Kè hồ Gươm bằng công nghệ riêng của Việt Nam: Trường tồn cùng thời gian?

Kè Hồ Gươm hiện xuống cấp nghiêm trọng
Kè Hồ Gươm hiện xuống cấp nghiêm trọng
TPO - Quận Hoàn Kiếm đang xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về việc kè hồ Gươm bằng bê tông đúc sẵn. Phía đơn vị thực hiện cho rằng, công nghệ này riêng của Việt Nam, đảm bảo trường tồn cùng thời gian.

Như Tiền Phong đã thông tin, Hà Nội hiện đang giao quận Hoàn Kiếm nghiên cứu việc thay thế toàn bộ bờ kè quanh hồ Gươm vì hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau 2 năm tìm kiếm, thành phố đã có được công nghệ mới, dùng những khối bê tông nặng 2 tấn để kè xung quanh hồ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, mỗi khối bê tông dài khoảng 1 m, được đặt thẳng xuống bờ hồ mà không phải dịch chuyển hay đào bới bất cứ thứ gì.

“Tôi tin khi kè xong bờ hồ bằng những khối bê tông này, kết hợp với trang trí ánh sáng, hồ Hoàn Kiếm sẽ rất đẹp”, ông Chung nói thêm.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, thực tế kè ở hồ Gươm đã xuống cấp. Trong công tác cải tạo thì hạng mục kè hồ là quan trọng nhất. Những nội dung như liên quan đến đường dạo, thảm cỏ, cây xanh, cấp điện, thoát nước... thì làm thường xuyên và quen thuộc.

“Theo yêu cầu của Thành ủy, UBND thành phố, việc kè hồ phải triển khai thi công nhanh gọn, tác động ít nhất đến hiện trạng. Thứ hai là không được phép thu nhỏ diện tích mặt nước. Thứ ba là việc thi công không được ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường đang diễn ra, nhất là vào dịp cuối tuần. Thời điểm thi công phải lựa chọn phù hợp, vào những tháng cuối năm khi thời gian ban đêm dài hơn”, ông Long nói.

Theo đại diện đơn vị nghiên cứu và thiết kế hệ thống kè cho biết, toàn bộ kè hồ Gươm dài khoảng 1.600 mét, trong đó có khoảng 600 mét đã hư hỏng. Theo phương án đã được trình bày trước lãnh đạo thành phố và thử nghiệm thực tế một đoạn tại hồ Trúc Bạch, thì kè hồ Gươm sẽ là kè vát, có gân tăng cường. Mỗi cấu kiện dài 1 mét, chiều cao 2,5 mét, nặng 2,5 tấn.

“Chất liệu bằng bê tông cốt sợi, không có ion, không ăn mòn, có thể trường tồn trong môi trường. Có thể yên tâm với công trình trong sử dụng lâu dài”, đại diện đơn vị nghiên cứu cho biết, đồng thời cho biết, đây là công nghệ hoàn toàn của Việt Nam.

Nói về phương án thi công, đơn vị nghiên cứu cho biết, không dùng tường vây, đê bao, không thay đổi mực nước hồ Gươm, cũng không làm đường công vụ.

“Đảm bảo giữ nguyên hiện trạng nền tư nhiên đáy hồ, giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh bờ hồ, không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ. Hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thi công, không làm ảnh hưởng đến các công trình di tích văn hóa lịch sử, không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần thường ngày của người dân”, đơn vị nghiên cứu cam kết.

Lãnh đạo đơn vị nghiên cứu cho biết thêm, đơn vị đã khảo sát từng cây xanh, đưa ra giải pháp bảo vệ cho từng loại cây xanh. “Gặp cây xanh thì kè dừng lại, cấu kiện được đúc cục bộ riêng lẻ, đảm bảo giữ nguyên rễ, thân cây, đảm bảo bề mặt không gian kè, đảm bảo cảnh quan kiến trúc”. 

Thời gian thi công sẽ từ 22h – 5h sáng từ thứ 2 đến thứ 5. Thứ 7, Chủ nhật sẽ thi công từ 0 - 5h sáng, thi công đồng bộ 4 mũi cùng lúc trong khoảng 40 – 60 ngày.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.