Kẻ giả mạo giấy tờ xuyên quốc gia

Kẻ giả mạo giấy tờ xuyên quốc gia
TP - TAND thành phố Hà Nội sắp xét xử vụ án giả mạo giấy tờ liên quan một cựu giáo viên cấp 3 đã nghỉ hưu ở Nghệ An. Ông này đã có nhiều tuyệt chiêu qua mặt nhiều cơ quan chức năng Việt Nam và Lào.

> Hàng loạt doanh nghiệp sập bẫy 'doanh nhân lừa'

Bắt đầu cuộc phiêu lưu

Nhân vật chính vụ án là Thái Lương Trí (SN 1940, tại Tương Dương, Nghệ An), cựu giáo viên trường PTTH Tương Dương. Sau khi nghỉ hưu, năm 1996, ông Trí thành lập Cty TNHH Thái Dương (trụ sở tại Nghệ An).

Ngày 12-11-2004, Cty TNHH Thái Dương (gọi tắt là Cty Thái Dương) do ông Trí làm giám đốc ký hợp đồng với ông Oong Khăm Sivilay (quốc tịch Lào) là giám đốc Cty khai thác khoáng sản Thảo Oong Khăm (gọi tắt là Cty Thảo Oong Khăm), trụ sở tại bản Phon Sa Ạt Tạy, huyện Mương Pẹc, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào.

Hợp đồng thỏa thuận phía Việt Nam (Cty Thái Dương) góp 100% vốn; phía Lào (Cty Thảo Oong Khăm) lấy dự án thăm dò làm tài sản thay thế vốn góp và chịu trách nhiệm về hồ sơ trình Chính phủ Lào xin cấp giấy phép thành lập Cty liên doanh. Lợi nhuận thu được chi theo tỷ lệ: phía Việt Nam 65%, Lào: 35%.

Để có hồ sơ trình Bộ KH&ĐT Việt Nam xin cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài, đầu tháng 6-2006, ông Trí cử nhân viên soạn thảo hợp đồng (bằng tiếng Việt), sau đó ông Trí ký, đóng dấu, cử nhân viên mang sang Lào để ông Oong Khăm Sivilay ký tên, đóng dấu. Nhưng ông Sivilay không ký vào hợp đồng này mà đóng dấu khống vào 3 tờ giấy A4 rồi đưa lại cho nhân viên ông Trí mang về.

Không hiểu sao, nhân viên ông Trí lại chuyển cho ông Trí bản hợp đồng có chữ ký của ông Oong Khăm Sivily và đóng dấu. (Công an Lào cũng chưa làm rõ ai đã giả chữ ký ông Sivilay). Biết chữ ký không phải của ông Sivilay nhưng ông Trí vẫn sử dụng hợp đồng để hoàn thành hồ sơ, trình Bộ KH&ĐT Việt Nam.

Ngày 1-11-2006, Bộ KH&ĐT Việt Nam cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài cho Cty ông Trí. Giấy phép có đoạn: Công nhận Cty TNHH Thái Dương liên doanh với Cty khai thác khoáng sản Oong Khăm để thành lập Cty Đại Phú tại Lào, thời hạn hoạt động dự án là 30 năm. Không hiểu sao lại có tên Cty Đại Phú, vì trên thực tế không có Cty này tại Lào.

Biết có người giả mạo chữ ký của mình tại hợp đồng liên doanh, ông Sivilay đã gửi đơn lên Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát Lào, kiện ông Trí về việc làm giả hợp đồng, giả mạo chữ ký.

Ngày 31-5-2007, Sở KH&ĐT tỉnh Hủa Phăn đình chỉ việc tìm kiếm, thăm dò tại mỏ ở địa phương. Gần một tuần sau, Công an Kinh tế tỉnh Xiêng Khoảng thụ lý vụ án, mở điều tra, Viện KSND tỉnh Xiêng Khoảng ra lệnh bắt ông Trí. Tuy nhiên, việc bắt chưa thực hiện được.

Lật lọng

Ở một diễn biến khác trong cuộc phiêu lưu của ông Trí, tháng 6-2007, nhân vật này gặp ông Đoàn Văn Huấn, Giám đốc Cty cổ phần dịch vụ dạy nghề Thái Dương Hà Nội (nay là tập đoàn Thái Dương), bàn việc góp vốn thành lập Cty liên doanh với Cty Thảo Oong Khăm để thăm dò, khai thác quặng tại mỏ Huổi Chừn (Lào).

Cuộc thương thảo thành công và thỏa thuận: Tổng vốn đầu tư 1,5 triệu USD, hai bên góp vốn liên doanh; trong 65% cổ phần phía Việt Nam thì Cty của ông Huấn 45% cổ phần, Cty của ông Trí 55%. Ông Huấn chuyển cho ông Trí 2 tỷ đồng và thỏa thuận sau khi có kết quả khảo sát, ông Huấn sẽ chuyển cho ông Trí 1 triệu USD. Trong thời điểm này, ông Trí cũng ký hợp đồng góp vốn liên doanh với Cty Thiên Phú do bà Chu Thị Thành làm giám đốc.

