Cán bộ quận ủy kêu oan vì bị cáo buộc chém người

Phiên tòa xét xử vụ án.
Phiên tòa xét xử vụ án.
TPO - Suốt 8 năm từ ngày xảy ra vụ án, bị cáo luôn kêu oan trước cáo buộc dùng kiếm chém, gạch đập người khác. Tòa phúc thẩm cũng khẳng định không đủ căn cứ kết tội, lời khai của nhân chứng rất khó tin, không đúng thực tế.

Trong các ngày 9 – 14/7, TAND huyện Thanh Oai (Hà Nội) xét xử sơ thẩm Nguyễn Đình Nhâm (SN 1963) – cán bộ Quận ủy Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Hảo (SN 1980), Nguyễn Đình Tuấn (SN 1977) về tội “Cố ý gây thương tích”. Cùng vụ án, bị cáo Đỗ Biên (SN 1990, đều ở Thanh Oai) bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Diễn biến vụ án thể hiện, anh trai bị cáo Nhâm tranh chấp lối đi chung với nhà Nguyễn Đình Phi (SN 1978); chính quyền sau đó xác định lối đi là đất của gia đình anh trai Nhâm.

Viện kiểm sát huyện Thanh Oai xác định, tối 25/8/2012, anh Phi đi xe máy tới cổng nhà anh trai bị cáo Nhâm liền bị đuổi đồng thời các cháu của Nhâm là anh em Tuấn, Hảo dùng kiếm, mác đánh.

Cùng lúc, cháu Phi là anh Nguyễn Đình Thịnh chở bị cáo Đỗ Biên cùng một người khác tới nơi và cũng bị ném gạch ra. Biên đã nhặt 3 viên gạch ném lại vào ngõ.

Cơ quan truy tố khẳng định, quá trình xô xát, Nguyễn Đình Nhâm đã dùng kiếm chém rồi nhặt gạch đập vào đầu anh Thịnh. Nạn nhân sau đó bị Nguyễn Đình Hảo chém thêm một nhát vào lưng, tất cả gây thương tích 32%.

Bản thân ông Nhâm cũng bị đánh, tổn hại 4% sức khỏe nhưng viện kiểm sát cho rằng không điều tra được ai đánh bị cáo.

Sau vụ việc, có khoảng 15 thanh niên tụ tập, ném gạch vào nhà anh trai bị cáo Nhâm nhưng cơ quan điều tra không xác định được họ là ai nên không xử lý.

Vụ án xảy ra năm 2012, và TAND huyện Thanh Oai từng phạt bị cáo Nhâm 6 năm tù, Hảo 5 năm rưỡi, Tuấn 5 năm tù, Biên 6 tháng tù treo. Tháng 10/2014, TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm đã hủy án của tòa Thanh Oai.

Nhân chứng khai khó tin

Theo án phúc thẩm, những lời khai của bị hại, người làm chứng về việc bị cáo Nhâm có dùng kiếm chém, gạch đập hay không có nhiều mâu thuẫn với nhau, không đúng thực tế vụ án nhưng chưa được đối chất.

Tòa án Hà Nội dẫn chứng, Nguyễn Đình Phi khai bị Tuấn, Hảo dùng kiếm, mác truy đuổi nhưng vẫn dám quay lại nơi các bị cáo đứng là: “Khó xảy ra, khó tin được”. Hoặc lời khai về việc anh Thịnh bị chém tới mức lồi xương sọ, dùng gạch đập cho ngất đi tới mức không biết gì nhưng vẫn đủ sức để chạy là không đúng thực tế.

Cả bị hại và một số người làm chứng đều trốn tránh, không đến dự tòa dù nhiều lần được triệu tập. Vì vậy, cấp phúc thẩm khẳng định không thể dùng lời khai của họ để kết tội Nguyễn Đình Nhâm.

Cùng với việc hủy án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội yêu cầu làm rõ tại sao ngày 3/10/2012 mới có kết quả giám định thương tích của anh Thịnh nhưng ngày 6/9/2012, cơ quan điều tra đã thông báo tới Quận ủy Hai Bà Trưng (nơi bị cáo Nhâm công tác) việc anh Thịnh bị tổn hại 32% sức khỏe.

Tại tòa sơ thẩm lần 2 (từ 9 - 14/7), đại diện Viện KSND huyện Thanh Oai cho biết, việc thông báo trước khi có kết quả giám định nêu trên là do lỗi đánh máy của cán bộ công an.

Ngoài ra, kiểm sát viên nói chỉ có thể xác định các bị cáo Nhâm, Tuấn, Hảo có dùng gạch đập, lấy kiếm chém anh Thịnh; không thể nói rõ bị cáo Nhâm hay ai dùng kiếm chém nạn nhân.

Tuy vậy, người giữ quyền công tố xác định 3 bị cáo này đã gây thương tích cho anh Thịnh, cần phải nhận án tù trong đó bị cáo Nhâm giữ vai trò chính.

Bị hại trốn giám định

Ngược lại, Nguyễn Đình Nhâm kêu oan, nói đang đứng ở cổng nhà anh trai đã bị nhóm Phi đánh ngất nên không thể dùng kiếm chém, lấy gạch đập vào đầu anh Thịnh như quy kết.

Bị cáo này và gia đình đề nghị viện kiểm sát làm rõ, tại sao không biết ai chém anh Thịnh nhưng vẫn bắt cả 3 chú cháu Nhâm đi tù trong khi thương tích của bị cáo không được điều tra? Ngoài ra, cần yêu cầu anh Thịnh đi giám định lại xem vết thương có thật hay không.

Luật sư của ông Nhâm nêu quan điểm, việc giám định vết thương là căn cứ để xác định xử lý hình sự vụ việc hay không và chính cơ quan tố tụng huyện Thanh Oai đã yêu cầu giám định lại vết thương của anh Thịnh.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án không có biên bản giao bệnh án, bệnh viện nói đã mất và anh Thịnh từ chối giám định lại nhưng viện kiểm sát vẫn căn cứ kết quả cũ để truy tố là thiếu khách quan.

“Bị hại có ở quê nhưng không ra tòa, không đi giám định nên cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tại sao không làm?” – luật sư nêu quan điểm.

Ngoài ra, luật sư đề nghị làm rõ việc hồ sơ thể hiện bị cáo Nhâm dùng kiếm chém anh Thịnh nhưng biên bản thu giữ vật chứng không có kiếm và sau đó lại bổ sung bằng biên bản đánh mất chiếc kiếm này.

Sau 6 ngày làm việc, Hội đồng xét xử cho rằng dù Nguyễn Đình Nhâm kêu oan nhưng căn cứ hồ sơ đã đủ cơ sở xác định bị cáo dùng gạch đập anh Thịnh.

Vì vây, tòa phạt Nhâm và Tuấn cùng mức 5 năm tù; Nguyễn Đình Hảo 5 năm 6 tháng tù đều về tội “Cố ý gây thương tích”. Cả 3 phải bồi thường cho anh Thịnh hơn 79 triệu đồng.

Đỗ Biên từng bị tuyên 6 tháng tù treo trong năm 2013. Bản án này đã bị cấp phúc thẩm hủy vào năm 2014 nhưng riêng Biên không có kháng cáo, kháng nghị liên quan nên TAND huyện Thanh Oai xác định bị cáo này đã chấp hành xong hình phạt.

MỚI - NÓNG