thực hiện đầu tư xây dựng (09 CCN được đầu tư xây dựng trước năm 2014; 01 CCN được đầu tư xây dựng năm 2018).  

2/43 CCN có lượng nước thải ít sẽ chuyển đổi theo hướng quy hoạch thị trấn sinh thái; 04/43 CCN thì việc xây dựng HTXLNT tập trung được thực hiện tại giai đoạn 2 của việc đầu tư xây dựng HTKT.

MỚI - NÓNG