Thí điểm chính quyền đô thị Hà Nội: Lập ủy ban hành chính tại các phường

Hà Nội dự kiến xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (gồm cấp thành phố và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị. Ảnh: hanoi.gov
Hà Nội dự kiến xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (gồm cấp thành phố và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị. Ảnh: hanoi.gov
TPO - Hà Nội dự kiến xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (gồm cấp thành phố và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị. Ủy ban hành chính (UBHC) phường gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. Các thành viên UBHC do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, bãi nhiệm đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ

Nhiệm vụ của cơ quan hành chính phường

Theo đó, tổ chức chính quyền thành phố gồm HĐND và UBND thành phố, về cơ bản giữ nguyên như hiện nay. Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã cũng cơ bản giữ nguyên, gồm có HĐND và UBND. Riêng về tổ chức chính quyền xã, phường, thị trấn, theo đề án, tại phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HĐND phường, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế Ủy ban hành chính (UBHC).

Theo đề án, các phường là đơn vị hành chính trong nội bộ đô thị, không phải là một đơn vị hành chính có tính độc lập về kinh tế - xã hội riêng biệt. Trong thực tế, HĐND phường hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, không quyết định được những vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn, cũng như hoạt động giám sát còn hình thức. Mặt khác việc tồn tại HĐND phường làm gián đoạn, cắt khúc các hoạt động quản lý, điều hành hành chính nhà nước, vốn đòi hỏi phải rất nhanh nhạy, thống nhất và thống suốt trên địa bàn đô thị. Do vậy, tại phường không cần tổ chức một cấp chính quyền, mà tổ chức một cấp hành chính là phù hợp. Cơ quan hành chính phường được tổ chức theo thiết chế UBHC, có vị trí là một cơ quan hành chính, trực thuộc UBND quận.

Cụ thể, tổ chức UBHC phường gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. Các thành viên UBHC do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, bãi nhiệm đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Tổ chức Đảng tại phường đề xuất việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ để Ban Thường vụ cấp ủy quận, thị xã quyết định trên cơ sở thực hiện các bước quy trình về công tác cán bộ. Chủ tịch UBND các quận, thị xã Sơn Tây bổ nhiệm, bãi nhiệm theo quy định.

Nhiệm vụ chính của UBHC phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp và ủy quyền của UBND quận. Ngoài ra UBHC phường còn phải hướng dẫn và phối hợp với tổ trưởng dân phố thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Do không tổ chức HĐND ở phường nên phường không phải là một cấp quy hoạch, một cấp ngân sách; UBHC phường không có nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý quy hoạch và quản lý ngân sách. Do không còn HĐND phường, sẽ phải chuyển giao một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường để HĐND và UBND, Chủ tịch UBND quận thực hiện; một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường trong quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông sẽ giao cho UBND thành phố và UBND quận thực hiện...

Việc tiếp xúc cử tri sẽ được đảm bảo thông qua Tổ ĐBQH, Tổ Đại biểu HĐND thành phố và Tổ đại biểu HĐND quận, thị xã; qua đó, cử tri đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị và được chính quyền các cấp ghi nhận, giải quyết thỏa đáng theo thẩm quyền. “UBHC phường hoạt động theo chế độ tập thể, nhưng cần đề cao thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBHC trong quản lý điều hành hành chính. UBHC phường chịu sự giám sát trực tiếp của cấp ủy, HĐND và đại biểu HĐND quận; đồng thời chịu sự giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp”, đề án nêu.

Phân cấp mạnh mẽ

Hà Nội cho rằng, nhu cầu quản lý, tổ chức công việc của chính quyền đô thị đòi hòi phải có phản ứng, chỉ đạo, điều hành nhanh nhạy, kịp thời, xuyên suốt, một việc chỉ do một cơ quan chỉ đạo, điều hành, đồng thời phải là cơ quan đó chịu trách nhiệm chính, do đó đề nghị phân cấp nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể.

 Hà Nội đề nghị phân cấp nhiều nội dung, như  HĐND thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do HĐND thành phố quy định. Hay ngân sách thành phố được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng khung..., xử lý các vấn đề giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, dân sinh bức xúc của thành phố và các nhiệm vụ trọng tâm khác.

Hà Nội cũng đề nghị phân cấp cho UBND thành phố quyết định việc giao tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc (bao gồm cả lập mới và điều chỉnh) trong phạm vi địa giới hành chính thành phố. Đối với các quy hoạch thuộc thẩm quyền của cấp trên theo quy định của các luật khác thì phải lấy ý kiến của các Bộ quản lý chuyên ngành trước khi phê duyệt. Các nội dung đã phê duyệt điều chỉnh ở quy hoạch cấp dưới được cập nhật trong kỳ rà soát mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp trên; UBND thành phố Hà Nội cấp phép xây dựng toàn bộ công trình do thành phố quyết định chủ trương đầu tư...

MỚI - NÓNG