Vụ phá đình 300 tuổi: Sở Văn hoá yêu cầu phương án 'cứu vãn' tối ưu

Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội yêu cầu UBND huyện Ứng Hoà tìm phương án tối ưu khắc phục đình Lương Xá
Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội yêu cầu UBND huyện Ứng Hoà tìm phương án tối ưu khắc phục đình Lương Xá
TPO - Sau toạ đàm tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến ký thông báo số 82 ngày 17/8, trong đó yêu cầu UBND huyện Ứng Hoà đề xuất phương án khắc phục hậu quả tối ưu đình Lương Xá.

Một trong những việc các nhà khoa học nhấn mạnh cần làm ngay trong toạ đàm hôm 16/8 chính là lập hồ sơ khoa học của đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà. Ông Trương Minh Tiến giao Ban Quản lí di tích danh thắng Hà Nội sưu tầm, lập hồ sơ khoa học của cụm di tích đình Lương Xá. UBND huyện Ứng Hoà chủ trì tổ chức kiểm kê, đánh giá hiện trạng các cấu kiện đã hạ giải và có phương án bảo vệ, bảo quản.

Trong số ba phương án được đưa ra bàn thảo tại toạ đàm hôm 16/8, lãnh đạo Sở yêu cầu UBND huyện Ứng Hoà chọn một trong số phương án đó trình Sở, UBND TP xem xét và quyết định. Trên cơ sở này địa phương chọn đơn vị tư vấn thiết kế có năng lực, kinh nghiệm tu bổ di tích khảo sát, đề xuất thiết kế phù hợp. Sở cũng đề nghị địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng quy định pháp luật.

Vụ phá đình 300 tuổi: Sở Văn hoá yêu cầu phương án 'cứu vãn' tối ưu ảnh 1 Các chuyên gia đề xuất bảo quản được cấu kiện có giá trị
Các chuyên gia trong toạ đàm hôm 16/8 đều cho rằng khó có thể lựa chọn phương án phục hồi nguyên trạng đình gỗ do kinh phí quá lớn. KTS. Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện bảo tồn di tích phân tích, dù chấp nhận kết cấu đình bằng bê tông nhưng cũng phải làm sao để đưa không gian hiện đại này trở về gần nhất với không gian văn hoá tâm linh vốn có. Ngôi đình bằng bê tông này nhất thiết phải được xử lý giống về hình dáng kiến trúc cũ về tổng thể, đảm bảo trang trí đúng với ngôi đình truyền thống, nhất là phần mái ngói. Phương án chấp nhận giữ kết cấu đình bê tông nhận được sự ủng hộ, tuy nhiên các chuyên gia cũng đề xuất phải tái sử dụng cấu kiện gỗ còn lại của đình để đưa vào phần hậu cung và có hướng sử dụng hợp lí. Với các mảng chạm có giá trị có thể trở thành hiện vật bảo tàng ngay tại đình.
MỚI - NÓNG