Nhan nhản bãi trông giữ xe “dù” ở Hà Nội

Trông ô tô không phép tại đường Đinh Tiên Hoàng
Trông ô tô không phép tại đường Đinh Tiên Hoàng
TP - Đi lễ đầu Xuân là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, dịp này cũng là lúc nhiều bãi xe không phép mọc “như nấm sau mưa”. Dù đã cải thiện ít nhiều nhưng người dân và cả du khách đến với Hà Nội vẫn gặp những chiêu “chặt chém” khó chịu dịp Tết.

Bãi xe “nhảy dù” quanh di tích

Nắm được tâm lý, xu hướng đi lễ bái cầu an đầu năm mới nên ngay từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán (5/2) quanh các điểm di tích như: chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh (quận Tây Hồ); đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm)… các bãi xe máy trên vỉa hè đều ken đặc, phía dưới lòng đường ô tô xếp thành hàng dài khiến những con đường này ùn tắc. Đoạn đường Thanh Niên (đi qua chùa Trấn Quốc) ùn tắc kéo dài do ô tô dừng đỗ lộn xộn 2 bên đường. Ngay khi dừng xe tại đây, một người mặc quần áo thể thao chạy đến thu 50 ngàn đồng/lượt ô tô mà không có vé. Giá vé này cao gần gấp đôi so với mức quy định trông giữ phương tiện.

Tương tự tại đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn gần Đền Ngọc Sơn), hàng loạt ô tô đỗ thành hàng dài dưới biển cấm dừng đỗ. Nhanh chóng, một người trông xe chạy ra thu 50 ngàn đồng cũng không có vé xe kèm theo. Mùng 3 Tết, tại khu vực tượng đài “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” được tổ chức trông xe máy cho du khách, người trông xe hô giá 20.000 đồng/xe máy/lượt. Họ đưa ra vé gửi xe chỉ có biển số, không ghi đơn vị trông giữ, không điền nội dung ngày tháng năm.

Ghi nhận tại các điểm đỗ xe khác quanh hồ Hoàn Kiếm đều có tình trạng trông xe không phép, nhồi nhét, tăng giá như: Vỉa hè đối diện trước cổng Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội diện tích nhỏ nhưng cũng được tận dụng đỗ 2 hàng xe máy khiến người đi bộ bị dồn xuống lòng đường; vỉa hè đường Lý Thái Tổ (trước cổng Cung thiếu nhi Hà Nội) của Cty cổ phần Đồng Xuân xếp thành 3 hàng xe máy, xe hàng ngoài cùng phải chèn bánh ra lòng đường… Việc trông giữ xe quá giá quy định những ngày đầu năm không mới, nhiều người đã quen với việc này vì đầu năm không muốn đôi co.

Nhiều cải thiện, bớt bức xúc hơn

Chị Ngọc Anh (quận Thanh Xuân) cho biết, gia đình chị năm nay đi thăm quan “tứ trấn” Hà Nội gồm: đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Kim Liên và đền Voi Phục. Theo chị Ngọc Anh, đi thăm quan đủ 4 nơi thì nơi nào cũng thu quá giá, nhưng “năm nay các điểm trông xe này bớt chặt chém hơn” nên chị và bạn bè đi cùng đỡ bức xúc. Nếu như năm ngoái, mỗi nơi thu 20.000 đồng/xe máy, có nơi 30.000 đồng thì năm nay mức giá chủ yếu chỉ 10.000 đồng.

Tại bãi trông xe máy không phép vỉa hè 61 - 65 Quán Sứ (đối diện chùa Quán Sứ), lực lượng chức năng cũng đã có mặt để xử lý bãi xe với lỗi không giấy phép với mức phạt 2,5 triệu đồng.

Trong 6 ngày nghỉ Tết, công an quận Hoàn Kiếm liên tục xử lý các trường hợp đỗ xe trái phép gây ùn tắc, cũng như vi phạm của các bãi xe để hạn chế việc “chặt chém”. Cụ thể, trong sáng mùng 6 Tết (10/2), công an quận đã kiểm tra, xử phạt các bãi xe: trước cổng Bưu điện Hà Nội; cạnh kem Thủy Tạ, cổng chùa Quán Sứ… Trước đó, trong ngày mùng 1 Tết, mặc dù đã được nhắc nhở bằng loa nhưng nhiều người dân vẫn vô tư đỗ xe phía trái đường một chiều quanh hồ Gươm. Công an quận đã phải niêm phong, gọi cẩu kéo một số trường hợp.

Đại diện Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, với sự quyết liệt của lực lượng chức năng và sự ủng hộ của người dân, trật tự đô thị tại quận Hoàn Kiếm thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. 

Đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng bảo vệ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội. Đơn vị đã phối hợp tuần tra, kiểm soát tại 63 chợ hoa Tết và các điểm di tích văn hóa tâm linh, tuyến đường phức tạp về trật tự đô thị để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; Tuyên truyền, nhắc nhở, tổ chức sắp xếp hàng quán, nơi trông giữ phương tiện đúng quy định…

MỚI - NÓNG