Tỉnh Quảng Trị khai thác, thanh lý rừng phòng hộ

Công an đề nghị quan tâm hơn nguyện vọng của dân

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TP - Theo Công an tỉnh Quảng Trị ngày 20/5, sau khi tìm hiểu, xác minh sự việc người dân ngăn không cho khai thác, thanh lý diện tích 72,9 ha rừng phòng hộ tại thôn Trấm (Triệu Thượng, Triệu Phong), công an tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh này quan tâm hơn đến nguyện vọng của người dân.

Ngày 15/8/2002, Ban quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng Tây Triệu Phong (BQL 661 Tây Triệu Phong) ký hợp đồng kinh tế (HĐKT) số 26 với ông Đoàn Kim Đốn (ở thôn Trấm, làm nhóm trưởng của 27 hộ gia đình ở đây) để trồng 80 ha rừng tại khoảnh 08, 09 thuộc Tiểu khu 831, với tổng giá trị 84 triệu đồng. Sau khi trồng xong, BQL 661 Tây Triệu Phong đã nghiệm thu và thanh toán số tiền này cho các hộ gia đình.

Sau đó, ngày 5/8/2003, BQL 661 Tây Triệu Phong tiếp tục ký HĐKT số 30 về việc chăm sóc rừng phòng hộ năm 2003, với tổng diện tích 130 ha tại Tiểu khu 831, có 31 hộ dân ở thôn Trấm tham gia, tổng giá trị hợp đồng 55 triệu đồng. BQL 661 Tây Triệu Phong cũng đã thanh toán hết số tiền này cho người dân. Đến năm 2006, thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh theo Quyết định số 29 của Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định thành lập BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn với tổng diện tích giao quản lý 8.409 ha, trong đó có 80 ha rừng trồng các năm 2002, 2003 tại tiểu khu 831. Ngày 6/12/2017, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định cho phép BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn thanh lý có tận thu 72,9 ha trong tổng số 80 ha tại tiểu khu 831 với lý do: “Do ảnh hưởng của mưa bão, gió lốc, sâu bệnh gây hại nên cây bản địa trên diện tích rừng trồng này không còn; cây phụ trợ là cây keo bị gãy đổ, cụt ngọn”.

Quá trình thanh lý có tận thu này, đơn vị thực hiện đã gặp phải sự phản đối, ngăn cản của người dân, với lý do: “Rừng trên do người dân trồng, chăm sóc và quản lý; việc khai thác người dân không được biết; các quyền lợi liên quan của người dân vì thế bị xâm hại, không được đảm bảo”.

Ngày 4 và 8/4/2018, UBND xã Triệu Thượng đã chủ trì họp dân và đối thoại, giải thích các văn bản pháp lý liên quan đến việc tổ chức khai thác, nhưng người dân không đồng tình; rằng việc khai thác rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật, quá trình khai thác đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân...

Qua tìm hiểu trực tiếp sự việc của PV Tiền Phong với nhiều người dân ở thôn Trấm như các ông Võ Thọ, Võ Duy, Võ Hảo… Họ bày tỏ: “Bà con chúng tôi có 3 nguyện vọng chính là diện tích rừng phòng hộ kể trên chỉ cần tỉa thưa theo quy định mà không cần thiết phải khai thác, thanh lý; còn nếu phải khai thác, thanh lý thì công việc này phải ưu tiên cho người dân trước hết. Trong quá trình khai thác phải thỏa thuận đền bù xứng đáng cho những hộ dân có rừng trồng quanh đó bị ảnh hưởng”.

Trao đổi vấn đề này với Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị Võ Văn Hưng. Ông Hưng cho biết: “Việc tác động vào rừng, nhất là rừng phòng hộ, phải tuân thủ thực tế và các thủ tục, quy định của pháp luật rất nghiêm ngặt. Ở đây, việc thanh lý nói trên không do một cá nhân, đơn vị có thể quyết định, mà phải qua các cấp chính quyền và ngành chức năng liên quan ở địa phương xem xét, đánh giá đúng thực tế và quyết định. Về việc thanh lý có tận thu rừng này, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định giao cho BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn thực hiện, nhằm đảm bảo tính pháp lý, cũng như khả năng chuyên môn, và việc trồng mới lại rừng sau này mang lại hiệu quả. Chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức đối thoại, giải quyết, kiến nghị giải quyết những mong muốn, đề nghị chính đáng của bà con”.

Công an Quảng Trị đề xuất: “Đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục sâu sát với các phản ánh, tâm tư nguyện vọng của người dân nơi xảy ra sự việc. Tuyên truyền sâu rộng, giải thích cho người dân rõ về chính sách bảo vệ, phát triển rừng…”.

MỚI - NÓNG