Việc liên doanh góp vốn ba bên bước đầu thuận lợi. Đến tháng 11-2007, bà Thành đã góp hơn 12 tỷ đồng; ông Huấn gần 11 tỷ đồng.

Để đối phó với cơ quan chức năng Lào đang điều tra hành vi làm giả hợp đồng, giả chữ ký ông Sivilay, ông Trí lập một số Cty không có thật ở Nghệ An để tiếp tục liên doanh, liên kết, làm ăn với các đối tác Lào.

Và bằng cách nào đó, ông Trí đã được Bộ Tư pháp Lào chấp nhận tổ chức hòa giải mâu thuẫn giữa Cty Thái Dương và Cty Thảo Oong Khăm. Cuộc hòa giải đi đến kết luận: Cho phép 2 Cty tiếp tục liên doanh thăm dò khai thác mỏ Huổi Chừn.

Ngay sau khi được hòa giải, ông Trí đề nghị ông Huấn cho mượn hơn 11% cổ phần, bà Thành 3% để ông Trí đủ tỷ lệ phần trăm làm chủ tịch HĐQT Cty cổ phần khoáng sản Lào - Việt (liên doanh giữa các Cty của ông Trí, ông Huấn, bà Thành, ông Sivilay, gọi tắt là Cty Lào - Việt).

Ngày 24 và 25-1-2008, Hội nghị cổ đông Cty Lào - Việt thống nhất bầu ông Thái Minh Trí làm Chủ tịch HĐQT, ông Đoàn Văn Huấn làm Tổng giám đốc, bà Chu Thị Thành và ông Oong Khăm Sivilay làm phó tổng giám đốc. Tuy nhiên, ông Trí không ký quyết định bổ nhiệm các chức danh kể trên.

Để thâu tóm toàn bộ Cty Lào - Việt, ông Trí dùng quyền Chủ tịch HĐQT sản xuất các văn bản giả, đẩy ông Huấn và bà Thành ra khỏi Cty. Số tiền ông Huấn, bà Thành đầu tư vào Cty liên doanh Lào - Việt không có khả năng thu hồi vì hai người không còn là cổ đông của Cty này. Ngay cả cổ phần cho ông Trí vay, ông Huấn và bà Thành cũng không đòi lại được. Ông Trí đẩy ông Huấn và bà Thành ra khỏi Cty và đưa người thân cận của mình vào nắm các vị trí chủ chốt.

Ngoài dùng thủ đoạn với ông Huấn, bà Thành, ông Trí còn nhận tiền góp vốn đầu tư khai thác mỏ Huổi Chừn của 9 cá nhân và doanh nghiệp khác với số tiền hơn 29 tỷ đồng.

Làm dấu giả

Liên quan việc thành lập Cty Lào - Việt, tháng 3-2008, ông Trí giao cho thuộc cấp là Dương Minh Hải sang Lào làm hồ sơ xin giấy phép kinh doanh. Ông Hải gặp và giao cho bà Mai Dalee (Lào) liên hệ với cơ quan chức năng Lào khắc dấu cho Cty Lào - Việt.

Khoảng một tháng sau, ông Hải nhận được con dấu từ bà Mai Dalee. Hải biết dấu này là giả vì chưa có giấy phép khắc dấu của Cục Quản lý hành chính - Bộ An ninh Lào, nhưng vẫn giao cho ông Trí con dấu này.

Thời gian sau, để hợp pháp con dấu nói trên, bà Mai Dalee đề nghị ông Hải cung cấp hồ sơ để xin Cục Quản lý hành chính Bộ An ninh Lào cấp giấy phép và sử dụng dấu. Sau đó, Bộ An ninh Lào cấp giấy phép khắc dấu cho Cty Lào - Việt. Khi có con dấu và hồ sơ, bà Mai Dalee đưa cho ông Hải để về hợp thức hóa con dấu giả đã đưa trước đây.

Ông Trí đã sử sụng dấu giả đóng vào 31 văn bản, ông Hải đóng vào 7 văn bản giao dịch của Cty Lào - Việt.

Ngày 27-5-2009, ông Trí bị Công an Việt Nam bắt tạm giam; ông Hải bị bắt ngày 10-8-2009.

Những người liên quan vụ án này cho biết, những tình tiết qua mặt cơ quan chức năng Lào và Việt Nam, các cách luồn lách rất dị biệt, thế lực ngầm của Thái Lương Trí còn ly kỳ hơn những gì thể hiện ở kết luận điều tra của công an. Những người liên quan, bị hại mong tòa án sớm đưa ra xét xử vụ án này để họ cung cấp thông tin, đưa ra ánh sáng đường dây lừa đảo và những người liên quan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG