Khi người 'tâm thần' gây án

Người nhà nạn nhân Y Nhôih mong muốn pháp luật xử lý nghiêm hành vi của Nguyễn Xuân Lộc
Người nhà nạn nhân Y Nhôih mong muốn pháp luật xử lý nghiêm hành vi của Nguyễn Xuân Lộc
TP - Chỉ trong vòng 5 năm, Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992, trú tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Lắk) đã gây ra 2 vụ án mạng kinh hoàng, nhưng đều thoát tội nhờ có bệnh án “tâm thần”. Tại sao nhà chức trách địa phương không quản thúc người “tâm thần”, để Lộc tự đi mua súng, thậm chí còn được học lái xe và được cấp bằng lái ô tô hạng B2?

Cụ thể, ngày 6/10/2011 Lộc là chủ mưu sát hại anh Y Nhôih (SN 1976) tại Hoa viên thị trấn Ea T’Linh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Ngày 20/1/2016, Lộc dùng súng bắn chết anh Nguyễn Anh Kha (SN 1986) tại một quán phở ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng, Lộc không bị truy tố, xét xử nhờ có bệnh án “tâm thần” sau khi gây án.

Lời khai đáng sợ của kẻ “tâm thần”

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 21/1/2016 sau một ngày bắn chết anh Kha, Lộc đã đến Công an tỉnh Đắk Lắk đầu thú, nộp lại khẩu súng và 6 viên đạn. Tại cơ quan điều tra, Lộc khai: “Bản thân tôi hoàn toàn tỉnh táo, khả năng nhận thức rõ ràng, đủ điều kiện để cơ quan điều tra tiến hành làm việc”; “Trước đây, vào năm 2011 tôi có phạm tội cố ý gây thương tích với 8 đối tượng khác tại thị trấn Ea T'Linh”. Ngoài ra, Lộc tường thuật rất rõ ràng toàn bộ diễn biến của vụ án bắn chết “đối thủ”. Cụ thể: “Khoảng 23h ngày 20/1/2016, sau khi đi hát karaoke tại quán Diamon ở đường Amakhê, TP Buôn Ma Thuột, tôi cùng với các bạn là Đ.T.B.D, P.Đ.H, V.T.N, Trần Kiêm Hoàng đến quán ăn khuya ở ngã tư đường Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu. Tôi điều khiển xe ô tô 47A-115.18 chở D, N, H cùng với Hoàng đi xe máy…”; “Tôi thấy 2 người cầm cục đá chạy vòng quanh xe ô tô của tôi. Lúc này tôi đứng dậy và nói: mấy anh đánh nhau thì đi chỗ khác, chứ trầy xe của em”… “Tôi lùi lại và lấy từ trong túi da đeo trước ngực khẩu súng K59 mà tôi đem theo trước đó. Tôi lấy súng ra, lên đạn, tôi chĩa súng lên trời bắn 1 phát”; “Tôi nghe thấy bên tai có ai đó nói: giết nó đi, chứ không nó giết mày”…

Theo Cáo trạng số 19/CT-VKS-P2 ngày 18/6/2018 của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk thì, khoảng tháng 9/2015, Lộc đến bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh) mua vé xe về TP Buôn Ma Thuột, rồi quen biết một người tên Hùng (chưa rõ nhân thân lai lịch), được người này bán cho 1 khẩu súng K59 kèm 10 viên đạn với giá 5 triệu đồng. Sau này, Lộc cất giữ bên mình và thường đem theo khi đi chơi.

Tại phiên phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định: trước, trong và sau khi gây án Lộc rất tỉnh táo, không có biểu hiện gì của người hiện đang mắc chứng bệnh tâm thần. “Thế nhưng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk quyết định Tạm đình chỉ đồng thời áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Lộc là chưa có căn cứ thuyết phục, giải quyết vụ án không triệt để” - Trích bản án của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng khi tuyên hủy bản án sơ thẩm (lần 1) để điều tra lại từ đầu.

Tuy nhiên, đến phiên sơ thẩm lần 2, diễn ra vào ngày 7/9/2018, Cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Lắk  chỉ xử tăng nặng hơn cho Trần Kiêm Hoàng thêm 2 năm tù, thành tổng cộng 20 năm tù ở 2 tội danh: “Giết người” và “Sử dụng vũ khí quân dụng trái phép”, vì sau khi anh Kha bị Lộc bắn gục chết, Hoàng dùng chân đá vào mặt nạn nhân và dùng súng bắn “hù” dọa 2 người bạn đi cùng Kha.

Rõ ràng, dù Lộc khai báo rất rõ ràng, mạch lạc với cơ quan điều tra, nhưng bản Kết luận pháp y Tâm thần của Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nguyên lại ghi nhận: quá trình thăm khám và giám định nội trú từ ngày 5/7/2016 đến ngày 2/8/2016, Lộc có các triệu chứng: cảm xúc không ổn định, hời hợt nông cạn, lúc vui vẻ thái quá; trí năng khả năng tổng hợp và suy luận giảm… Từ đó, cơ quan này kết luận: Lộc trong lúc gây án hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Người tâm thần cần được chăm sóc đặc biệt

Một bác sĩ của Trung tâm giám định Y khoa Đắk Nông cho biết: Bệnh tâm thần có nhiều thể, trong đó có thể hoang tưởng. Người nếu có biểu hiện tâm thần thì phải qua nhiều lần khám lâm sàng để đánh giá. Nếu bị tâm thần thật sự, cần có đầy đủ bằng chứng như bảng tóm tắt điều trị nội trú, phải do giám đốc bệnh viện xác nhận vào; luôn được người nhà theo dõi và chăm sóc đặc biệt… “Người bị tâm thần không thể đủ điều kiện về sức khoẻ để được học và thi lấy bằng lái xe” - Vị bác sĩ này khẳng định. Trong khi đó, Lộc sau khi đã được đơn vị chức năng cấp giấy xác nhận bị “tâm thần”, vẫn nộp hồ sơ để học, thực hành, rồi thi đậu được cấp bằng lái ô tô hạng B2.     

Viện KSND tỉnh Đắk Lắk quyết định Tạm đình chỉ đồng thời áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Lộc là chưa có căn cứ thuyết phục, giải quyết vụ án không triệt để” - Trích bản án của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng khi tuyên hủy bản án sơ thẩm (lần 1) để điều tra lại từ đầu.

Nhiều người dân sống tại thị trấn Ea T'Linh xác nhận với PV Tiền Phong: Vẫn thấy Lộc thường xuyên điều khiển xe ô tô qua lại thị trấn. Trong khi đó, một lãnh đạo Công an xã Tâm Thắng khẳng định, dù đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 3, xã Tâm Thắng nhưng Lộc nhiều năm nay không ở tại địa phương.

Trao đổi với PV Tiền Phong, người nhà của Y Nhôih - nạn nhân trong vụ án mạng  thứ nhất cho biết, dù vụ án xảy ra khá lâu, nhưng đại diện gia đình vẫn tha thiết mong công lý phải nghiêm trị Lộc trước ánh sáng của pháp luật. Còn bà Nguyễn Thị Lan (mẹ của Kha- nạn nhân trong vụ án mạng thứ hai), đau buồn cho biết bà sẽ kháng nghị đến cùng nếu cơ quan chức năng không truy tố Lộc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.